|
Ngày 1/11/2018, UBND Quận Hải Châu đã chính thức triển khai dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng". Ảnh: Bà Nguyễn Lê Hồng Phúc (WVI), giới thiệu nội dung, công việc cần làm của dự án. |
Dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng" nhận được sự đồng hành ngay từ đầu của WVI và được Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tài trợ với số tiền 16,3 tỉ đồng, bên cạnh đó là kinh phí đối ứng của thành phố Đà Nẵng (32.000 USD).
Niên hạn hoạt động của dự kéo dài từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2021.
Tại Đà Nẵng, cùng với 2 Quận Sơn Trà và Cẩm Lệ, Quận trung tâm thành phố là Hải Châu được tiếp nhận và thụ hưởng. Tại Hải Châu dự án được triển khai với hình thức lan tỏa đến một số điểm trường THCS gồm: Trường Tây Sơn (phường Hòa Cường Bắc), Trường Hồ Nghinh (phường Hòa Cường Nam) và Lê Hồng Phong (phường Thanh Bình).
Ngày 1/11/2018, UBND Quận Hải Châu đã tổ chức triển khai dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng".
Theo kế hoạch, từ thời điểm này trở đi, Ban Quản lý dự án sẽ tiến hành thu thập thông tin, phỏng vấn (trẻ, phụ huynh, người chăm sóc và giáo viên); tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ em để bảo vệ bản thân và bạn bè nhằm tránh khỏi nguy cơ bị làm dụng tình dục.
Ngoài ra, phụ huynh, giáo viên và người chăm sóc trẻ cũng sẽ được nâng cao kiến thức về an toàn, an ninh cho trẻ trên mạng để bảo vệ trẻ không bị lạm dụng.
"Chúng tôi tiếp cận Hải Châu với tầm nhìn đây là một trong những địa bàn có số lượng học sinh đông đúc. Trên địa bàn Quận, hiện có hơn 150 điểm Internet – Game online đang hoạt động" – Bà Nguyễn Lê Hồng Phúc, cán bộ dự án chia sẻ.
Số liệu thống kê cho biết thành phố Đà Nẵng có gần 233.800 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm khoảng 19,3% dân số; 140.000/221.977 hộ dân có đăng ký sử dụng internet. Một khảo sát nữa cho biết, khoảng 60% trẻ tiểu học và 90% trẻ ở bậc trung học có tài khoản Facebook. Gần 900 quán Internet - Game online trên địa bàn thu hút hàng ngàn trẻ đến sử dụng dịch vụ mỗi ngày. Trẻ sử dụng Internet từ lúc còn rất nhỏ, xa rời đời sống thực tế, tập trung nhiều hơn trong thế giới ảo; không nhận thức được các rủi ro tiềm ẩn từ thế giới ảo. Kiến thức, kỹ năng của trẻ rất giới hạn trong việc có thể tự bảo vệ mình từ những nguy cơ, rủi ro bị lạm dụng và xâm hại tình dục ở môi trường mạng. Nhất là khi các em tham gia kênh như livestream, chatroom, webcamera, instagram… Vào năm 2017, theo đề nghị từ Sở Lao động Thương bình và Xã hội, Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng, WVI đã cùng tham gia trong việc đề nghị UNICEF hỗ trợ thực hiện chương trình "Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục tại thành phố Đà Nẵng" UNICEF đã chấp thuận đề nghị này. |
Đại diện của tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam, ông Hoàng Trọng Nghĩa - Trưởng Chương trình, cho biết mục đích của dự án lần này hướng tới 5 mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, giúp cho trẻ em và thanh thiếu niên ít bị tổn thương hơn trước nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng thông qua việc phát triển tài liệu thân thiện với trẻ; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ để trẻ tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Thứ hai, dự án sẽ giúp các nạn nhân trẻ em và thanh thiếu niên bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ hỗ trợ.
Thứ ba, tăng cường khả năng của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng và đáp ứng nhu cầu của nạn nhân.
Thứ tư, giúp chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, chỉnh sửa các văn bản, chính sách về công nghệ thông tin liên quan đến bảo vệ trẻ em.
Và cuối cùng, mục tiêu thứ năm, là giúp cơ quan lập pháp, hành pháp Việt Nam rà soát lại hệ thống các quy định về bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục thông qua môi trường mạng.
Tin, ảnh: Mai Quang Hiển