Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Navigation Menu

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Chi tiết
Công nghiệp phần mềm Đà Nẵng - Ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 3: Tận dụng những tiềm năng, khai thác tối ưu các nguồn lực
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 15/10/2018 Lượt xem: 32

Dù gặp không ít khó khăn, nhưng chính các doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng cũng nhìn nhận rằng: Công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng nhìn chung đã và đang có tiềm lực phát triển rất mạnh.


Tận dụng những tiềm năng - Khai thác tối ưu các nguồn lực

Tuy chưa phải đã đáp ứng hết yêu cầu từ phía doanh nghiệp, song, nguồn nhân lực (đã và đang) được đào tạo tại địa bàn Đà Nẵng cơ bản đáp ứng và sẵn sàng cung ứng lực lượng lao động thường xuyên cho nhà tuyển dụng.

Mới đây, Khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã được chứng nhận đạt chuẩn (Quality Assurance - QA) từ Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường Đại học khu vực ASEAN (Asean University Network - AUN-).

 

Phó GS.TS. Nantana Gajaseni - Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng Mạng lưới các trường Đại học khu vực Đông Nam Á trao chứng nhận đạt chuẩn QA - AUN và tặng hoa chúc mừng Ban Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin.

Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình (thứ hai, từ trái sang) - Trưởng khoa, cho ICTDanang biết: Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vinh dự là Khoa Công nghệ thông tin đầu tiên của các Trường Đại học khu vực miền Trung, đón nhận chứng nhận đạt chuẩn QA - AUN.

-Ảnh: T.N.

Trả lời phỏng vấn của ICTDanang, Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa nhấn mạnh: Đạt chuẩn AUN-QA đồng nghĩa việc nội dung và phương pháp giảng dạy đã đạt các tiêu chí chất lượng đặt ra bởi AUN-QA. 

Tuy nhiên, Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình cũng phân tích thêm: Một trong những yêu cầu của AUN-QA là phải xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu. Từ đó, phải có kế hoạch thường xuyên cải tiến, khắc phục điểm yếu và có kế hoạch thường xuyên cải tiến.

Được biết, chuẩn AUN-QA cấp cho một chương trình đào tạo chỉ có thời hạn 5 năm. Sau đó, chương trình đào tạo cần được đánh giá lại.

Nhà trường đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ thế mạnh từ doanh nghiệp.

-Ảnh: T.Ngọc

Như vậy với những yêu cầu từ chính nội hàm đánh giá theo chuẩn AUN, chương trình đào tạo Công nghệ thông tin – Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sẽ phải đảm bảo được "nội dung và phương pháp phải được liên tục cải tiến". 

Nguồn nhân lực được đào tạo theo chuẩn AUN được kỳ vọng sẽ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng.

Chúng tôi cũng thẳng thắn đặt vấn đề là "tại sao các doanh nghiệp phần mềm hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng vẫn cho rằng "nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu ?"; Giải pháp cho vấn đề này?", đối với Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình. Và được ông chia sẻ: 

"Thực ra chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp gồm 2 ý: số lượng và chất lượng.

Đúng là hiện nay các doanh nghiệp tại Đà Nẵng có nhu cầu tuyển dụng nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin rất lớn. Trong khi, trường chúng tôi mỗi năm chỉ tuyển khoảng 300 sinh viên. Đối với sinh viên tốt nghiệp trường ĐHBK, hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá rất cao chất lượng. Một minh chứng cho chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), là gần đây, DSA đã chính thức có công văn, đề nghị Trường tăng gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh.

Về chất lượng, theo tôi, có thể chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng chưa được đồng đều, dẫn đến phải đạo tào lại, là do được đào tạo ở các cơ sở, trung tâm đào tạo khác nhau.

 

 

Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng - trao giải Nhất cho đội tuyển có thành tích xuất sắc nổi bật (tham dự vòng sơ khảo khu vực Miền Trung - Cuộc thi cấp quốc gia "Sinh viên với An toàn thông tin - 2017" do Đại học Duy Tân đăng cai).

-Ảnh: T.Ngọc.

Qua thực tiễn sản xuất, phân phối và ghi nhận ý kiến từ các kênh đối tác, nhiều doanh nghiệp phần mềm đều có chung chia sẻ nhìn nhận riêng của mình. Đó là, Đà Nẵng đã và đang có những một lợi thế chiều sâu như môi trường sống và làm việc, điều kiện sinh hoạt (bao hàm các yếu tố giá cả, an toàn thực phẩm, ô nhiễm,…) đang ngày được cải thiện tích cực. Việc hình thành nhiều khu nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp, trường quốc tế, rồi môi trường giao thương ra bên ngoài càng lúc càng thuận lợi… hoàn toàn phù hợp để thu hút thêm nguồn nhân lực, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng. 

Bên cạnh đó cũng phải kể thêm đến các yếu tố "truyền thống" của Đà Nẵng, người dân thành phố mến khách, thân thiện; tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, trình độ dân trí không ngừng nâng cao, ứng xử, giao tiếp trong cộng đồng ngày một văn minh.

Một chuyển biến đáng ghi nhận nữa là sau gần 4 năm nay, từ khi UBND thành phố có quyết định và ra mắt Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp (22/12/2015), với quyết tâm đưa Đà Nẵng trở thành "Thành phố khởi nghiệp"; phong trào khởi nghiệp của sinh viên tại các trường Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) và một số trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành công nghệ thông tin, đã không chỉ cho ra đời nhiều ý tưởng, đề tài, công trình…

"Các bạn, với sự hỗ trợ từ giảng viên, từ nhà trường đã dần chú trọng về chất lượng, bớt tính phong trào, lấy số lượng đề tài, ý tưởng làm yếu tố chính. Chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của sinh viên đến các giải pháp mới, có thể ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, cũng như sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nhau (du lịch, việc làm, sản xuất sản phẩm thông minh, robot…). 

Đây cũng là nhân tố, thúc đẩy hình thành thêm các nguồn lực quan trọng và môi trường để phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp phần mềm nói riêng, công nghiệp nội dung số nói chung trong vài năm đến" – lãnh đạo một doanh nghiệp phần mềm phân tích.

 

 

Giờ học với Giảng viên nước ngoài của sinh viên chương trình chất lượng cao ngành công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng).

-Ảnh: Xuân Tươi.


"Vì một cộng đồng công nghệ - vì công nghiệp phần mềm Đà Nẵng" 

Đó cũng là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp hội viên tại phiên gặp gỡ và sơ kết hoạt động trong 7 tháng qua của Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp hội viên có cùng nhìn nhận: Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng đã và đang xứng đáng với vai trò là đầu mối, hạt nhân tập hợp liên kết, đồng thời đại diện cho doanh nghiệp hội viên có tiếng nói hiệu quả với cơ quan quản lý nhà nước, cấp chính quyền.

"Là doanh nghiệp hội viên, chúng tôi mong rằng Hiệp hội thường xuyên và thiết lập chặt chẽ quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước, trở thành nhịp cầu nối cộng đồng phần mềm với chính quyền, các cơ quan, tổ chức liên quan, giúp hội viên tiếp cận định hướng phát triển chung cũng như cơ chế , chủ trương có tính đặc thù riêng đối với ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Chẳng hạn chính sách hỗ trợ vốn (vay) cho doanh nghiệp có dự án mới, chuyển giao công nghệ mới; ưu tiên tạo điều kiện để doanh nghiệp phần mềm ứng dụng trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng phát triển. Đơn cử như tạo cơ hội để anh em chúng tôi tham gia xây dựng giải pháp cho Chính quyền điện tử, hay được tham gia đấu thầu các dự án công (có liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông thông tin, viễn thông, điện tử)" – đại diện Công ty phần mềm Việt Đà phân tích.

Trong khi đó, theo một doanh nghiệp hội viên khác, "chúng tôi rất cần nắm bắt kịp thời chính sách (của chính quyền thành phố) liên quan đến công nghệ thông tin nói chung, công nghiệp phần mềm nói riêng, cũng như những cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng. Nói cách khác, cần có sự bình đẳng trong tiếp cận chính sách và về môi trường cạnh tranh, thì luôn mong muốn là cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị có khả năng ngang nhau. Kể cả nhà đầu tư mới muốn tham gia vào lĩnh vực công nghiệp phần mềm Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp hội viên cũng thiết tha và gửi gắm BCH Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng mở rộng giao lưu với Hiệp Hội các thành phố bạn – vốn là trung tâm công nghiệp phần mềm – Thành phố Hồ CHí Minh, Hà Nội.

 

 

Đại diện doanh nghiệp  là hội viên mới rất vui khi trở thành thành viên chính thức của "Mái chung DSA".

-Ảnh: T.Ngọc.


Sắm ra Hiệp hội không phải "có cái danh cho vui"

Đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp hội viên, dù còn thiếu nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động, BCH Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng nhiệm kỳ 2018-2022 cam kết và khẳng định rằng: Định hướng cho mọi hoạt động trong nhiệm kỳ không gì hơn là vì lợi ích thiết thân của từng doanh nghiệp, lợi ích của nhà đầu tư. Giá trị cuối cùng mà mọi chương trình hành động hướng đến không ngoài sự phát triển ổn định và luôn tăng trưởng của từng doanh nghiệp hội viên; người lao động an tâm với công việc, với thu nhập, thôi thúc sáng tạo và cống hiến…

Một khi làm cho doanh nghiệp thấy được lợi ích khi tham gia Hiệp hội, doanh nghiệp sẽ đến với Hiệp hội, cùng về mái nhà chung, hội tụ, hỗ trợ, tương trợ, cùng cộng đồng trách nhiệm chung. Tất cả đều vì sự phát triển và thành công, vì lợi ích chính đáng cho mỗi hội viên và vì nền công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng. Nỗ lực này cũng nhằm mang đến chuyển biến mới rõ rệt hơn, thay đổi phương thức hoạt động của Hiệp hội.

"Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, chúng ta đang góp phần cho mục tiêu xây dựng và phát triển ổn định, bền vững thành phố quê hương. Chúng ta hình thành DSA không phải "có cái danh cho vui"" – ông Phạm Kim Sơn bày tỏ.

Ông Sơn cũng cho biết, vừa qua có dự án đến gần trăm triệu USD về công nghệ thông tin đầu tư vào Đà Nẵng. Song vướng mắc thủ tục nên quy trình cấp giấy chứng nhận kéo dài, …Hiệp hội đã hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với lãnh đạo cao nhất của thành phố, nhờ can thiệp. Và cuối cùng thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư đã được giải quyết kịp thời .

Anh Đặng Ngọc Hải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký DSA - chia sẻ thông tin về ngành công nghiệp phần mềm Hàn Quốc và xu thế hợp tác, tranh thủ đơn hàng từ thị trường này.

-Ảnh: T.Ngọc.

Còn theo anh Đặng Ngọc Hải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký DSA - một trong những ưu tiên hàng đầu mà BCH Hiệp hội đề ra là "đồng hành cùng quá trình phát triển của doanh nghiệp, quan tâm lắng nghe, những vấn đề mà doanh nghiệp hội viên bức xúc để cùng ngồi lại và tháo gỡ. Đồng thời, sẵn sàng và kiên trì trong bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của doanh nghiệp hội viên".

Hiệp hội luôn sẵn sàng kết nối "một bên có nhu cầu về khả năng đáp ứng theo chuyên môn cao" với "một bên đã và đang sẵn sàng nguồn lực chuyên sâu môn", tạo nên thị trường, mang lại môi trường và điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho mọi doanh nghiệp hội viên.

Đại diện Chi nhánh Đà Nẵng - Rikkei Soft, ông Vương Quang Hùng thì cho rằng: Đã đến lúc, doanh nghiệp phần mềm hội tụ về "mái nhà chung DSA", xứng đáng là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp IT và cùng chung tay, xây dựng một cộng đồng IT Đà Nẵng vững mạnh, trở thành điểm tựa cho nhau nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhau và cùng phát triển. 

Cụ thể hóa yêu cầu "sẵn sàng kết nối", giúp doanh nghiệp hội viên ngày càng phát triển, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký DSA, ông Đặng Ngọc Hải cũng cho chúng tôi biết thêm: Đại diện DSA đã có cuộc làm việc với đại diện Hiệp hội Phần mềm Hàn Quốc, phía bạn khẳng định có nhu cầu rất lớn trong hợp tác sản xuất phần mềm. Sắp đến, Hiệp hội sẽ nghiên cứu, tiếp tục tổ chức các chuyến đi khảo sát thị trường, ưu tiên là những thị trường "cảm nhận được năng lực – nguồn lực của Đà Nẵng" về công nghiệp phần mềm (như Nhật Bản, Hàn Quốc,...).

Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ tổ chức một đợt khảo sát trong doanh nghiệp hội viên về nhu cầu nguồn nhân lực. Kết quả khảo sát sẽ được gửi đến – như một kiến nghị, đề xuất – cùng nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước, góp phần giải quyết căn bản thực trạng nguồn nhân lực (thiếu ở đâu? khâu nào? yếu điểm gì?).

"Qua khảo sát lần này, chúng tôi sẽ cùng bàn bạc và tham gia với nhà đào tạo để khắc phục những điểm yếu của nguồn nhân lực, khi đã nhận diện được yếu ở đâu, yếu chỗ nào. Nếu không khắc phục được bất cập về nguồn nhân lực chúng ta sẽ mất lợi thế, môi trường đầu vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng sẽ kém hấp dẫn" – ông Hải nhấn mạnh.

Trần Ngọc


Chuyên mục, tin tức liên quan:

chuyên mục tổng hợp

Quản lý nội dung HTML

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Trụ sở: Tầng 24, tòa nhà Trung tâm Hành chính, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3840123 - Email: stttt@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: Số 37/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 17/01/2017