Tham dự buổi làm việc còn có Lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang, xã Hoà Bắc, Công ty Rhode & Schwaz Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Do địa hình phức tạp nên trước thời điểm thực hiện số hóa truyền hình, tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí không có truyền hình tương tự mặt đất. Sau khi Đà Nẵng hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn sang truyền hình mặt đất, sóng truyền hình số DVB-T2 vẫn chưa thể đến được 2 thôn này.
Hầu hết dân cư ở đây tiếp cận chương trình truyền hình thông qua sóng truyền hình vệ tinh. Tuy nhiên, chi phí sử dụng dịch vụ cao, số kênh chương trình miễn phí ít; chất lượng truyền hình chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết do máy thu trên thị trường hiện nay không phải là thiết bị chuyên dụng.
|
Anh Trịnh Thanh Trường, nhân viên của Công ty Rohde & Schwarz trình bày về các giải pháp trạm lặp tại thôn Tà Lang, Giàn Bí, |
Ông Đoàn Văn Thể, Trưởng Đài Truyền thanh – Truyền hình xã Hòa Bắc cho biết, hiện nay, tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí có khoảng 245 hộ dân đang sinh sống, chủ yếu là lao động thuần nông, chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập kinh tế không ổn định, đời sống khó khăn.
Do vậy, việc sử dụng truyền hình vệ tinh với chi phí thuê bao cao là một giải pháp "không khả thi" với các địa phương này. "Người dân nơi đây rất mong mỏi có thể xem được truyền hình, thông qua đó theo dõi tình hình thời sự, các chương trình tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời theo dõi các chương trình giải trí sau một ngày lao động vất vả", ông Thể chia sẻ thêm.
Thời gian qua, Sở TT&TT TP hướng đến việc tìm kiếm giải pháp thu và phát lại sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại các khu vực này theo 3 giải pháp. Cụ thể: Giải pháp thứ nhất là thu, giải mã và chọn lọc chương truyền hình vệ tinh bằng thiết bị chuyên dụng và phát lại trên máy phát DVB-T2;
Giải pháp tiếp theo, thực hiện truyền dẫn tín hiệu truyền hình băng tần cơ sở (từ trạm lặp ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) bằng cáp quang từ trung tâm đến thôn Tà Lang và phát lại sóng DVB-T2.
Và giải pháp thứ ba là sử dụng anten thu lắp trên cao với độ nhạy thu lớn tại Tà Lang để thu lại sóng DVB-T2, chuyển đổi băng tần và phát lại DVB-T2 cho khu vực.
Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe phần thuyết trình về các phương án của đại diện công ty Rhode & Schwarz, cũng như trao đổi cụ thể với các đơn vị liên quan về hiện trạng thực tế, Phó Giám đốc thường trực Sở Thông tin & Truyền thông, ông Nguyễn Hoàng Cẩm nhấn mạnh: Các đơn vị cần chung tay và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, để có thể giúp người dân tại hai thôn sớm bắt được sóng truyền hình số.
Trong các giải pháp được đặt ra, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông đề nghị đơn vị tư vấn cần nghiên cứu kỹ để đưa ra được phương án kỹ thuật tối ưu nhất, có tầm nhìn lâu dài, bền vững. Đồng thời, công ty tư vấn cần phối hợp với các đơn vị địa phương thực hiện khảo sát kỹ lưỡng tại khi vực lắp đặt trạm lặp trước khi đưa ra phương án cụ thể.
Với đề nghị này, đại diện công ty tư vấn khẳng định sẽ quay lại Đà Nẵng trong tuần đến, cùng với các thiết bị chuyên dụng hiện đại để sớm tìm hiểu, khảo sát, từ đó hỗ trợ tư vấn cho Đà Nẵng các giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất, trên cơ sở đảm bảo tiết kiệm chi phí thực hiện.
An Bình