Một số ý kiến cho rằng: để có cơ sở phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra, cần thống nhất quan điểm kiểm tra là hoạt động thường xuyên của nhà quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách; trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm trong trường hợp cần thiết thì mới tiến hành hoạt động thanh tra.
Về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán, quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết kết quả công tác thanh tra, kiểm toán để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện có sự chồng chéo, trùng lặp thì thủ trưởng cơ quan thanh tra và trưởng kiểm toán khu vực, chuyên ngành phải trao đổi, thống nhất để có giải pháp xử lý và bảo đảm tính kế thừa trong hoạt động giữa hai cơ quan, đơn vị.
Về việc không tổ chức thanh tra huyện sẽ giảm được đầu mối cơ quan thanh tra và các chức danh lãnh đạo cơ quan này; góp phần tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước, chi phí vận hành thường xuyên khác. Tuy nhiên huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có giúp Uỷ ban Nhân dân thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng. Vì vậy, nhiều ý kiến đồng tình tổ chức thanh tra huyện được giữ nguyên như Luật hiện hành.
Đối với Ban tiếp công dân, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND sẽ đề cao trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân và có nhiều thuận lợi trong phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như bảo đảm hiệu lực thi hành của các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi đã giữ nguyên tổ chức các Ban tiếp công dân ở địa phương thuộc Văn phòng Uỷ ban Nhân dân.
Theo quochoitv.vn