Sáng 30-11, UBND TP Đà Nẵng phối hợp Bộ TT&TT tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (ICT) Hàn Quốc vào Đà Nẵng.
Diễn đàn xúc tiến đầu tư công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc vào Đà Nẵng. Ảnh: BTC
Hạ tầng hiện đại
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực ICT như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế xuất khẩu với sản phẩm ICT, chính sách ưu đãi về sử dụng đất, thuế nhập khẩu đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực CNTT...
"Đà Nẵng được ví như Thung lũng Silicon của Đông Nam Á. Chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI về CNTT, công nghệ cao, là điểm đến của các tập đoàn công nghệ số toàn cầu", ông Tâm nhấn mạnh.
Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cũng cho hay, đến năm 2020, ngành ICT đóng góp 7,5% trong tỉ trọng GRDP của Đà Nẵng. TP cam kết nâng tỉ trọng này lên 10% năm 2025 và 15% năm 2030.
Nói về hạ tầng, ông Phong cho biết, Đà Nẵng có Khu công viên phần mềm số 1 (2,4 ha) và đang xây dựng Khu công viên phần mềm số 2 (5,3 ha). TP còn có Khu FPT Complex (5,9 ha), Khu CNTT tập trung (131 ha).
Ngoài ra, TP đang kêu gọi đầu tư vào Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, diện tích 17 ha). Nơi đây sẽ là các khu nghiên cứu và phát triển, sản xuất phần mềm, văn phòng, căn hộ, khu dân cư, biệt thự và các dịch vụ liên quan.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo cũng sẽ được thiết lập cổng quốc tế cho các trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu với hạ tầng trạm trao đổi internet hiện đại và Trung tâm Dữ liệu lớn, xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm kỹ thuật số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 12.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư Khu CNTT số 2 tại huyện Hòa Vang với diện tích 56 ha. Mục tiêu là thành lập Trung tâm phân loại tự động và kho bãi để phát triển logistics và thương mại điện tử.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Nguồn nhân lực được đào tạo ngày càng nhiều
Ông Lee Byoung Moog, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc tại Hà Nội, cho hay đang có khoảng 500 DN ICT Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Tại Đà Nẵng, ông Lee cho rằng, DN Hàn Quốc có thể đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như: y tế, chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số; sao lưu dữ liệu cho cơ quan nhà nước; hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số cho DN; thu hút DN liên quan đến kết nối và xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế…
Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội, các DN Hàn Quốc có thế mạnh về điện tử và CNTT. Do đó, KOTRA sẽ hỗ trợ các DN Hàn Quốc tìm kiếm các cơ hội, dự án đầu tư và làm cầu nối để đưa DN Hàn Quốc đến Đà Nẵng.
Ông Đặng Ngọc Hải, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng thông tin, nhân lực sản xuất phần mềm chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của DN.
"Nhưng chúng tôi hy vọng thời gian tới việc này sẽ cải thiện vì đã thấy các trường đại học chuyển đổi xu hướng đào tạo sang lĩnh vực này. Như vậy, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ thu hút ngày càng nhiều DN ICT không chỉ từ Hàn Quốc mà còn trên toàn thế giới", ông Hải nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho hay, Đà Nẵng xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính, kỹ thuật. Đà Nẵng mong muốn đẩy mạnh kết nối, kêu gọi sự quan tâm đầu tư nhiều hơn từ các DN Hàn Quốc vào lĩnh vực ICT của TP.
Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, cho hay doanh thu ngành CNTT của Đà Nẵng tăng trưởng bình quân 20%/năm. Lĩnh vực xuất khẩu phần mềm tăng trưởng bình quân 25%/năm với Nhật Bản và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất. Toàn TP có 36.000 nhân lực trong lĩnh vực CNTT, trong đó 20.000 người làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số với mức lương bình quân 17,8 triệu đồng/người/tháng. |
Theo PLO