Theo thông tin mới từ một nhà mạng, chiến dịch truy quét SIM kích hoạt sẵn, hay còn gọi là "SIM rác", sẽ được các nhà mạng trong nước và Cục Viễn thông tiếp tục mở rộng đến những SIM mới lưu hành trong ba tháng đầu năm 2017 và trong năm 2015.
Cụ thể, mỗi nhà mạng sẽ tiếp tục cử đại diện của mình vào đoàn thanh tra để kiểm tra chéo, nhằm phát hiện số SIM kích hoạt sẵn còn đang lưu hành.
SIM kích hoạt sẵn vẫn còn được bày bán sau chiến dịch truy quét đầu tiên. Ảnh: Ngô Minh. |
Trước đó, ngày 20/1, tại Hội nghị sơ kết công tác thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối của các doanh nghiệp viễn thông di động, cục Viễn thông cho biết đã phát hiện 17 triệu SIM, khoá 16 triệu SIM và tổng số SIM đăng ký lại khoảng gần 1 triệu sau khi bị khoá tài khoản.
Đến đầu tháng 3, Trung tâm VNCERT cho biết đợt kiểm tra mới nhất đã nâng tổng số SIM kích hoạt sẵn được phát hiện lên đến trên 19 triệu. Con số này chưa dừng lại và lượng SIM rác vẫn còn, thậm chí được kích hoạt thêm sau khi các nhà mạng ký cam kết với bộ vào ngày 28/10/2016.
Với nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/04/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP sắp ban hành, chỉ có các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc ký hợp đồng ủy quyền mới được cung cấp SIM, sau khi khách hàng hoàn thành việc cung cấp thông tin theo quy định. Do đó, việc bán SIM rác tràn lan trên vỉa hè hay quầy tạp hoá như hiện tại sẽ bị xoá sổ.
Để biết SIM đang dùng có thuộc diện bị thu hồi hay không, người dùng có thể soạn tin nhắn TTTB gửi đến 1414. Nhà mạng sẽ gửi lại nội dung tin nhắn bao gồm họ tên người sở hữu, ngày tháng năm sinh, CMND đăng ký. Nếu không trùng với thông tin cá nhân của mình, người dùng cần đến các chi nhánh gần nhất để được hỗ trợ đăng ký lại "chính chủ" trước khi bị khoá SIM hoàn toàn.
SIM kích hoạt sẵn, hay còn gọi là SIM rác, phát sinh do tình trạng ép doanh số của các nhà mạng. Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng thuê bao, nhân viên kinh doanh "đẩy" SIM kích hoạt sẵn về các đại lý. Tại đây, đại lý bán song song SIM chưa kích hoạt lẫn SIM kích hoạt sẵn. Số SIM rác thậm chí còn được bán thông qua các đại lý cấp 2 hoặc các quầy ven đường. Để "nuôi" số SIM rác này, các đại lý phải phát sinh tin nhắn thường xuyên (tin nhắn rác) để tránh bị thu hồi do không hoạt động. Từ đó, người dùng dễ dàng mua được loại SIM này mà không cần đăng ký. Bộ TT&TT cho biết hiện mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán, chủ yếu xuất phát từ SIM rác. Nhiều đối tượng dễ dàng mua SIM rác để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối. |
Theo Zing