Nhiều bất cập, cản ngại đang "níu chân" phát triển
Cũng theo ông Nguyễn Hậu, một phần nữa là chất lượng đào tạo và "tính thực tiễn" chưa cao, doanh nghiệp đã tuyển dụng phải đào tạo bổ sung kiến thức thực tế cho nhân sự vừa tốt nghiệp ra trường mới có thể sắp xếp, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp. Thời gian đến, các trường cần nâng cao chất lượng đào tạo sát với thực tiễn hơn. Có thể sử dụng hình thức thăm dò nhu cầu tuyển dụng từ nhà tuyển dụng là doanh nghiệp phần mềm.
Gần đây, cũng tương tự như ngành du lịch, dịch vụ du lịch Đà Nẵng trước đây, trong ngành công nghiệp phần mềm còn xảy ra tình trạng "nhảy việc của nhân viên".
"Trong chúng ta thì ai ai cũng biết, để tạo ra các sản phẩm công nghệ thông tin, quá trình đầu tư, nghiên cứu, nghĩa là "huy động tối đa chất xám" tốn khá nhiều thời gian và phải thực hiện đúng, đủ theo quy trình một cách khoa học.
Nhân lực đã bố trí vào quy trình thì phần lớn đã phải trải qua tuyển lựa, bồi dưỡng, chăm sóc, từng khâu rất chi là bài bản. Tuy nhiên, việc phát triển nóng của các doanh nghiệp (đa số có vốn nước ngoài), với các chính sách thu hút nhân lực vượt trội, đã dẫn đến sự xáo trộn của thị trường lao động. Trong khi đó, thực tế, nguồn nhân lực có tay nghề, có chất lượng tốt của chúng ta còn khá mỏng…" – ông Lê Trí Hải, Giám đốc Công ty Toàn Cầu Xanh chia sẻ một bất cập.
|
Đà Nẵng vẫn đang "khát"nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ thông tin chất lượng cao. -Ảnh: T.Ngọc |
Bên cạnh đó, hệ sinh thái về công nghiệp công nghệ thông tin tại Đà Nẵng chưa phát triển mạnh, dịch vụ đi kèm về lĩnh vực công nghiệp này như Hosting, Server, thiết bị phần cứng… giá thành còn cao, nhưng chất lượng chưa đảm bảo (so với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh). Gần đây, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (nhúng) vào một số sản phẩm, thì Đà Nẵng còn yếu về mặt này.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng: Dù chính quyền thành phố đã có chính sách ưu đãi, song thực tế cho đến nay, vẫn còn ít doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, tiếp cận được các chính sách ưu đãi.
"Xuất phát từ sự nhìn nhận về ngành công nghiệp công nghệ thông tin, dẫn đến tính nhất quán trong chương trình hành động, thể hiện qua chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách của chính quyền vẫn còn nhiều hạn chế. Việc tạo ra một môi trường, điều kiện để đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương (không phải là chính sách bảo hộ) đang hoạt động trong lĩnh vực này, thực tế, còn thiếu quyết liệt" - lãnh đạo một doanh nghiệp phần mềm phân tích.
Và một điều cũng rất trăn trở, đó là, trong khi Đà Nẵng là thành phố tiên phong trong xây dựng và vận hành chính quyền điện tử; môi trường ứng dụng công nghệ thông tin tại Đà Nẵng luôn sôi động và sức lan tỏa ngày một lớn,song thương mại điện tử tại Đà Nẵng lại chưa phát triển mạnh. Dù chỉ là triển khai các ứng dụng ngay trên nền Trang Thông tin điện tử của chính doanh nghiệp.
|
Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng chưa đồng đều. -Ảnh: T.Ngọc. |
Số liệu đưa ra tại một hội thảo về Thương mại điện tử vừa diễn ra hôm 15/9/2018 tại Đà Nẵng cho thấy trong tỷ lệ khoảng 60% doanh nghiệp (hoạt động ở địa bàn Đà Nẵng) có Trang Thông tin điện tử thì chỉ khoảng 3 – 5% doanh nghiệp (có xây dựng, đang vận hành Trang Thông tin điện tử của mình) thực sự "có quan tâm, cập nhật thông tin, khai thác Trang Thông tin điện tử có hiệu quả.
Trong khi đó, doanh nghiệp hội viên DSA, hoàn toàn có thể đảm nhận, chia sẻ qua những công việc như viết mới, xây dựng mới, chịu trách nhiệm bảo trìTrang Thông tin điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng; thậm chí miễn phí trong nâng cấp, chỉnh sửa hay xây dưng thêm dịch vụ, ứng dụng ngay trên nền Trang Thông tin điện tử mà doanh nghiệp đã có sẵn, với tinh thần gắn kết tương trợ, hợp tác lâu dài.
Nếu cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng thay đổi phương cách tương tác, cung ứng sản phẩm, dịch vụ truyền thống, hướng mạnh đến sử dụng Trang Thông tin điện tử như một công cụ thương mại điện tử, thì đây sẽ nguồn khách hàng tiềm năng, mở ra khả năng "liên kết sử dụng sản phẩm, tranh thủ nguồn lực của nhau", cùng nhau phát triển bền vững.
Đáng tiếc là sự kiên kết, hợp tác như vậy chưa hình thành và phát triển sôi động tại Đà Nẵng.
Nhìn chung, công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng cho đến nay còn yếu hơn so với 2 trung tâm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dù tiềm năng và tâm huyết của rất nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức đối với "lĩnh vực mũi nhọn" này không hề thua kém.
Mặt bằng: Một bức xúc kéo dài
Chủ tịch DSA, ông Phạm Kim Sơn chia sẻ rằng, nhiều năm qua, vấn đề mặt bằng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số luôn được đề cập ở nhiều diễn đàn, hội nghị, đối thoại. Song, vẫn chưa có một giải pháp tối ưu.
Tình trạng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Đà Nẵng, tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, đến khi chuẩn bị đưa ra quyết định cuối cùng (là đầu tư), thì họ phải "cân nhắc lại", thậm chí "rút lui" do không có mặt bằng để triển khai dự án, xảy ra khá nhiều.
Ngay cả các doanh nghiệp đang hoạt động cũng không thể mở rộng quy mô sản xuất, vì không có mặt bằng.
|
Bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam khẳng định: "Nguồn cầu" Đà Nẵng vẫn ngày càng gia tăng.Và ở vị trí đầu tiên, đang rất có nhu cầu chính "Các Công ty IT",... -Ảnh: T.Ngọc. |
Bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, trong nhiều lần gặp gỡ các cơ quan truyền thông tại Đà Nẵng, khi phân tích các tác động đến tình hình đầu tư bất động sản ở Đà Nẵng, vẫn luôn giữ quan điểm: Cùng với du lịch, công nghệ thông tin là lĩnh vực sẽ thúc đẩy Đà Nẵng phát triển mạnh về bất động sản cho thuê, cụ thể là lĩnh vực văn phòng.
Gần đây nhất, trong cuộc gặp gỡ quý II năm 2018, bà Dương Thùy Dung tái khẳng định: "Trong quý II năm 2018, thị trường văn phòng Đà Nẵng có thêm 2 tòa nhà hạng B (Thành Quân Building và PGT Tower) và không có nguồn cung mới của tòa nhà hạng A. Trong khi đó, nhu cầu của khách thuê mặt bằng, cho thấy "nguồn cầu" vẫn ngày càng gia tăng. Khi liệt kê nguồn cầu, đại diện CBRE đã kể đến "Các Công ty IT" ở vị trí đầu tiên, lần lượt sau đó là dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, y tế, và trường học.
Như vậy, trong lúc nguồn cung mới còn hạn chế, nguồn cầu đang cần dư địa lớn, thì các đơn nguyên văn phòng cho thuê đã lấp đầy, còn dự án đầu tư mới Khu Công viên phần mềm (số 2), cho đến nay vẫn chưa có tính khả thi. Thậm chí có cả dự án đã được ký kết ở cấp Chính phủ vẫn đang "dậm chân", do chưa gặp nhau ở mức giá cho thuê đất. Theo chúng tôi được biết, theo quy định, dự án (đầu tư xây dựng mới Khu Công viên phần mềm số 2) sẽ phải xúc tiến theo phương thức đấu thầu, chứ không chỉ định (duy nhất) 1 nhà đầu tư. Có lẽ điều này đã khiến nhà đầu tư cân nhắc …".
"Thực ra, Chính quyền Đà Nẵng từ những năm 2010 đã dành quỹ đất để xây dựng mới Khu Công viên phần mềm (ở Khu đô thị mới Đa Phước). Tuy nhiên diện tích này (10 hecta) sau đó được quy hoạch lại, và bố trí cho lĩnh vực khác, cấp cho doanh nghiệp khác. Phải nói rằng Đà Nẵng chúng ta đã "chậm chân" và để vuột mất nhiều cơ hội đón nhận dự án đầu tư lớn (về công nghiệp phần mềm và nội dung số), của của các nhà đầu tư trong và ngoài nước" – ông Phạm Kim Sơn phân tích.
Đại diện Chi nhánh Đà Nẵng - Công ty TNHH Rikkeisoft rất bức xúc khi cho biết, đã phải 3 lần chuyển địa điểm do quy mô phát triển. Mỗi lần chuyển là "đau cả đầu" và sau 3 lần chuyển, sắp đến, nếu đơn hàng tăng, nhân sự tăng, lại phải chuyển. Bởi Công ty chưa tìm ra một mặt bằng ổn định, bền vững lâu dài.
|
Hình hài dự án DITP Tower sau 10 tháng thi công. -Ảnh: Minh Hiền. |
Theo ông Nguyễn Anh Huy - Phó Tổng Giám đốc Trungnam Land, ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin ở Đà Nẵng đang thiếu không gian, hạ tầng để triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ giải pháp không gian làm việc đạt chuẩn quốc tế và đón đầu cơ hội đầy tiềm năng này, CTCP Trung Nam (Trungnam Land) đã đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng khu phức hợp cao cấp DITP Tower.
Với mục tiêu hướng đến phục vụ các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin, và nội dung số, đang muốn mở rộng, tìm kiếm không gian làm việc lớn, năng động, hiện đại; chủ đầu tư DITP Tower đã dành 11 tầng cho thuê với chất lượng văn phòng tiêu chuẩn hạng A đặc biệt.
Ngày 5/10/2018 vừa qua, dự án DITP Tower đã chính thức cất nóc sau 10 tháng thi công.
Tọa lạc tại ngã tư đường Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Tất Thành nối dài thuộc khu đô thị Golden Hills, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng; dự án đã góp phần làm sôi động khu vực Tây Bắc Đà Nẵng, nơi đang tập trung các dự án như Cảng Liên Chiểu, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Khu Công nghệ cao…
"DITP Tower đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các công ty trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, cũng như doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ trong nước và quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng dự án góp phần thu hút một lượng lớn dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế đến với Đà Nẵng, khi các khu vực khác đã trở nên chật hẹp" - ông Nguyễn Anh Huy chia sẻ thêm.
Theo Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng, đại diện Hiệp hội và Chủ đầu tư sẽ có bàn bạc, trao đổi cụ thể hơn theo hướng ưu đãi giá cho thuê mặt bằng (giảm 30%) đối với doanh nghiệp là Hội viên của DSA, chia sẻ khó khăn về mặt bằng, không gian phát triển, cải thiện môi trường làm việc.
Trần Ngọc