Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Navigation Menu

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Chi tiết
Đà Nẵng sẽ công bố quy hoạch Trạm BTS để người dân đồng hành và giám sát
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 19/09/2017 Lượt xem: 387

Theo tiến độ đến cuối năm nay, UBND TP Đà Nẵng sẽ chính thức phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới Trạm BTS trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Sau đó quy hoạch này được công khai để nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan biết, giám sát.


BTS, viết tắt từ tiếng Anh "Base Transceiver Station", là Trạm thu phát sóng di động, được dùng truyền dẫn thông tin/tín hiệu phục vụ các thiết bị di động, do các mạng viễn thông hay các nhà cung cấp dịch vụ (ISP) làm chủ đầu tư, xây dựng, lắp đặt. Trạm BTS được đặt tại 1 vị trí theo quy hoạch của các ISP , để tạo ra hiệu quả thu phát sóng cao nhất với vùng phủ sóng rộng.

Tại TP Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2016, có 1.385 vị trí lắp đặt Trạm BTS. Ước tính con số này sẽ là 4.295 vị trí vào năm 2025 do yêu cầu phát triển.  


Công khai quy hoạch cũng có tầm quan trọng như xây dựng, duyệt đồ án quy hoạch

Sáng ngày 13/9, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì phiên họp góp ý lần cuối "Quy hoạch tổng thể mạng lưới Trạm BTS trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030" với sự tham dự của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Xây dựng; đại diện UBND và Phòng Quản lý đô thị các quận, huyện trên địa bàn.

"Sau phiên họp này, Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng) và Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện lần cuối quy hoạch, trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp lần này, chậm nhất trình UBND TP trước ngày 15/10. Theo quy trình, UBND TP sẽ tiến hành các bước liên quan để phê duyệt vào cuối năm. Khi đã có quyết định phê duyệt, phải sớm công bố rộng rãi quy hoạch để nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan biết.

Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Ngọc Tuấn:  
Ưu tiên hàng đầu trong thời gian đến đối với xây dựng, lắp đặt Trạm BTS là sự lựa chọn về công nghệ, tăng Trạm BTS dùng chung nhiều nhiều nhà mạng; và đặc biệt, công khai rộng khắp quy hoạch để nhân dân biết, giám sát. 

Vừa qua, nhiều nơi xảy ra khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc đặt Trạm BTS, có trường hợp kéo dài là điểu hiển nhiên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, trong đó có yếu tố không minh bạch, không công khai và không được nhân dân đồng thuận. Lần này, công khai quy hoạch để nhân dân biết, vị trí nào sẽ lắp đặt theo quy hoạch phát triển, cần phải có sự đồng thuận của nhân dân. Công khai quy hoạch cũng để nhờ nhân dân giám sát những trường hợp xây dựng, lắp đặt không đúng quy hoạch, quy định (tự phát).

Xây dựng, phê duyệt quy hoạch tổng thể mạng lưới Trạm BTS trên địa bàn TP là việc làm phải hết sức chặt chẽ, thận trọng; tương tự, việc sớm công bố cũng có ý nghĩa rất quan trọng, và phải được tiến hành rộng khắp, với nhiều hình thức" – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Tại phiên họp, "Đồ án quy hoạch tổng thể mạng lưới Trạm BTS trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030", do đại diện Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng) trình bày đã nhận được sự đồng tình của hầu hết đại biểu.

Theo đó, việc phát triển Trạm BTS là một yêu cầu tất yếu đáp ứng những đòi hỏi của phát triển dịch vụ thông tin di dộng. Thông tin di dộng ngày càng rõ là một dịch vụ, một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống. Thông tin di dộng cũng giúp người dân, du khách tương tác với Chính quyền điện tử và hướng tới một TP Thông minh hơn, Đà Nẵng càng phải bảo đảm hạ tầng dịch vụ thông tin di động.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển Trạm BTS, do kế thừa hạ tầng kỹ thuật (và kể cả sự bất cập của một số cơ chế, chính sách quản lý đặc thù); hay một số nhà mạng chưa tính đến các yếu tố phát sinh, chẳng hạn xung đột, thậm chí mâu thuẫn ngay tại cộng đồng ở điểm đặt Trạm BTS… đã dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh phức tạp.

Tăng đầu tư và lựa chọn công nghệ mới, tích cực với xu thế "dùng chung hạ tầng truyền dẫn", không tăng số Trạm

Đồ án quy hoạch lần này (có sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông) đã giải quyết được nhiều vướng mắc và có tầm nhìn phù hợp với xu thế phát triển bền vững.

Sau khi nghe ý kiến của sở, ngành và UBND các quận, huyện, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đã kết luận một số nội dung liên quan. Trong đó, khẳng định lần nữa quy hoạch này phải sớm được hoàn thiện, phê duyệt và công bố, bởi nếu phát triển không theo quy hoạch, Trạm BTS sẽ để lại nhiều hệ lụy, dù phát triển thêm Trạm BTS cũng xuất phát từ chính những nhu cầu của đời sống và kể cả yêu cầu quản lý, điều hành.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu yếu tố ưu tiên hàng đầu là sự lựa chọn công nghệ.

Đây cũng là sự lựa chọn dành cho các Trạm BTS ở nội thị, lắp đặt trên nhà cao tầng. Phải làm sao để gọn, nhẹ, an toàn, giảm bớt cồng kềnh. Càng cao, to thì càng tạo cho nhân dân sống chung quanh nỗi lo sợ khi có bão lớn, gió mạnh. Trạm BTS có sự cố gì, hậu quả sẽ khó lường. Kể từ nay và sắp tới, dứt khoát ở khu vực nội thị thì không dùng Trạm BTS tự đứng (tức Trạm cồng kềnh, vươn cao).

Bên cạnh yếu tố công nghệ, phát huy tối đa mô hình Trạm BTS thân thiện môi trường (do Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất; UBND TP đã phê duyệt, ban hành 7 mẫu). Ở nội thị, nơi khu dân cư đông đúc, thì chỉ cho phép phát triển Trạm BTS này. Và từ nay, khi cấp phép xây dựng các nhà tòa nhà cao tầng, ngành chức năng cũng sẽ đặt vấn đề trước với chủ đầu tư (và cả hộ dân lân cận) đối với vấn đề (sẽ) đặt Trạm BTS thân thiện môi trường (trong tương lai, như một đáp ứng cho phát triển). Nếu đồng thuận, điểm dự kiến sẽ đặt, được đưa vào quy hoạch, tránh bị động về điểm đặt, dẫn đến xây dựng, lắp đặt tự phát, gây xung đột.

 

 

Một cuộc họp giải quyết khiếu nại liên quan đến Trạm BTS trên dịa bàn TP trong năm 2017.


Đối với Trạm BTS to và cồng kềnh, Phó Chủ tịch đồng ý với đề xuất của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP, là không quá cực đoan loại bỏ hẳn, mà bố trí phù hợp, gắn với quỹ đất, với không gian cho phép và có độ cách ly an toàn với các kiến trúc chung quanh.

Trạm BTS cồng kềnh gây nhiều lo ngại về độ an toàn, tốn chi phí bảo trì, bảo dưỡng nhưng là Trạm có khả năng "dùng chung hạ tầng kỹ thuật" cho nhiều nhà mạng. Nếu ở những khu vực còn quỹ đất, có không gian chuyên biệt (như Khu Công nghệ cao, Khu CNTT tập trung, Khu Công nghiệp, các resort, khách sạn, công trình tổ hợp,…), vẫn cho phép xây dựng lắp đặt Trạm BTS cồng kềnh. Kèm theo là các yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật.

Từ quan điểm trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu liên Sở (Thông tin-Truyền thông và Xây dựng), các cấp quản lý địa phương sở tại (UBND quận, huyện, phường, xã) và các ngành có liên quan, sau khi phê duyệt, quy hoạch có hiệu lực thực hiện, tiến hành rà soát tổng thể Trạm BTS một lần nữa và đưa ra phân kỳ phù hợp, loại bỏ dần Trạm BTS cồng kềnh ra khỏi những khu vực dân cư sinh sống đông đúc, chỉ kế thừa một số Trạm nhất định nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối.

 
Quy hoạch mới sẽ có thêm nội dung thông báo độ cao tĩnh không cho phép đối với Trạm BTS.

Ý kiến này được lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang rất hoan nghênh, bởi điều kiện của Hòa Vang hiện tại vẫn còn nhiều vùng "lõm sóng", người dân vẫn chưa bắt được các tín hiệu viễn thông/truyền hình số mặt đất. 

Trong khi đó, điều kiện về quỹ đất và không gian Hòa Vang còn khá rộng, sẵn sàng bố trí được những Trạm BTS to, cao, cồng kềnh mà không ảnh hưởng đến môi trường chung quanh.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý thêm: Từ nay, các Trạm BTS xây dựng, lắp đặt mới phải chú ý trước tiên yếu tố tích hợp, dễ tương tác và hội tụ để dễ thích nghi với sự thay đổi, phát triển nhanh của công nghệ mới. 

Bên cạnh đó, quy hoạch mới cũng sẽ quy định độ cao tĩnh không cho từng công trình và điểm đặt Trạm BTS, bảo đảm được an toàn nhưng cũng tranh thủ được độ cao để vươn sóng.

Đặc biệt chú ý, cả 2 loại Trạm (cồng kềnh và thân thiện môi trường, sử dụng công nghệ mới) đều phải tuân thủ về khoảng cách giữa các Trạm. Không tăng dày đặc số Trạm BTS mà tăng đầu tư cho yếu tố công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển.

Kể cả sử dụng công nghệ phù hợp để có thể dùng chung hạ tầng truyền dẫn trên một Trạm BTS (hiện, toàn TP Đà Nẵng mới có 108 Trạm BTS dùng chung, được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng theo hướng "chia sẻ, trao đổi, tận dụng hạ tầng chung", chiếm khoảng 8% trên tổng số Trạm BTS). 

 

 

Khi quy hoạch có hiệu lực, ngành chức năng sẽ làm việc với Chủ đầu tư để sắp xếp lại một số Trạm BTS có khoảng cách quá gần (như trong ảnh). 


Tuyên truyền Trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe: Nói sao để Dân hiểu ?

Cùng với nhiệm vụ "có kế hoạch cụ thể triển khai việc công khai quy hoạch" để nhân dân, tổ chức, đơn vị, cơ quan có liên quan biết, đồng thuận và giám sát; Sở Thông tin và Truyền thông TP cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục kiến nghị với các Bộ, ngành trung ương (gồm Thông tin-Truyền thông; Khoa học-Công nghệ và Y tế) về tuyên truyền giải thích đối với bức xạ điện từ.

Theo Giám đốc Sở  Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh, đến nay, dù đã nhiều lần có văn bản kiến nghi về vấn đề này, tuy nhiên, Sở chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. Trong khi đó, nhân dân bức xúc, khiếu kiện về ảnh hưởng của bức xạ điện từ (của Trạm BTS) thì ngày một nhiều hơn; lại có lúc, chỉ một trường hợp khiếu kiện, nhưng kéo dài, qua nhiều cấp. Sở cũng cử cán bộ, chuyên viên, thành lập Đoàn đến họp với Dân, nhưng do thiếu các sở cứ khoa học, tài liệu tuyên truyền mà Sở có được đã không thuyết phục nhân dân.

Cho đến nay, thực sự vẫn chưa làm rõ để nhân dân an tâm, rằng "khi đặt Trạm BTS ở một nơi nào đó, thì có ảnh hưởng hay không ảnh hưởng đến sức khỏe, đến sinh hoạt".

Theo tôi, tuy thiết bị này hơi đắt, nhưng nếu cần, thì đơn vị liên quan (doanh nghiệp đầu tư Trạm BTS, cơ quan đo kiểm và có thẩm quyền công bố) phải trang bị. Đó là thiết bị đo sóng điện từ cầm tay. Nếu có thiết bị đo đếm cụ thể, minh bạch kết quả đo đếm, người dân thấy được và hiểu được thì sẽ không có vấn đề gì.

Do vậy, cũng cần nghiên cứu, tìm kiếm trang bị thiết bị công nghệ, đo đếm chính xác, rõ ràng, công bố minh bạch để nhân dân thực sự yên tâm" – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn phân tích.

 

 

Thực hiện công văn số 3477/UBND-QLĐTh ngày 11/5/2017 của UBND TP, ngày 29/5/2017), đoàn công tác liên ngành đã tiến hành đo phơi nhiễm trường điện từ tại Trạm gốc điện thoại di động mặt đất (Trạm thu phát BTS) đặt tại 280 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Địa điểm tiến hành đo, quá trình thực hiện đo đều diễn ra đúng theo yêu cầu và có sự giám sát của địa phương, người dân; kết quả quá trình đo được công bố ngay tại chỗ để nhân dân kịp thời nắm bắt thông tin.

Trong ảnh: Đo kiểm và công bố kết quả đo kiểm tại khu vực dân cư 278/2 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng.


Đồ án quy hoạch tổng thể mạng lưới Trạm BTS trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đặt ra vấn đề an toàn nghiêm ngặt đối với các Trạm BTS ở một khu vực thường chịu thiên tai. Theo đó, Trạm phải chống chịu được cấp gió 16, giật cấp 17. 

Hay, không xây dựng, lắp đặt mới Trạm BTS trong phạm vi Khu di tích văn hóa Ngũ Hành Sơn; triển khai tháo dỡ các Trạm BTS cồng kềnh nằm trong khu vực này hoặc lập phân kỳ để chuyển đổi sang Trạm BTS thân thiện môi trường, Trạm BTS ngụy trang, ….Bên cạnh đó, Sở Y tế-Khoa học và Công nghệ (phối hợp cùng Sở Thông tin-Truyền thông, UBND quận, huyện) để trao đổi giải thích, cho người dân hiểu được đúng vấn đề "sóng điện từ (Trạm BTS) không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. 

Liên Sở này (Y tế-Khoa học và Công nghệ) cùng nghiên cứu, đánh giá các tác động của sóng điện từ Trạm BTS, tham mưu đề xuất UBND TP ban hành các văn bản làm cơ sở cho công tác tuyên truyền về ảnh hưởng của sóng điện từ Trạm BTS. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp tài liệu chính thống này, như một dẫn chứng tin cậy, đến các cơ quan báo chí và thông qua các cơ quan báo chí tuyên truyền, giải thích để nhân dân TP an tâm.

 

 

Trạm BTS đặt tại 280 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng  là Trạm BTS thân thiện môi trường. Tuy nhiên, khiếu nại đối với Trạm BTS kéo dài và thành điểm nóng. 


Theo lộ trình-phân kỳ của đồ án, giai đoạn đầu tiên thực hiện "Quy hoạch tổng thể mạng lưới Trạm BTS trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn 2030" của TP Đà Nẵng sẽ bắt đầu từ 2018-2020, Lãnh đạo TP xác định đây là giai đoạn có ý nghĩa rất quan trọng, vừa triển khai với lộ trình cụ thể, theo kế hoạch từng năm, vừa rút kinh nghiệm cho các phân kỳ tiếp theo 2021-2025 và 2026-2030.

"Quy hoạch này phù hợp với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành TP Thông minh, TP sự kiện, TP du lịch và điều quan trọng là chất lượng sống của nhân dân, của du khách được nâng cao. Quy hoạch cũng xác lập cơ sở, lộ trình để các doanh nghiệp thông tin di dộng phát triển hạ tầng kỹ thuật theo đúng định hướng; tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng và giảm sự đầu tư chồng chéo; từng bước loại bỏ hoặc chuyển đổi các Trạm BTS cồng kềnh sang mô hình Trạm BTS mới" – đại diện Viện Quy hoạch xây dựng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: T.Ngọc


Chuyên mục, tin tức liên quan:

chuyên mục tổng hợp

Quản lý nội dung HTML

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Trụ sở: Tầng 24, tòa nhà Trung tâm Hành chính, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3840123 - Email: stttt@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: Số 37/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 17/01/2017