Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Navigation Menu

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Chi tiết
Đà Nẵng mong muốn “tích cóp” các hiến kế trong xây dựng TP thông minh
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 02/04/2018 Lượt xem: 200

“Xây dựng TP thông minh là chủ trương xuyên suốt, nhất quán và dài hạn của TP, trong đó sự tham gia của người dân đồng hành cùng với chính quyền TP là rất quan trọng. TP trân trọng và mong muốn tiếp tục nhận được những hiến kế xây dựng TP thông minh của người dân” - Một trong những nội dung được Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh đề cập trong bài trả lời phỏng vấn ICT Đà Nẵng.


Từ ngày 10/3/2018, Đà Nẵng đã mở kênh tiếp nhận hiến kế về xây dựng TP thông minh, nhằm phục vụ chương trình đối thoại giữa Lãnh đạo TP Đà Nẵng và đại biểu thanh niên năm 2018 (diễn ra vào ngày 26/3 vừa qua) liên quan đến chủ đề trên. Các ý kiến góp ý, hiến kế được tiếp nhận trên Cổng Góp ý Đà Nẵng (Gopy.danang.gov.vn) và trên tổng đài (0236) 1022 (nhánh 6).

Kênh này sẽ được tiếp tục duy trì sau buổi đối thoại; các góp ý, đề xuất được công khai tại chuyên mục trên để tổ chức, công dân tham khảo, thảo luận, góp ý. Đồng thời, định kỳ hàng tháng Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo lãnh đạo TP xem xét, chỉ đạo triển khai.

Để giúp công dân hiểu rõ hơn về chủ trương, định hướng xây dựng TP thông minh của Đà Nẵng, từ đó có những đóng góp, hiến kế thiết thực, phù hợp, ICT Đà Nẵng đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng:

1. Thưa ông, được biết, Sở TT&TT vừa mở kênh tiếp nhận hiến kế về xây dựng TP thông minh. Thiết nghĩ trước khi hiến kế, cần hiểu rõ thế nào là TP thông minh, ông có thể đưa ra những nội hàm cơ bản của khái niệm này?

Hiện nay trên thế giới còn có nhiều khái niệm khác nhau về TP thông minh. Theo văn bản số 58/BTTTT-KHCN ngày 11/1/2018 hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về các nguyên tắc định hướng về CNTT-TT trong xây dựng TP thông minh, theo đó TP Đà Nẵng tiếp cận khái niệm: TP thông minh là mô hình quản lý đô thị hiện đại dựa trên nền tảng CNTT-TT, thông qua quá trình thu thập, giám sát, lưu trữ, xử lý để hỗ trợ ra quyết định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tối ưu sử dụng tài nguyên, giải quyết các thách thức của đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo phát triển bền vững…

2. Vậy TP Đà Nẵng chúng ta đang xây dựng TP thông minh theo những mục tiêu, định hướng nào? Và hiện nay, chúng ta đã đạt được những kết quả cơ bản gì?

Việc phát triển TP thông minh cần đảm bảo thực hiện một cách tổng thể, toàn diện về hạ tầng, chính sách, nhân lực, ứng dụng và an ninh. Qua quá trình triển khai xây dựng chính quyền điện tử, Đà Nẵng đã thực hiện các bước về thu thập, giám sát và lưu trữ dữ liệu; trong thời gian đến sẽ triển khai các mô hình, ứng dụng phục vụ xử lý, phân tích và điều khiển, ra quyết định.

Về hạ tầng, TP sẽ kế thừa từ nền tảng chính quyền điện tử đã xây dựng và triển khai thành công, từ đó nâng cấp, cập nhật, mở rộng phù hợp với yêu cầu TP thông minh. Về chính sách, TP đã xây dựng Khung kiến trúc tổng thể TP thông minh ban hành tại Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 11/01/2018 để làm cơ sở thống nhất triển khai thực hiện trong các lĩnh vực chuyên ngành.

TP cũng đã xây dựng các CSDL nền tảng như CSDL dân cư, CSDL đất đai, CSDL doanh nghiệp... cung cấp các thông tin kịp thời, công khai, minh bạch phục vụ tốt cho công tác, chỉ đạo điều hành và dự báo của TP.   

Về nhân lực, TP cũng đã kế thừa nguồn nhân lực CNTT trong xây dựng, triển khai, vận hành chính quyền điện tử, bao gồm nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan hành chính nhà nước, nguồn nhân lực tại hơn 700 doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố và nguồn lực xã hội. Thành phố đã ban hành Quyết định số 6843/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 phê duyệt Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghiệp CNTT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, để định hướng, phát triển và chuẩn bị nguồn nhân lực CNTT trong thời gian đến.  

Về ứng dụng, TP đã xây dựng thí điểm một số ứng dụng thông minh phục vụ giám sát giao thông, giám sát cấp nước sạch, giám sát xử lý nước thải, chất lượng nguồn nước ao hồ, tra cứu thông tin cơ sở đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cổng dữ liệu giáo dục và hồ sơ y tế điện tử. Định hướng trong thời gian đến sẽ tiếp tục quản lý hạ tầng đô thị bảo đảm hiệu quả; theo đó đưa các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu như môi trường, giao thông, điện chiếu sáng, y tế, giáo dục,… nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân với chất lượng cuộc sống tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sống, làm việc và phát triển ngày một cao hơn của xã hội, đảm bảo phát triển bền vững.

 

Ông Nguyễn Quang Thanh giới thiệu về lộ trình xây dựng TP thông minh của Đà Nẵng tại "Hội thảo hợp tác phát triển TP thông minh
và đổi mới sáng tạo" do UBND TP Đà Nẵng phối hợp cùng Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức vào ngày 21/3/2018.

- Ảnh: Xuân Dương

3.Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là những công dân của một TP thông minh cần có những "chuẩn" gì, xin ông chia sẻ thêm về điều này?

Trong TP thông minh, công dân đóng vai trò là nhân tố chủ đạo, là chủ thể được phục vụ. "Công dân thông minh" là một bước tiến và kế thừa trên "Công dân điện tử". Công dân trong TP­­ thông minh sẽ có vai trò, trách nhiệm quan trọng hơn; bên cạnh trách nhiệm tôn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và các chuẩn mực giao tiếp, thực hiện lối sống văn minh, còn phải chủ động tham gia quá trình xây dựng và phát triển TP thông minh thông qua các kiến nghị, hiến kế, góp ý xây dựng chính sách, giám sát thực thi chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công vụ; sử dụng, thụ hưởng các tiện ích, dịch vụ do TP thông minh mang lại, góp phần tạo ra sản phẩm thông minh đóng góp vào sự phát triển của TP.

Cụ thể, công dân cần chú trọng thực hiện yêu cầu "4 hơn" trong xây dựng TP thông minh như sau:

* Văn minh hơn: Tôn trọng, tuân thủ thực hiện nghiêm túc các quy định chính sách, pháp luật; học hỏi và tuân thủ các hành vi, quy tắc giao tiếp xã hội; vai trò đại sứ quảng bá hình ảnh TP Đà Nẵng thân thiện, an bình, văn minh.

* Giá trị hơn: Mỗi người dân phải cố gắng có việc làm phù hợp; có kỹ năng và khả năng chuyên môn, nghiệp vụ trong công việc; có lý tưởng sống tốt đẹp, không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân mà còn cho xã hội; có những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng TP Đà Nẵng.

* Sáng tạo hơn: Liên tục tự học, tự nghiên cứu để tiếp cận kiến thức, khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghiệp 4.0 và triển khai áp dụng vào thực tế. Tham gia sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm mới cho xã hội; không hình thức, thực dụng; tránh thiếu thực tế, bệnh cá nhân. Chủ động tham gia, hoặc tạo ra các thông tin, dữ liệu, tri thức của thành phố cũng như tạo ra, chia sẻ với cộng đồng để tạo nguồn tri thức.

* Kết nối trách nhiệm hơn: Chủ động, tích cực phát hiện và đề xuất, hiến kế, cung cấp ý tưởng với lãnh đạo TP triển khai các chính sách, công nghệ, ứng dụng để xây dựng nền quản trị hành chính năng động, kiến tạo; quản lý tài nguyên và đô thị tốt hơn; cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn; Trách nhiệm và hiệu quả trong tương tác trên môi trường mạng; s
ử dụng thành thạo các tiện ích, ứng dụng CNTT, các ứng dụng thông minh của TP; Tích cực, chủ động hướng dẫn ứng dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến tại đơn vị công tác, nơi cư trú, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm công dân thông minh trong cộng đồng xã hội...

4. Nếu có thể khu biệt hơn về chủ đề đặt ra, theo ông, hiện nay TP đang cần người dân hiến kế, đóng góp ý kiến cụ thể ở những lĩnh vực nào?

TP mong muốn người dân sẽ cùng với chính quyền thành phố xây dựng thành phố hiện đại, văn minh thông qua hiến kế, đóng góp ý kiến, đặc biệt trong các lĩnh vực ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân như môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an ninh trật tự, quy hoạch xây dựng đô thị...
 

 

Trong thời gian qua, rất nhiều người dân quan tâm hiến kế, đóng góp ý kiến liên quan đến xây dựng TP thông minh. Trong ảnh:
 Các ý kiến đóng góp được tiếp nhận và phản hồi trên Kênh tiếp nhận hiến kế xây dựng TP thông minh - Cổng Góp ý Đà Nẵng. 


5. Việc hiến kế xây dựng TP thông minh, theo kế hoạch vừa qua, là nhằm phục vụ cho buổi đối thoại giữa Lãnh đạo TP và thanh niên TP vào cuối tháng 3. Vậy sau đó, nội dung này có được tiếp diễn và định hướng của TP trong thu nhận, sử dụng những hiến kế như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?

Xây dựng TP thông minh là chủ trương xuyên suốt, nhất quán và dài hạn của TP, trong đó sự tham gia của người dân đồng hành cùng với chính quyền TP là rất quan trọng. TP trân trọng và mong muốn tiếp tục nhận được những hiến kế xây dựng TP thông minh của người dân thông qua kênh tiếp nhận trên Cổng góp ý và Tổng đài 1022. Sau khi tiếp nhận các nội dung hiến kế, góp ý, TP sẽ giao các cơ quan liên quan có trách nhiệm nghiên cứu và triển khai thực hiện trong các chương trình, kế hoạch chuyên ngành. Kết quả thực hiện sẽ được thường xuyên truyền thông rộng rãi trong cộng đồng xã hội để người dân, doanh nghiệp tiếp tục tham gia đánh giá và góp ý, điều chỉnh.  

Trân trọng cảm ơn ông!

An Nhiên


Chuyên mục, tin tức liên quan:

chuyên mục tổng hợp

Quản lý nội dung HTML

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Trụ sở: Tầng 24, tòa nhà Trung tâm Hành chính, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3840123 - Email: stttt@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: Số 37/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 17/01/2017