Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Navigation Menu

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Chi tiết
Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 22/06/2021 Lượt xem: 73

Sáng ngày 18/6/2021, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cổng TTĐT Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị.


20210618-pg1-BT1.JPG

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Nên triển khai chuyển đổi số ở nông thôn trước vì nơi đây có nhiều nỗi đau hơn, nhiều nỗi đau lớn"

Chuyển đổi số (CĐS) thì những nơi đi sau lại có thể đi trước, và vì thế mà CĐS có thể giúp thay đổi vị thế, thứ hạng. CĐS thì ai đi trước, người đó có nhiều cơ hội hơn. CĐS thì chỗ nào, nơi nào, việc nào nhiều khó khăn nhất và là khó khăn kéo dài thì chỗ đó, nơi đó, việc đó sẽ hiệu quả nhất, dễ thành công nhất. CĐS thì giải quyết việc lớn dễ hơn là giải quyết việc nhỏ, giải quyết việc khó thì dễ hơn là giải quyết việc dễ. Lực cản CĐS của một tổ chức thì chủ yếu là ở người đứng đầu chứ không phải ở nhân viên, vì nhân viên và đối tượng phục vụ của tổ chức đó luôn được hưởng lợi từ CĐS.

Khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng và vì thế mà giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn. Khó khăn của người nông dân là bán quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không xuất xứ và không thương hiệu, và vì thế mà giá rất thấp. Khó khăn của người nông dân là đã nghèo nhưng mua con giống, mua phân bón không biết có đúng giá, đúng chất lượng không. Khó khăn của người nông dân là quả chuối ngàn đời vẫn là quả chuối và do vậy mà giá không tăng được, nhưng những sản phẩm khác thì đổi mới không ngừng với những chất lượng mới và do vậy mà giá tăng lên.

Một sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân có thể giải quyết được các khó khăn trên. Nhưng sàn này phải kết nối được mọi người nông dân và mọi người tiêu dùng. Bà con đưa được sản phẩm của mình lên sàn. Sản phẩm của mỗi mảnh đất phải có thương hiệu riêng, có xuất xứ, không bị làm giả, giá trị của quả chuối còn có giá trị của nắng, của gió nơi ấy, còn có giá trị của đất nơi ấy, giá trị của giống chuối, còn có giá trị của chăm sóc, cách trồng cây của từng gia đình. Vậy là quả chuối không còn là quả chuối nữa, mỗi quả chuối của mỗi cây chuối, của mỗi gia đình nông dân có sự khác biệt, có đời sống riêng, có giá trị duy nhất. Chúng ta - người tiêu dùng không chỉ là ăn quả chuối mà còn là ăn cái nắng, cái gió, cái chất đất nơi ấy và cả tình cảm của người nông dân ấy, và vì vậy mà giá không còn giống nhau nữa. Sàn này còn kết nối bà con nông dân với các nhà cung cấp con giống, phân bón. Sàn này đảm bảo chất lượng con giống, phân bón, có xuất xứ không bị làm giả, giá cả thì cạnh tranh. Các công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng hoàn thiện một sàn thương mại điện tử như vậy cho bà con nông dân. Các doanh nghiệp bưu chính nước nhà cũng đã có đủ hạ tầng, công nghệ và khả năng để đưa sản phẩm nông sản đến từng hộ gia đình trên toàn quốc, dù có là một gia đình ở nơi xa nhất thì cũng không quá 2 ngày, và do vậy mà vẫn đảm bảo chất lượng, nông sản vẫn còn tươi.

Mùa vải năm nay, sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò đã kết nối hàng triệu hộ gia đình và hàng trăm ngàn hộ gia đình đã mua được quả vải tươi. Nhiều người ở Cà Mau, ở Đà Lạt cả đời chưa được ăn quả vải Bắc Giang vì chưa bao giờ nghĩ rằng có thể đặt hàng để quả vải tươi về đến nhà mình. Năm nay thì đã khác, trên 25 triệu hộ gia đình Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất này, đều có thể mua cân vải và nhận quả vải tươi sau nhiều nhất là 48 tiếng. Trước đây, chỉ vua chúa mới có được may mắn này. Dự kiến năm nay, trên 8.000 tấn vải sẽ được tiêu thụ trên các sàn này để đến tận tay người tiêu dùng. 8.000 tấn thì mới là 4-5% sản lượng vải, nhưng những năm trước là chưa từng có. Một khởi đầu như vậy đã tạo ra một niềm tin về sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân, và sau quả vải này sẽ là hàng trăm, hàng ngàn nông sản khác. Từ hàng triệu hộ gia đình lên sàn mua bán thì chỉ cuối năm nay thôi sẽ là hàng chục triệu.

Bà con nông dân thì khó khăn là không có sóng di động, không có phương tiện truy nhập internet. Mỗi hộ gia đình thì ít nhất cũng phải có một điện thoại thông minh, một đường Internet cáp quang. Cả nước hiện nay chỉ còn 2.000 thôn chưa có sóng di động, chiếm 2%. Bộ TT&TT đang chỉ đạo các nhà mạng phủ sóng xong ngay trong năm nay, chậm nhất thì cũng chỉ đến tháng 6/2022. Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo một chương trình để đến hết năm nay, mỗi hộ nông dân ít nhất có một điện thoại thông minh để truy nhập Internet. Bộ cũng đã có giải pháp để đẩy nhanh việc mỗi hộ nông dân có một đường cáp quang Internet, trước đây mục tiêu là đến 2030, nay mục tiêu đã rút lại là trước 2025, nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng vào cuộc thì có thể xong trước 2023. Làm được những việc này thì hạ tầng viễn thông cho nông thôn Việt Nam sẽ vào loại hàng đầu của thế giới. Muốn CĐS nông nghiệp thì đây là điều kiện đầu tiên.

Khó khăn của bà con nông dân thì luôn là thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu đào tạo. Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, mới được ký ngày 25/2/2021 vừa qua, cũng chỉ dám đặt mục tiêu tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%. Đấy là tiếp cận theo cách cũ. Còn nếu là đào tạo trực tuyến thì sao? Nếu có một nền tảng đào tạo trực tuyến dạng MOOC (Massive Open Online Course) dành riêng cho bà con nông dân thì sao? Nếu có một đại học số cho bà con nông dân để họ không phải khăn gói lên thành phố học thì sao? Nếu người nông dân có trợ lý ảo để có thể hỏi về bất cứ thứ gì liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì sao? Nếu đứa con, đứa cháu mới học cấp 2 đã được thầy cô dạy cách lên mạng để hỗ trợ bố mẹ, ông bà lên sàn thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, tìm kiếm thông tin thì sao? Có thể đạt 100% lao động nông nghiệp qua đào tạo vào năm 2025 không?

Khó khăn của người nông dân luôn là khoảng cách với thành phố. Khó khăn của họ là không tiếp cận được với đào tạo chất lượng cao cho con cái, là không tiếp cận được với y tế chất lượng cao. Thu hẹp khoảng cách này lại chính là lợi thế của công nghệ số, của CĐS. Đào tạo trực tuyến tức là người giáo viên giỏi nhất toàn quốc sẽ đến được với bất cứ học sinh nào, dù là nông thôn hay thành phố. Các nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa cũng giúp bà con tiếp cận được với bác sĩ chuyên khoa giỏi trên toàn quốc. Hệ thống cầu truyền hình kết nối các bệnh viện tuyến huyện với bệnh viện tuyến  trên, tuyến cuối ở tỉnh, ở trung ương để bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia đầu ngành tư vấn cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng y tế cho bà con nông dân. Các phần mềm AI hỗ trợ các bác sĩ đọc hình ảnh X quang cũng giúp giảm khoảng cách về y tế giữa nông thôn và thành thị. Các nền tảng công nghệ số này cơ bản đã sẵn sàng, đã đưa vào sử dụng, vấn đề còn lại là phổ cập. Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có coi việc phổ cập này là việc của mình không? Tôi nghĩ, không ai tốt hơn là Bộ này trong việc phổ cập các ứng dụng công nghệ số để nâng cao đời sống cho bà con. Bộ TT&TT sẽ đồng hành với Bộ NN&PTNT trong công cuộc này.

Bà con nông dân cũng khó khăn khi người chồng hoặc có khi cả vợ và chồng đi lao động xa nhà và để lại con cái cho ông bà nuôi dạy. Ông bà thì thường là chiều các cháu. Vậy có cách nào để bố mẹ xa nhà mà vẫn quản được con cái không? Có cách nào để khống chế thời gian chơi game của các con trong ngày, trong tuần không? Có cách nào để các con dùng máy tính để học nhưng không vào các trang "đen" không? Có cách nào để các thầy cô vẫn gửi thông tin, kết quả học tập của các con cho bố mẹ nơi xa không? Công nghệ số có thể giải quyết tốt những bài toán kiểu này. Vậy Bộ NN&PTNT có chủ trì phát triển một bộ công cụ, một hệ sinh thái để bà con nông dân mặc dù phải bươn chải kiếm sống xa nhà mà vẫn dạy dỗ con cái tốt không? Bộ TT&TT cũng xin cam kết là việc này làm được.

Bà con nông dân cũng gặp khó khăn khi hàng nông sản hầu như không tăng được giá, tăng mãi sản lượng rồi cũng đến giới hạn. Trong khi các loại hàng hoá khác, nhất là hàng công nghệ thì lại tăng được giá. Bán biết bao nhiêu quả chuối, cân gạo để mua được một chiếc iPhone? Như trên chúng ta đã nói về quả chuối không thương hiệu, không xuất xứ. Nhưng người Nhật lại làm được. Cùng là quả dưa, quả hồng, quả đào nhưng giá khác nhau hàng chục lần tuỳ thuộc vào của tỉnh nào, của mảnh đất nào, của gia đình nào. Và nếu đấu giá thì giá còn khác nữa. Việc đưa thương hiệu vào từng quả chuối, từng ngôi làng, từng mảnh vườn, từng hộ gia đình là khả thi với công nghệ Blockchain. Còn nhiều việc khác nữa có thể làm cho bà con dựa trên công nghệ, dựa trên thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ và phụ thuộc vào trí tưởng tượng của chúng ta nữa. Chỉ khi nào mỗi quả chuối đều có xuất xứ, đều được ghi nhận đầy đủ những gì đã tham gia tạo lên nó thì đời sống của bà con nông dân mới thực sự thay đổi căn bản.

Một khó khăn nữa của bà con nông dân là phụ thuộc vào thiên tai, thời tiết. Đây là nỗi sợ ngàn năm. Vậy có công ty bảo hiểm nào không? Tại sao người đáng có bảo hiểm nhất là bà con, vì họ nghèo nhất, thì lại không có ai làm? Một nước ở Châu Phi là Kenya đã làm như sau. Họ lắp đặt một số trạm đo thời tiết tự động, dùng công nghệ và dữ liệu lớn để dự đoán và sau đó thành lập một quĩ bảo hiểm cho bà con. Bà con có thể mua bảo hiểm để nếu mất mùa do thời tiết thì vẫn thu hồi được một phần vốn. Vậy, chúng ta có làm một việc tương tự để bà con nông dân đỡ đi nỗi sợ ngàn năm là thời tiết, thiên tai, mùa màng không? Việc gì mà người khác đã làm được thì chúng ta cũng có thể làm, chỉ là ta có muốn hay không thôi.

Hôm nay, Bộ TT&TT cũng đưa ra danh sách một số ứng dụng CĐS nông nghiệp mà các nước đã làm thành công, một số ứng dụng Việt Nam đã bước đầu đưa vào áp dụng thành công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. CĐS là quá trình học hỏi. Có một cách làm CĐS hiệu quả là xem các nước khác đã áp dụng cái gì và thế nào một cách thành công rồi từ đó áp dụng cho Việt Nam. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp và khó đoán định thì sẽ không ai dám nhận mình là người giỏi nhất. Nhưng người biết ai giỏi nhất cái gì lại sẽ là người giỏi nhất. Đó là người học hỏi. Người học hỏi giỏi nhất là người vừa biết và vừa không biết. Tức là người biết nhưng sẵn sàng nhận thức lại cái mình đã biết. Bộ NN&PTNT cùng với Bộ TT&TT sẽ hợp tác thành một cặp vừa biết vừa không biết để trở thành xuất sắc trong CĐS nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Tôi rất biết ơn anh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vì buổi làm việc ngày hôm nay. Vì CĐS thì ứng dụng quan trọng hơn công nghệ. Người ứng dụng quan trọng hơn người làm ra công nghệ. Không có người đi tiên phong ứng dụng công nghệ thì không có công nghệ. Với công nghệ số thì càng ứng dụng nhiều công nghệ sẽ càng thông minh, càng nhiều người dùng thì giá càng rẻ. Vậy là làm cho công nghệ số thông minh lên và giá rẻ đi là do nhiều người ứng dụng. Với 60-70% dân số Việt Nam là nông dân thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc CĐS Việt Nam.

Nói đến đây thì tôi chợt nghĩ, câu chuyện công nghệ số, CĐS có phải là câu chuyện nông thôn bao vây thành thị không? Tức là CĐS nông thôn trước. Vì nơi đây có nhiều nỗi đau hơn, nhiều nỗi đau lớn. Vì nơi đây CĐS mang lại những lợi ích thiết thực hơn. Vì nơi đây chỉ cần áp dụng những gì cơ bản đã có hơn là phát triển mới. Và còn vì nơi đây là tình yêu, là cội nguồn của mỗi chúng ta, nơi đây là ông bà, bố mẹ mình, là nơi mỗi khi khó khăn nhất ta lại tìm về. Khó khăn thì tìm về thì tại sao lúc ta không khó khăn, lúc ta có điều kiện thì lại không đầu tư cho nơi ấy, không làm gì cho nơi ấy? Nông thôn mà CĐS trước hơn, nhanh hơn, thành công hơn thì sau đó có kích thích thành thị CĐS không? Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam thì thành công luôn đến từ nông thôn bao vây thành thị. Chiến tranh chống ngoại xâm là như vậy. Mất nước rồi giành lại nước cũng là như vậy. Đổi mới cũng là như vậy. Nông nghiệp đã đổi mới thành công trước và gây cảm hứng cho cả đất nước đổi mới. Vậy thì Bộ NN&PTNT hãy cầm lấy ngọn cờ CĐS quốc gia. Những việc mà các đồng chí thấy khó trong công cuộc này, thí dụ như công nghệ gì, nền tảng nào, ứng dụng gì, ai làm tốt thì hãy đừng làm mà chuyển sang cho Bộ TT&TT. Những việc gì các đồng chí thấy dễ làm, thí dụ như đặt ra các vấn đề, khó khăn, bài toán, phổ cập những gì tốt cho bà con biết để sử dụng thì lại là những việc khó nhất không ai làm được ngoài các đồng chí.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông


Chuyên mục, tin tức liên quan:

chuyên mục tổng hợp

Quản lý nội dung HTML

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Trụ sở: Tầng 24, tòa nhà Trung tâm Hành chính, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3840123 - Email: stttt@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: Số 37/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 17/01/2017