Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2020, Tổng công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện EMS cho biết, năm 2019, tổng doanh thu dịch vụ EMS phát sinh trên toàn mạng lưới ước đạt 3.432 tỷ đồng, tăng 19% so với cũng kỳ năm 2018. Tổng lợi nhuận ước đạt 66,5 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Đây là những con số thể hiện nỗ lực của đơn vị này trong thời điểm năm 2019 tình trạng cạnh tranh của lĩnh vực chuyển phát ngày càng khốc liệt với hàng loạt các công ty đa quốc gia, start-up chuyển phát công nghệ chấp nhận lỗ để giành thị phần.
Để giữ vững ngôi vị số 1 về thị phần chuyển phát, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, EMS đã hiện đại hóa, tự động hóa dây chuyền sản xuất, triển khai thêm các dịch vụ mới, quy hoạch và phát triển dải sản phẩm dịch vụ theo hướng cá nhân hóa nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng. Điển hình là dịch vụ siêu tốc nội thành 2h trên cơ sở hợp tác với Lalamove đã giúp EMS đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng về mặt tốc độ và chất lượng. Bên cạnh đó, lực lượng kinh doanh tiếp tục được củng cố và phát triển tại 13 Bưu điện tỉnh, thành phố trọng điểm, đặc biệt tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2019, EMS cũng ghi dấu ấn trong việc đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, qua đó đặt nền móng quan trọng cho chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.
Bà Hà Thị Hòa, Tổng giám đốc EMS cho biết, năm 2019 đơn vị này đặc biệt coi trọng và đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ Logistics, thông qua việc tập trung đầu tư nhân lực, hạ tầng công nghệ, đồng thời tập trung triển khai Quy trình cung cấp dịch vụ Last Mile Logistics và Forwarder. Hiện hệ thống kho hàng tại các thành phố lớn đang đi vào khai thác, đáp ưng nhu cầu kho bãi của các khách hàng lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Không chỉ phục vụ dịch vụ hậu cần thương mại điện tử, EMS còn trực tiếp tham gia vào lĩnh vực này thông qua việc tiếp nhận và vận hành sàn thương mại điện tử Posmart.vn. Qua đó mở ra hướng kinh doanh mới đầy tiềm năng, giúp Tổng Công ty EMS tối ưu hóa chuỗi giá trị và hệ sinh thái, hoàn thiện dải dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là sàn giao dịch quy mô quốc gia đối với các sản phẩm trong chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (chương trình OCOP), trong đó mỗi xã sẽ có một sản phẩm đặc sản được giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Có những thời điểm, đơn hàng của sàn Postmart đã tăng gần 8 lần so với khi mới được chuyển giao, số lượng nhà cung cấp và số lượng sản phẩm phát triển mới cũng tăng gần 2 lần.
Theo bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty EMS, năm 2020 EMS tiếp tục phát triển trục dịch vụ theo 3 trụ cột chính: Bưu chính chuyển phát, Thương mại điện tử và Logistics. Trong đó, tất cả các dịch vụ được quy hoạch và phát triển theo nhiều dải dịch vụ, phù hợp với từng phân khúc thị trường, từng lớp khách hàng mục tiêu, đảm bảo đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt EMS sẽ lấy công nghệ là then chốt cho kiến tạo nền tảng kinh doanh, triển khai các giải pháp công nghệ mới dành cho khách hàng; hoàn thiện các hệ thống lõi dành cho sản xuất nhằm tự động hóa, thông minh hóa.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn khẳng định, bưu chính sẽ là lĩnh vực có nhiều đột phá trong thời gian tới. Trong đó thương mại điện tử là ưu tiên hàng đầu. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với Bộ Công Thương để xây dựng đề án phát triển thương mại điện tử quốc gia để thị trường thương mại điện tử phát triển tốt hơn. Theo đó, các doanh nghiệp bưu chính, trong đó có EMS cần tham gia đóng góp các ý kiến sát với thực tế để thị trường thương mại điện tử đi đúng quỹ đạo hơn.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn yêu cầu EMS tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và nhanh chóng chuyển đổi số trong hoạt động của đơn vị, đặc biệt là các ứng dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistic. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với EMS nói nói riêng và Bưu điện Việt Nam nói chung trong thời gian tới.
Đặc biệt, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn yêu cầu năm 2020, EMS cần đặc biệt chú trọng hơn nữa tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ, giá thành cạnh tranh nhưng luôn đảm bảo cao nhất hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, trong năm 2020, EMS nghiên cứu thị trường bài bản, đồng thời đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ cao cấp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhất là thời gian và chất lượng chuyển phát.
Đối với dịch vụ logistic và postmart cần thực hiện đúng các chỉ tiêu mà Tổng công ty giao. Đặc biệt ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, trong đó có sự thống nhất với việc đầu tư và phát triển hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để đảm bảo thống nhất, hiệu quả, tránh lãng phí trong đầu tư công nghệ thông tin.
Theo Thu Hương(mic.gov.vn)