BETTER là mô hình hệ thống giao thông thông minh gồm hai phần: Hỗ trợ người mù qua đường tại nơi đèn giao thông và Giúp phòng tránh tai nạn tại những hẻm nhỏ hay những nơi đường cắt nhau bị khuất tầm nhìn bởi cây cối, nhà cửa...
|
Đội PCT INVENTORS với ý tưởng "Hệ thống giao thông thông minh BETTER" đã trở thành quán quân của cuộc thi "Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo 2018". |
Với công nghệ hiện đại cùng ý tưởng đầy sáng tạo, BETTER được ban giám khảo đánh giá là một sự "cải cách trong công nghệ giao thông" và mang lại ý nghĩa tích cực với cộng đồng ngày nay.
"Ý tưởng này xuất phát từ việc quan sát người chú bị mù vĩnh viễn của em gặp rất nhiều khó khăn và bất tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là tại các chốt giao thông nguy hiểm trên đường phố. Em muốn vận dụng những hiểu biết của mình để tạo nên những điều có ích cho cộng đồng, đặc biệt là những đối tượng yếu thế", bạn Trần Đình Duy, đội PCT INVENTORS cho biết.
|
Các thành viên đội PCT INVENTORS đang trình bày về ý tưởng "Hệ thống giao thông thông minh BETTER". |
Dựa trên nền tảng bo mạch Galileo do Intel cung cấp, các đội dự thi chọn đề tài độc lập để phát triển một sản phẩm ứng dụng với chủ đề liên quan đến "Thành phố thông minh" qua 4 giai đoạn: Khởi động - Thiết kế - Thực hiện và Trình bày.
Các thí sinh được thực hành tại Không gian sáng chế Maker Innovation Space thuộc ĐH Đà Nẵng để triển khai ý tưởng trên các bảng mạch điện tử, chế tạo các mẫu thử nghiệm. Trong suốt quá trình tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ được các huấn luyện viên hướng dẫn kỹ năng thuyết trình, hỗ trợ kiểm tra, phát triển các mẫu thử. Sau khi hoàn chỉnh ý tưởng, thí sinh sẽ tham gia thuyết trình vòng 2 để chọn lại 5 đội vào vòng chung kết.
Sau 2 tháng làm việc, 5 dự án xuất sắc nhất của cuộc thi gồm: Thùng rác thông minh (AUOT), Robot arm (C-Team), Hệ thống cống thông minh (DLN), Áo MY YO (Home project) và Hệ thống giao thông thông minh BETTER (PCT INVENTORS).
Trong đó, giải nhất thuộc về đội PCT INVENTORS với dự án Hệ thống giao thông thông minh BETTER, giải nhì thuộc về đội DNL với dự án Hệ thống cống thông minh và đội C Team về ba với dự án ROBOT ARMS.
Cùng với ý tưởng về giao thông thông minh, hai ý tưởng khác về môi trường cũng rất đáng chú ý. Trong đó, "Thùng rác thông minh là ý tưởng nhằm giảm thiểu các vấn đề về nhân công cũng như lượng chất thải mà xe rác rải qua ngoài môi trường. Thùng rác sẽ sử dụng công nghệ để tự động di chuyển với lộ trình và thời gian được vạch sẵn; được gắn hệ thống cảm biến thông minh (tự động báo rác đầy, đóng mở nắp khi có người bỏ rác, định vị vị trí bằng GPS...
Hệ thống cống thông minh tương tự cũng nhằm làm giảm lượng rác thải tích tụ ở các đường ống cống trong TP, nguyên nhân chính gây nên sự ngập úng. Không chỉ vậy, hệ thống cống thông minh khi kết hợp với máy hút nước thải còn bảo vệ cả máy hút khỏi nguy cơ kẹt rác và làm hư hỏng máy. Hệ thống cống thông minh với khả năng hoàn toàn tự động và chỉ cần 1 trạm kiểm soát cho một khu vực lớn nhằm tiết kiệm nhân công cho việc xử lý nghẹt cống, đây là một ý tưởng mới về hệ thống cống ở Việt Nam.
|
5 đội xuất sắc tại vòng chung kết. |
"Cuộc thi là sân chơi thổi bùng lên ngọn lửa yêu khoa học của các bạn trẻ bậc THPT với niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học - công nghệ - kỹ thuật, vận dụng các kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống", Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt– Anh, đại diện đơn vị tổ chức cuộc thi, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương cho biết.
Xuân Dương