Một trong số những "bẫy" mà chúng giăng ra là tìm hiểu, nắm rõ các thông tin về doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, mới thành lập… sau đó gọi điện thoại, giới thiệu bản thân mình làm việc tại UBND quận, huyện và thông tin về việc cơ sở nhỏ lẻ, mới thành lập X, Y, Z cần có những giấy phép để phù hợp theo quy định về PCCC như: giấy huấn luyện về nghiệp vụ PCCC, các loại giấy phép về PCCC…. Để củng cố lòng tin, bọn chúng sẽ cung cấp số điện thoại, zalo giả mạo của các đồng chí là lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ của các đơn vị. Khi lòng tin của người dân được củng cố thì việc chuyển khoản, chuyển tiền là điều dễ dàng.
Ngoài ra, tình trạng mạo danh cán bộ cảnh sát PCCC lừa cơ sở mua sách, tài liệu vẫn còn rất nhiều. Các đối tượng đang tập trung vào người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn như huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ.... Chiêu lừa bán sách, thiết bị PCCC diễn ra ngày càng tinh vi, rất nhiều nạn nhân đã "sập bẫy". Điều đáng nói, các đối tượng lừa đảo không trực tiếp gặp mặt mà chỉ thực hiện giao dịch qua điện thoại và thu tiền qua dịch vụ bưu chính, chuyển khoản. Các đối tượng cũng thường chọn những doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, mới hoạt động, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC để dễ bề thực hiện hành vi lừa đảo. Đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các cơ quan chức năng sẽ tích cực vào cuộc, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trước pháp luật. Để tránh "sập bẫy", người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Nếu có đối tượng gọi điện thoại bán tài liệu cho người dân, thông báo đoàn kiểm tra hay nhiều hành vi vi phạm khác, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng.
Nếu có thắc mắc hay cần thông tin liên quan đến lĩnh vực PCCC và CNCH, người dân có thể đến trực tiếp bộ phận 01 cửa (ô số 4, 5) của Trung tâm hành chính Đà Nẵng để được hướng dẫn. Hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến SĐT: 02363.889.003 để trao đổi thông tin./.
Theo danang.gov.vn