Ý kiến chỉ đạo nêu trên đối với việc lắp đặt các trạm thu phát sóng di động (BTS) của doanh nghiệp viễn thông di động trên tài sản công là một trong những nội dung được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết 149 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 mới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 10/10.
Theo thống kê, trên cả nước có khoảng 7.700 trạm BTS đã được các nhà mạng lắp đặt trên đất công như tại UBND và khu vực thuộc quân đội, công trình công như công viên, tuyến đường, phố... (Ảnh minh họa: zingnews.vn) |
Cùng với việc thống nhất cho phép tiếp tục duy trì các trạm BTS đã lắp đặt trên tài sản công (không xem xét việc lắp đặt, xây dựng mới) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ, tại Nghị quyết 149. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương trong việc khai thác tài sản công để lắp đặt trạm BTS và quản lý, sử dụng số tiền thu được.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát việc sử dụng các tài sản công, đề xuất báo cáo Chính phủ cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả nguồn lực này.
Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đưa quy định về việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS trên tài sản công vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông theo quy định pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), mạng viễn thông di động tại Việt Nam triển khai từ năm 1993 đến nay đã có tổng số khoảng 100.000 vị trí trạm BTS. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai 7.700 vị trí trên đất công (tại trụ sở công như UBND và khu vực thuộc quân đội, công trình công như công viên, tuyến đường, phố...).
Riêng tại Hà Nội, tại sự kiện ký kết Chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020 – 2025 giữa Sở TT&TT Hà Nội với 2 cơ quan thuộc Bộ TT&TT là Cục Bưu điện Trung ương và Cục Viễn thông vào ngày 6/10 vừa qua, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm đã cho biết, tính đến ngày 30/9/2020, trong hơn 10.300 trạm BTS trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 1.000 trạm lắp đặt tại khu vực đất công gồm: trụ sở cơ quan, Công an, Quân đội, UBND xã/phường/thị trấn, Nhà văn hóa, các đơn vị sự nghiệp.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 10 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) đã quy định nghiêm cấm "sử dụng tài sản công không đúng mục đích" và tại khoản 5 Điều 10 của Luật này cũng quy định nghiêm cấm "sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao".
Căn cứ theo các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì số phận của các trạm BTS mà các doanh nghiệp viễn thông di động lắp đặt trên đất công trong nhiều năm qua là chưa rõ ràng. Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội cũng đã kiến nghị: "Cục Viễn thông sớm tham mưu Lãnh đạo Bộ TT&TT báo cáo Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc xây dựng, lắp đặt các trạm viễn thông và cột ăng-ten của các doanh nghiệp xây dựng trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công trên địa bàn thành phố".
Được biết, từ cuối tháng 4/2020, Bộ TT&TT đã có Tờ trình 26/TTr-BTTTT đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề trên. Cụ thể, Bộ TT&TT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp viễn thông di động lắp đặt BTS trên đất công, tạo điều kiện cho nhà mạng bảo đảm cung cấp dịch vụ cho khách hàng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.
Theo VietNamNet