Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi lễ phát động
Xây dựng biểu trưng (logo) về Chuyển đổi số quốc gia là một trong những nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 06 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cuộc thi được tổ chức để chọn mẫu biểu trưng (logo) "Chuyển đổi số quốc gia" nhằm thống nhất sử dụng trong toàn bộ các hoạt động của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia về chuyển đổi số, công nghệ số, đổi mới, công nghiệp sáng tạo.
Biểu trưng "Chuyển đổi số quốc gia" phải đơn giản, mọi người đều hiểu, được truyền cảm hứng, thôi thúc hướng đến hành động
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định: Chúng ta ngày càng chuyển đổi các hoạt động của mình từ môi trường thực lên môi trường số. Đó là chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi nhận thức. Chuyển đổi số nhằm hướng tới mục tiêu vì người dân, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của chuyển đổi số. Chuyển đổi số là vị nhân sinh, chứ không phải là vị chuyển đổi số.
Do đó, để thay đổi được nhận thức, chúng ta cần một hình ảnh, một biểu trưng (logo) có thể chuyển tải thông điệp để mọi người đều hiểu, đều chia sẻ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Logo phải hết sức đơn giản, mọi người đều hiểu, được truyền cảm hứng, thôi thúc hướng đến hành động. Đây là một việc khó, Bộ TT&TT kêu gọi sự chung tay cùng sáng tạo của cả cộng đồng để chúng ta có một biểu trưng về chuyển đổi số quốc gia.
Thứ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi số vẫn là khái niệm mới mẻ. Thể lệ, tiêu chí, gợi ý chấm logo cũng chỉ mang tính gợi ý. Không có giới hạn trong quá trình sáng tạo. Có thể chọn nhiều cách tiếp cận trong quá trình sáng tạo logo, hoặc chọn cách tiếp cận đầy đủ với cả 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Hoặc có thể chọn ra điểm chung nhất của cả ba lát cắt ấy để thể hiện theo phương thức khắc họa. Chuyển đổi số là hiện đại, là công nghệ số nhưng cần có sự đặc sắc của Việt Nam, gắn với bối cảnh, văn hoá Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng gợi ý.
Bà Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam
Bà Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, chuyển đổi số là khái niệm mới, chưa từng có trước đây, do đó đây là một chủ đề khó đối với các họa sỹ cũng như người tham gia. Cần tuyên truyền về cuộc thi đến các trường mỹ thuật trên toàn quốc để thu hút người trẻ, họa sỹ trẻ tham gia. Người trẻ họ sáng tạo sẽ có thể đóng góp những góc nhìn mới cho cuộc thi, bà Mai Thị Ngọc Oanh gợi ý.
Tại buổi lễ, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi đã giới thiệu chi tiết thể lệ Cuộc thi sáng tác biểu trưng "Chuyển đổi số quốc gia".
Thể lệ Cuộc thi sáng tác biểu trưng "Chuyển đổi số quốc gia" Về yêu cầu tác phẩm dự thi: Ngoài gợi ý về nội dung được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, biểu trưng (Logo) phải gắn với dòng chữ "Chuyển đổi số quốc gia". Các tác phẩm dự thi cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật như sau: - Logo có tính duy nhất, biểu tượng cao, sáng tạo, không trùng lặp, tương tự, gây nhầm lẫn với bất cứ logo nào khác, không vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. - Màu sắc của logo không quá 4 màu, phù hợp in ấn, phóng to, thu nhỏ, chạm khắc, đắp nổi trên các vật phẩm, chất liệu khác nhau và đảm bảo độ phân giải cao, sắc nét, tương thích khi thể hiện dưới định dạng số và trên các môi trường số. - Logo phải đạt được những yêu cầu về vẽ thiết kế như: đơn giản, thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc (thể hiện qua màu sắc, đường nét, bố cục, ý nghĩa…). - Tác phẩm thể hiện trên 01 trang giấy trắng khổ A4 (29,7cm x 21 cm). Mặt trước của trang giấy A4 là logo được in màu, kích cỡ mỗi chiều không quá 15cm đặt giữa trang giấy; phía dưới, bên phải của trang giấy là logo thu nhỏ được in đen trắng, kích cỡ mỗi chiều không quá 3cm. Mặt sau của trang giấy A4, tác giả ghi mã số tự chọn gồm 5 chữ số (Ví dụ: 01234). - Ngoài những nội dung trên, mặt trước, mặt sau trang giấy không được ký tên và không được sử dụng bất cứ ký hiệu nào khác. - Tác phẩm phải được cung cấp dưới dạng tệp ở định dạng JPEG, PNG, PDF, SVG có độ phân giải cao (ít nhất 300 pixel) với kích thước file không quá 10 MB, có thể chỉnh sửa và mở, được chứa trong 01 CD hoặc 01 USB. - Mỗi tác giả được gửi 01 - 05 tác phẩm tham gia cuộc thi; mỗi tác phẩm dự thi phải ghi rõ mã số riêng, không trùng mã số với tác phẩm khác. Về giải thưởng: - 01 tác phẩm đạt giải sẽ được Ban Tổ chức cấp giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông và tiền thưởng kèm theo là 100.000.000 (Bằng chữ: Một trăm triệu đồng chẵn). Trường hợp không lựa chọn được tác phẩm đạt giải, Ban tổ chức sẽ không trao giải hoặc đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian dự thi. Thời gian tổ chức dự kiến: - Thời gian phát động cuộc thi: Ngày 05/7/2022. - Thời gian nhận hồ sơ: Từ ngày 05/7/2022 đến ngày 05/9/2022. - Chọn và chấm giải thưởng: Từ ngày 06/9/2022 đến ngày 10/9/2022. Về hình thức gửi hồ sơ dự thi: Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi theo 02 hình thức: - Hình thức thứ nhất: Tác giả gửi hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến trụ sở Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông. - Hình thức thứ hai: Tác giả gửi hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (tại địa chỉ https://ideadx.mic.gov.vn). Về Hội đồng giám khảo Hội đồng Giám khảo cuộc thi do Ban Tổ chức đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thành lập. Thành phần Hội đồng Giám khảo sẽ gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các nhà chuyên môn có kinh nghiệm và uy tín. Hội đồng Giám khảo sẽ chấm chọn qua 02 vòng (Vòng sơ khảo và Vòng chung khảo). Kết quả Cuộc thi được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (tại địa chỉ https://ideadx.mic.gov.vn) và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. |
Theo Giang Phạm (mic.gov.vn)