Phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch này trên khắp địa bàn thành phố Đà Nẵng, áp dụng đối với các loại trạm BTS loại 1, loại 2; không áp dụng đối với các trạm BTS đặc thù với bán kính phủ sóng ≤ 50m (như các loại PicoCell, Femtocel…).
Theo đó, quy hoạch nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 200 trạm phát sóng sử dụng chung trụ ăng ten, giảm 30% số lượng trạm BTS loại 1 so với năm 2017 tại các quận nội thành và khu vực tập trung đông dân cư (trạm BTS loại 1 là trạm BTS cồng kềnh trên công trình xây dựng có sẵn hoặc trên nền đất tự nhiện). Giai đoạn 2020-2025 thực hiện ngừng cấp phép xây dựng đối với trạm BTS loại 1 tại khu vực nông thôn có điểm dân cư đông đúc, đồng thời chuyển đổi các trạm BTS công kềnh hiện tại sang loại trạm ngụy trang, thân thiện môi trường.
Mục tiêu đến năm 2025 phát triển 400 trạm dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các nhà cung cấp, giảm 60% số lượng trạm BTS loại 1 và đến năm 2030 chuyển đổi 100% các trạm BTS loại 1 tại các quận nội thành, các điểm dân cư đông đúc.
Với định hướng "Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin" là một trong ba đột phá về phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 (xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng XXI), thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách, biện pháp để phát triển du lịch, tăng cường các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại. Thêm vào đó, lượng du khách đến Đà Nẵng trong những năm trở lại đây tăng nhanh; việc phát triển mạng lưới trạm BTS có vai trò quan trọng trong việc phục vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách nới riêng và người dân thành phố nói chung về các dịch vụ thông tin di động băng rộng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Sơn Phong - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, quy hoạch phát triển mạng lưới BTS nhằm tạo lập một hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông hiện đại, đồng bộ phù hợp với xu hướng hội tụ của công nghệ thông tin băng rộng, hướng đến nâng cao quyền tiếp cận thông tin, nâng cao chất lượng kết nối thông tin cho người dân, du khách, doanh nghiệp, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Ông Lê Sơn Phong - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thôngphát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Sở TT&TT |
Bên cạnh đó, ông Lê Sơn Phong cũng nhấn mạnh, quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn TP Đà Nẵng được xây dựng trên quan điểm ưu tiên và tạo điều kiện trong việc dùng chung cáp viễn thông, hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông, đặc biệt là hạ tầng ngầm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ năng lực theo quy định của pháp luật tham gia xã hội hóa việc đầu tư hạ tầng cáp viễn thông; tăng cường ngầm hóa cáp viễn thông, bảo đảm mỹ quan đô thị; phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo nhiệm vụ quản lý cáp viễn thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giảm đầu tư xã hội trong việc phát triển mạng lưới cáp viễn thông.
Hội nghị cũng là dịp để Sở Thông tin và Truyền thông ghi nhận các đóng góp của cá nhân, tập thể trong công tác QLNN lĩnh vực Bưu chính - Viễn thông trong năm 2017. Ảnh: Sở TT&TT |
Nhân Hội nghị, Sở Thông tin và Truyền thông cũng công bố Quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, căn cứ Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 05/3/2018 của UBND về Quy định quả lý cáp viễn thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với mục tiêu hiện đại hóa, bảo đảm hệ số an toàn cao nhất hạ tầng mạng cáp, phục vụ thông tin liên lạc; Tăng cường ngầm hóa cáp viễn thông, bảo đảm mỹ quan đô thị cho thành phố; Bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa bão; Phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo nhiệm vụ quản lý cáp viễn thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước; Và giảm đầu tư xã hội trong việc phát triển mạng lưới cáp viễn thông.
T.H.V