Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương cho biết, để hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ lợi ích của đất nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân, Quốc hội đã ban hành Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực ngày 1/1/2022. Luật đã quy định tăng mức phạt tối đa, bổ sung mức phạt của một số lĩnh vực, trong đó có an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; in lên 100 triệu đồng; bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Trên cơ sở đó, để triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Bộ TT&TT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, Hội nghị phổ biến các quy định xử phạt mới về viễn thông, an toàn thông tin hướng tới các cán bộ đang công tác ở Bộ, Sở TT&TT 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, CNTT, tần số vô tuyến điện, an toàn thông tin nhằm giới thiệu trọng tâm những vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung, giải thích rõ nguyên nhân sửa đổi, ý nghĩa của việc sửa đổi một số điều Nghị định số 15/2020 để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện doanh nghiệp viễn thông, an toàn thông tin phát triển nhưng tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật…
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến
Giảm hành vi vi phạm, thúc đẩy chuyển đổi số
Tại hội nghị, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP. Triển khai Nghị quyết, Bộ TT&TT đã đưa ra 6 định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Thực tế cho thấy, tất cả các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội đã tiến hành chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang đóng góp ngày càng nhiều phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; mở ra không gian mới để phát triển đất nước. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng là nơi để nhiều đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính. Trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc bị phát hiện, nhiều hành vi vi phạm như: tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin không chính xác, bịa đặt, dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thông tin cá nhân bị công khai rao bán trên môi trường mạng; hàng trăm vụ lừa đảo đã bị phát hiện, xử lý…
Đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiều hình thức xử phạt bổ sung nhằm giảm số lượng hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP đã bổ sung 13 hình thức xử phạt bổ sung "Đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới" đối với doanh nghiệp viễn thông. Như vậy, ngoài hình thức xử phạt chính, doanh nghiệp viễn thông còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung "Đình chỉ phát triển thuê bao mới" thay vì trước đây là đình chỉ hoạt động; đình chỉ cung cấp dịch vụ.
Việc bổ sung hình thức xử phạt bổ sung nhằm mang tính răn đe, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông; ngăn chặn, hạn chế SIM rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo,...
Bên cạnh đó, thông tin cá nhân của người sử dụng được lưu trữ ở trên mạng, dễ bị kẻ xấu lợi dụng thu thập, khai thác, sử dụng trái phép,...Quy định xử phạt đối với hành vi về "thu thập, sử dụng thông tin cá nhân" của Nghị định 15/2020/NĐ-CP còn thấp, không mang tính răn đe. Nghị định 14/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh "nâng mức xử phạt được tăng gấp đôi", với khung phạt từ 20-30 triệu lên từ 40-60 triệu.
Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cũng cho biết, thời gian qua VNNIC đã phối hợp, cung cấp cho cơ quan Thanh tra các Sở TT&TT danh sách đăng ký, sử dụng tên miền bởi các chủ thể trên địa bàn tỉnh, thành phố; Cung cấp thông tin tên miền và phối hợp xử lý tạm ngừng, thu hồi tên miền vi phạm theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở trình tự pháp luật quy định.
Ngoài ra VNNIC cũng đã truyền thông trên các trang tin điện tử, báo đài đưa tin về các quy định liên quan đến đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế để nâng cao nhận thức của cộng đồng; Cung cấp thông tin, hướng dẫn các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam về các quy định trong quản lý, đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam.
Về phía Sở TT&TT các tỉnh/thành phố cũng đã tăng cường theo dõi, kiểm tra, xử lý về vi phạm trong cung cấp thông tin trên mạng; tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động của các trang thông tin điện tử sử dụng tên miền quốc tế, tình trạng thông báo sử dụng tên miền tại địa phương. Kiểm tra và xử lý vi phạm về việc đăng ký, hoạt động cung cấp dịch vụ, chế độ báo cáo theo quy định của Bộ TT&TT đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại địa phương. Nâng cao nhận thức, phổ biến các quy định về sử dụng tên miền .vn cho khối các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, y tế,thương mại điện tử…
Tại Hội nghị, một số doanh nghiệp viễn thông, an toàn thông tin đã chia sẻ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ cũng như cung cấp thông tin về các vi phạm biến tướng, làm ảnh hưởng hoặc gây tác động xấu đến môi trường kinh doanh chung của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và quá trình phát triển kinh tế, xã hội./.
Theo Thu Hương (mic.gov.vn)