Nhiệm kỳ 2010 - 2017, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã tổ chức, tham gia nhiều hoạt động về xúc tiến đầu tư, làm tốt vai trò là cầu nối để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và cùng hợp tác phát triển, như: phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thông tổ chức buổi hội thảo với Hiệp hội CNTT Nhật bản (JISA) trong khuôn khổ "Tuần lễ CNTT Nhật bản 2013 (Japan ICTWeek 2013)"; phối hợp với Bộ TT&TT và Hiệp hội mã nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) tổ chức chương trình hội thảo "Ứng dụng và phát triển mã nguồn mở 2013" nhằm tạo cơ hội để Hiệp hội dịch vụ CNTT Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật bản tìm hiểu các cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Đà Nẵng; giới thiệu 5 doanh nghiệp tham gia chương trình "Sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin thương hiệu Việt - ViBrand 2012", qua đó giới thiệu năng lực của các doanh nghiệp phần mềm, quảng bá tiềm năng về phát triển CNTT – Truyền thông của Đà Nẵng…
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT và nội dung số trên địa bàn TP như khảo sát và cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực CNTT – Truyền thông của đơn vị, từ đó đề xuất và phối hợp với Sở TT&TT tổ chức 2 lớp đào tạo về kỹ nghệ phần mềm và tích hợp hệ thống thông tin; thường xuyên gửi các học viên của các doanh nghiệp tham dự các chương trình đào tạo của IBM, Microsoft...
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh: "Có thể nói, Hiệp hội đã từng bước kiện toàn tổ chức, trở thành cầu nối vững chắc của các doanh nghiệp trên địa bàn; là địa chỉ tin cậy để trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trong lĩnh vực CNTT – Truyền thông. Trong thời gian đến, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh công tác khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, hỗ trợ và tạo điều kiện để lớp người trẻ, các doanh nghiệp trẻ có cơ hội phát triển mình".
"Hiệp hội đã từng bước kiện toàn tổ chức, trở thành cầu nối vững chắc của các doanh nghiệp trên địa bàn", ông Nguyễn Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh. |
Đại hội cũng đã thông qua Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hiệp hội, trong đó quy định rõ trách nhiệm với xã hội - cộng đồng, thái độ nghề nghiệp và chất lượng dịch vụ.
Trong nhiệm kỳ 2017-2022 sắp đến, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đặt mục tiêu tiếp tục hỗ trợ các thành viên trong việc sản xuất, kinh doanh phần mềm; bảo vệ quyền lợi các thành viên trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tạo sự liên kết giữa các thành viên Hiệp hội, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, liên kết trong kinh doanh và xuất khẩu phần mềm.
Đồng thời, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp đề đạt, chia sẻ, đóng góp ý kiến xây dựng và phát triển thị trường thông tin, truyền thông cũng như những vấn đề liên quan đến ngành nghề, môi trường kinh doanh và đầu tư; làm tốt vai trò đầu mối liên hệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội viên ký kết các Hợp đồng, dự án với các đối tác trong và ngoài nước.
Được biết, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phần mềm và CNTT – Truyền thông, đào tạo nhân lực. Chính thức thành lập vào tháng 12/2009, đến nay, với tổng số 63 hội viên, Hiệp hội đã quy tụ được những đơn vị hàng đầu trong sản xuất gia công phần mềm và đào tạo nhân lực CNTT như Công ty FSoft, AsNet, VBPO, Acxon Active, GreenGloabal, Unitech, Magrabit và Asian Tech.
Xuân Dương
Ảnh đại diện: Ông Nguyễn Quang Thanh, chủ tịch Hiệp hội trong một lần đến thăm,
tìm hiểu môi trường làm việc tại công ty Asian Tech