|
Ngày hội Công nghệ thông tin Devday là cũng Ngày hội IT có quy mô lớn với sự tham dự của hàng ngàn bạn trẻ đam mê các chuyên ngành công nghệ thông tin. Ngày hội đã thực sự truyền cảm xúc và tầm nhìn của một viễn cảnh 4.0 đang đến rất gần tới các bạn trẻ. -Ảnh: T.N. |
Ngài Othmar Christian Hardegger cũng khẳng định thêm:
Chỉ riêng Thụy Sĩ đã có đến hơn 20 công ty đang hoạt động tích cực ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và nội dung số. Và con số này đang không ngừng tăng lên. Những công ty này đã góp phần nâng cao tầm vóc của ngành công nghiệp phần mềm và tạo ra đội ngũ lao động có trình độ cao.
Nhiều công ty của chúng tôi đang nhận thấy Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến mới hấp dẫn về công nghiệp công nghệ thông tin, Đà Nẵng đang thực sự sẵn sàng cho sự phát triển bùng nổ trong tương lai. Những công ty nước ngoài khác cũng nhận thấy được sự hấp dẫn và thuận lợi của môi trường đầu tư ở đây (thành phố Đà Nẵng).
|
Phát biểu tại Đại hội Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng (15/9/2018), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định: "Chúng ta phải nhận thức thật sự sâu sắc thời cơ, lẫn thách thức khắc nghiệt mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. UBND thành phố sẽ sớm ban hành khung chính sách cho vấn đề phát triển kinh tế số. Không còn con đường nào khác để chúng ta lựa chọn. Bàn ngược lại hay đứng ngoài cuộc, hoặc né tránh xem như "không tồn tại". |
-Ảnh: T.Ngọc. |
Rõ rằng, trong tầm nhìn phát triển, ngành công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng đang hội tụ nhiều điều kiện, môi trường, thuận lợi và chính ngành công nghiệp này đang dẫn dắt Đà Nẵng hướng đến mục tiêu kinh tế số, tiệm cận các xu hướng công nghệ mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến.
"Ngành công nghiệp công nghệ thông tin sẽ được hưởng lợi từ những cơ hội lớn lao cũng như các công nghệ mới của nền công nghiệp 4.0 như các ứng dụng IoT, Blockchain; AI, Big Data,..Công nghệ tài chính, thương mại điện tử …" – Ngài Othmar Christian Hardegger nhắc lại.
Nếu Đà Nẵng tận dụng và tranh thủ những lợi thế lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin trong thời gian tới, rõ ràng nền kinh tế thành phố "sẽ hưởng lợi rất lớn" như Ngài Othmar Christian Hardegger phân tích.
Mới đây, khi đến kiểm tra hiện trạng triển khai dự án Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin (giai đoạn 1), các dự án khớp nối hạ tầng với Khu Công nghệ thông tin (giai đoạn 1), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã khẳng định chủ trương của thành phố là "Chú trọng thu hút các nhà đầu tư chất lượng, cam kết phát triển lâu dài và bền vững tại Khu công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin", như một "điểm nhấn của Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018".
Quyết tâm trên của người lãnh đạo cao nhất thành phố Đà Nẵng, được kỳ vọng sẽ "đủ mạnh" để tháo gỡ, khắc phục những cản ngại không đáng có, đưa nền công nghiệp phần mềm Đà Nẵng phát triển xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn của một Đà Nẵng "Thành phố Môi trường", một "Đô thị thông minh hơn", để trở nên "đáng đến và đáng sống hơn".
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trao Quyết định (tái công nhận) Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng là Khu Công nghệ thông tin tập trung (tiếp sức cho doanh nghiệp phần mềm đang hoạt động tại đây), khẳng định sức phát triển của một ngành công nghiệp xứng đáng ở vị trí mũi nhọn, hôm nay và ngày mai (ảnh trên). -Ảnh: T.Ngọc. |
|
Trở lại với vấn đề gia công phần mềm cho nước ngoài (outsourcing), theo một chuyên gia đầu ngành, khi đề cập đến các sản phẩm phần mềm của các trung tâm của lĩnh vực này ở Việt Nam (trong đó có thành phố Đà Nẵng), chúng ta không nên bỏ qua vai trò quan trọng của "quy trình gia công". Một số ý kiến trong thời gian qua trên các diễn đàn "nặng, nhẹ chê trách" lĩnh vực gia công phần mềm là không nên. Thậm chí, tầm nhìn như thế là chưa bao quát và chưa am hiểu.
Thật ra, khi mà nhu cầu thị trường trong nước còn nhỏ bé, tình hình ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế, xã hội nói chung, không phát triển mấy, việc hình thành và phát triển được ngành gia công phần mềm cho nước ngoài phải xem là một thành tựu.
Theo Chuyên gia này, phải xem việc thu hút các đơn hàng gia công là một thành tựu của ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng. Vì ngoài thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, có biết bao nhiêu địa phương mong muốn được như Đà Nẵng nhưng có hình thành nổi ngành công nghiệp phần mềm như vậy đâu.
Đoàn công tác Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng trong chuyến công tác tìm hiểu, mở rộng thị trường -Ảnh: DSA cung cấp. |
Còn theo người đại diện Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng, lý do dễ hiểu, gia công phần mềm là một lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin hết sức quan trọng
Nhiều quốc gia mới nổi (trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm) vẫn đang mong muốn phát triển các quy trình theo đơn hàng gia công, sóng sóng, với đầu tư phát triển nhóm sản phẩm phần mềm nội địa.
Suy xét thấu đáo thì lĩnh vực gia công phần mềm, đem lại nhiều lợi ịch có tính lâu dài.
Phát triển được nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ thông tin nhanh chóng (thông qua công việc thực tiễn, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và những nội dung mà nhà trường không thể đào tạo hết).
Từ đây, có được một tỷ lệ nhân lực chất lượng cao đáng kể. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ quy trình gia công cũng khá cao giúp doanh nghiệp tích lũy và xây dựng nhanh tiềm lực tài chính, tiếp cận và làm chủ từng bước nhiều quy trình nghiệp vụ tiên tiến của nước ngoài, tổ chức sản xuất theo chuẩn mực quốc tế,.. Chính những mặt tích cực này đến một lúc nào đó, góp phần hình thành lực lượng sản xuất phần mềm quốc gia, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế,…
"Tôi cho rằng, cả chục năm qua, Đà Nẵng thu hút được rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài, từ Đức, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay các Tập đoàn, Công ty lớn trong nước là nhờ chúng ta đẩy mạnh gia công phần mềm. Xuất khẩu phần mềm hàng năm tăng trưởng …. Và đạt con số chục triệu USD (thực ra con số này chưa đúng đủ), cũng từ outsourcing.
Tuy nhiên cái được lớn hơn, là khi đảm nhận gia công phần mềm cho nước ngoài, chúng ta đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đây, chúng ta tích tụ nội lực cho nền công nghiệp phần mềm Việt Nam. Để đến lúc có thể, điều kiện thực sự chín muồi, chúng ta hoàn toàn đủ bản lĩnh và năng lực để tham gia sản xuất những sản phẩm phần mềm nội địa đạt tiêu chuẩn quốc tế" –ông Phạm Kim Sơn, nguyên Thành ủy viên, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Ứng dụng công nghệ thông tin thành phố Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng khẳng định.
Trần Ngọc