Được khởi công từ tháng 10-2020 với tổng mức đầu tư 986 tỷ đồng, Khu Công viên phần mềm số 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) là một trong những công trình động lực trọng điểm của thành phố. Sau khi hoàn thiện, dự kiến đây sẽ là nơi thu hút, ươm tạo các doanh nghiệp CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (chủ đầu tư kiêm quản lý công trình Khu Công viên phần mềm số 2 - giai đoạn 1) cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng Covid-19, đặc biệt là trong giai đoạn thành phố phong tỏa "cứng" (trong năm 2021), tiến độ thi công công trình gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, liên danh nhà thầu, tư vấn giám sát và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đã nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực bảo đảm hoàn thành tiến độ gói thầu như đã cam kết. Khối ICT 1 (8 tầng, diện tích sàn xây dựng hơn 39.000m2) cơ bản hoàn thành phần xây lắp vào cuối năm 2021; dự kiến đến tháng 8-2022 sẽ hoàn thành phần thiết bị và các hạng mục liên quan để bàn giao, đưa vào sử dụng. Khối ICT (20 tầng, diện tích sàn xây dựng hơn 26.000m2) và ICT 2 (8 tầng, diện tích sàn xây dựng hơn 27.000m2) sẽ hoàn thành cơ bản phần xây dựng vào tháng 3-2022. Hiện thành phố đã kêu gọi 18 doanh nghiệp đăng ký sử dụng văn phòng tại Khu Công viên phần mềm số 2 với tổng diện tích gần 24.800m2. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã hoàn thành xây dựng dự thảo Đề án vận hành, khai thác Khu Công viên phần mềm số 2 - giai đoạn 1, đang trình UBND thành phố.
Hiện nay, Đà Nẵng có 2 Khu CNTT tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, gồm Khu Công viên phần mềm số 1 (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) và Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Khu Công viên phần mềm số 1 tiếp tục duy trì tỷ lệ lấp đầy 100%; tính đến ngày 31-12-2021, tổng doanh thu dịch vụ lũy kế ước đạt 45 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch, nộp ngân sách ước đạt 16,7 tỷ đồng. Tại Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1, đầu tháng 2, nhà máy thuộc dự án nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao Surface Mount Technology đã xuất xưởng lô hàng 2.400 máy tính bảng đầu tiên được chế tạo và sản xuất tại Đà Nẵng, hưởng ứng Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động.
Trungnam Group (chủ đầu tư Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1) đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ hiện thực hóa Dự án Data Center (Trung tâm Dữ liệu) theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD; đồng thời đưa vào vận hành tối thiểu 2 nhà máy sản xuất điện tử; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các nhà máy xây sẵn theo chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trungnam Group cũng sẽ đầu tư khu nghiên cứu và phát triển (R&D), hoàn thành và đưa vào vận hành khu nhà ở chuyên gia và công viên sinh thái, cung cấp dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu của chuyên gia, cán bộ, công nhân viên và các đối tác làm việc tại Khu CNTT tập trung Đà Nẵng.
Ngoài 2 Khu CNTT tập trung trên, tại Đà Nẵng còn có Khu phức hợp Văn phòng FPT (F-Complex, thuộc Công ty TNHH Phần mềm FPT miền Trung, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đáp ứng các tiêu chí Khu CNTT tập trung theo quy định của Chính phủ. Với diện tích hơn 5,9ha, từ khi đi vào hoạt động đến nay, F-Complex đã đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động CNTT tại thành phố.
Hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang làm thủ tục đề nghị UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, công nhận Khu CNTT tập trung. Khi được công nhận, đây sẽ là Khu CNTT tập trung thứ 3 tại Đà Nẵng, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực CNTT nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của thành phố.
Hiện nay, thành phố đang kêu gọi đầu tư Trung tâm Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Đà Nẵng, diện tích 17ha tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, với mục tiêu phát triển các khu nghiên cứu và phát triển (R&D), khu sản xuất phần mềm, văn phòng, căn hộ, các dịch vụ liên quan…
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Sơn Phong cho biết, Đà Nẵng xác định xây dựng hạ tầng CNTT đi trước một bước, sẵn sàng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến phát triển. Việc huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng số, hạ tầng các khu CNTT là nhằm phục vụ phát triển công nghiệp CNTT, góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong năm 2022, ngành CNTT sẽ ban hành cơ chế, chính sách tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư của các tập đoàn điện tử lớn (LG, Samsung...) vào các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, triển khai đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu CNTT do thành phố đầu tư; đồng thời, ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện triển khai các dự án, khu CNTT trên địa bàn của các tập đoàn lớn, uy tín như: FPT, Viettel, VNPT, CMC... để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế số.
Theo Báo Đà Nẵng.