Nhằm triển khai thi hành có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và văn bản quy định chi tiết của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu một số điểm mới của các văn bản pháp luật mới trong công tác xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến ngành như sau:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC
Luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào ngày 13 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, gồm 03 Điều với một số điểm mới, như sau:
Đối với nguyên tắc xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần, Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung như sau: "Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng".
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính mới. Do vậy, Khoản 10 Điều 1 Luật số 67 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực, như: Giao thông đường bộ; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Cơ yếu; Giáo dục; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; Điện lực; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung; Báo chí; Kinh doanh bất động sản...
Cùng với đó, Luật số 67 sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thay vì chỉ áp dụng hoãn tiền phạt đối với cá nhân như Luật hiện hành; sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo hướng giảm số tiền được hoãn phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên ở Luật hiện hành xuống còn 2 triệu đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo…
Đáng chú ý, Luật đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể, đối với lực lượng Công an nhân dân, bãi bỏ 17 chức danh, bổ sung 22 chức danh, thay đổi tên gọi của 05 chức danh và giữ nguyên 25 chức danh để phù hợp với cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an. Luật cũng đã bổ sung thêm 08 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
Ngoài ra, để bảo đảm tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật, bên cạnh trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác, Khoản 61 Điều 1 Luật đã bổ sung 04 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy...
2. Nghị định số 118/2021/NĐ-CP
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 12 năm 2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Nghị định này thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, với một số điểm mới như sau:
- Về tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 118/2021/NĐ-CP bổ sung Chi nhánh, Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc theo sự chỉ đạo điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng bị xử phạt là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
Chi nhánh, Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
- Bổ sung quy định áp dụng văn bản pháp luật để xử phạt
Nghị định 118/2021/NĐ-CP bổ sung quy định việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trường hợp vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được Nghị định áp dụng theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL thì việc lựa chọn văn bản QPPL để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau: Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt. Nếu hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.
- Quy định xác định hành vi đang thực hiện, hành vi đã kết thúc
Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo nguyên tắc sau:
Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính.
Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.
Nghị định 118/2021/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Hướng dẫn áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Việc xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
Khi xác định mức tiền phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được trừ một tình tiết tăng nặng.
Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
- Quy định mới về giao quyền cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngoài quy định về giao quyền xử phạt thì bổ sung quy định về giao quyền cưỡng chế, cụ thể: Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng.
Trong thời gian giao quyền thì người giao quyền vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Trước đây Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định 97/2017/NĐ-CP không quy định về nội dung này nên rất lúng túng trong quá trình cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó.
- Quy định cụ thể lập biên bản vi phạm hành chính
+ Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính:
Nghị định 118/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính là 02 ngày làm việc, kể từ khi phạt hiện hành vi vi phạm hành chính. Trước đây, không quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính nên người có thẩm quyền từ khi phát hiện đến lúc lập biên bản thời gian rất dài dẫn đến hành vi vi phạm hành chính tiếp diễn dẫn đến hậu quả rất lớn, khó khắc phục, cụ thể thời hạn lập biên bản như sau: Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.
Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
+ Ký biên bản vi phạm hành chính:
Biên bản vi phạm hành chính được lập ít nhất thành 02 bản, được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện người vi phạm của tổ chức ký, trường hợp người vi phạm không ký thì điểm chỉ, nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ phải cùng ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trạng, thì phải ký vào từng trang biên bản. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản vi phạm hành chính hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định cụ thể chính quyền địa phương là cấp xã ký vào biên bản vi phạm hành chính và chỉ cần 01 người chứng kiến, đồng thời giải thích rõ người chứng kiến chỉ chứng kiến về việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản.
+ Giao biên bản vi phạm hành chính: Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản.
- Bổ sung quy định trường hợp không xác định thời hạn hủy bỏ quyết định xử phạt
+ Thời hạn sửa đổi quyết định xử phạt là một năm. Nghị định 118/2021/NĐ-CP kế thừa Nghị định 81, Nghị định 91 về Thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền ban hành quyết định có sai sót.
+ Nghị định 118 bổ sung quy định không áp dụng thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau:
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả.
Có quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định.
Có kết luận nội dung tố cáo của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định.
Có bản án, quyết định của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định bị khởi kiện.
- Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt VPHC
Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải có lệnh hoặc quyết định thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền, mặc trang phục, quân phục, sắc phục, phù hiệu của ngành hoặc sử dụng thẻ thanh tra, thẻ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, điều lệnh, điều lệ, quy chế của từng ngành.
Xem chi tiết văn bản tại file đính kèm.
Kiều Trinh - Thanh tra Sở