Không ngừng thúc đẩy người dân sử dụng DVCTT
Vừa qua, Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về "Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2018. Đây là chỉ số được đánh giá chủ yếu qua 3 tiêu chí: Hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT; Nguồn nhân lực CNTT bao gồm nguồn nhân lực xã hội, nguồn nhân lực các cơ quan nhà nước, nguồn nhân lực công dân trong ứng dụng CNTT; và DVCTT thông qua đánh giá việc tiếp cận của tổ chức công dân trên môi trường mạng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện nay, công tác ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước của TP đang được triển khai hiệu quả. Trong đó, phần mềm Một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, 98% hồ sơ được tiếp nhận, xử lý trên phần mềm này. Hiện TP có hơn 600.000 tài khoản công dân điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng thêm 17 DVCTT, nâng tổng số DVCTT mức 3, 4 lên 572 dịch vụ.
|
Công dân giao dịch tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. |
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: "Để thúc đẩy việc sử dụng DVCTT, ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân trực tiếp và qua các phương tiện truyền thông, Sở TT&TT đã phối hợp với Bưu điện triển khai việc nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, đặc biệt là triển khai hình thức Đại lý DVCTT; phối hợp với VietinBank triển khai Cổng thanh toán trực tuyến để nộp phí, lệ phí DVCTT qua mạng".
Như vậy, với tài khoản công dân điện tử, người dân có thể thực hiện các DVCTT mức 3, 4 tại nhà, nghĩa là các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng, cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) bằng phương thức trực tuyến góp phần rút ngắn thời gian làm hồ sơ và thời gian chờ đợi của người dân khi làm các thủ tục hành chính.
Để tiếp tục phấn đấu giữ vững vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Vietnam ICT Index và không ngừng tiến xa hơn trên chặng đường phát triển, Đà Nẵng cần phát huy hơn nữa những thành quả đạt đã có, đồng thời phải thật nhạy bén trong việc phát hiện và xử lý những bất cập phát sinh trong thực tế quá trình triển khai, áp dụng DVCTT tại các quận, huyện, phường, xã; đặc biệt là DVCTT ở mức 3, 4.
Tỷ lệ người dân biết đến DVCTT còn thấp
Đến trực tiếp tại UBND quận Thanh Khê, tại bộ phận "một cửa" với số lượng khá đông người dân đến làm thủ tục hành chính. Được biết, trong thời gian qua, để thực hiện cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công theo mô hình hiện đại mà TP đề ra, UBND quận đã quán triệt với các phường, thông báo và tổ chức nhiều buổi họp tổ dân phố nhằm giới thiệu, hướng dẫn cụ thể cho người dân trên địa bàn về cách sử dụng dịch vụ này.
|
Cán bộ tại UBND quận Thanh Khê hướng dẫn người dân cách kê khai hồ sơ trực tuyến. |
Người dân cũng có thể tự tra cứu các thông tin, cách thức cần thiết tại hệ thống máy tính được bố trí tại các UBND quận, phường. |
Đồng thời trước khi TP kết hợp với ngân hàng Vietinbank đưa vào sử dụng tiện ích thanh toán DVCTT mức 4 thì UBND quận đã tiến hành kết hợp với ngân hàng Agribank mở tài khoản và cho phép người dân thanh toán cước phí ở mức 3. Đặc biệt, quận hỗ trợ hoàn toàn chi phí chuyển khoản cho người dân nhằm mục đích khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Anh Võ Huy Hoàng, Trưởng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả dịch vụ UBND quận Thanh Khê cho biết: "Hiện tại số lượng người đến làm thủ tục hành chính trực tiếp tại quận bắt đầu có khuynh hướng giảm vì người dân đang dần chuyển qua làm trực tuyến. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn khá thấp. Dù UBND quận rất tâm huyết, mong muốn phát triển mạnh DVCTT nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập về nhiều mặt".
"Dù thực hiện qua hệ thống điện tử nhưng các cán bộ phụ trách vẫn phải gọi điện cho người dân để hướng dẫn chi tiết cách điền vào mẫu hồ sơ và giải thích cho người dân về những mục chưa rõ ràng. Đồng thời phải liên lạc thường xuyên với họ để điều chỉnh sai sót trong quá trình kê khai hồ sơ trực tuyến. Điều này là một hạn chế lớn và làm mất đi hiệu quả của DVCTT là rút ngắn thời gian thực hiện. Tuy nhiên, để người dân dần quen thì mình phải chịu khó những bước đầu như thế và giải thích cho họ biết những lợi ích lâu dài sau này", anh Hoàng cho biết thêm.
DVCTT chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định?
Trong tháng 8 vừa qua, phóng viên ICTDanang đã tiến hành khảo sát 50 người dân đến làm việc tại các UBND phường Hải Châu 1, phường Hải Châu 2, UBND quận Thanh Khê và quận Hải Châu trong 2 ngày và thu được kết quả sau:
Có 14/50 người biết đến hệ thống Chính quyền điện tử và DVCTT, trong đó có 6 người từng sử dụng dịch vụ này. Đây đa phần là những người làm việc trong môi trường văn phòng hoặc kinh doanh, thường xuyên được tiếp xúc và sử dụng thành thạo internet để tra cứu thông tin, đọc báo mạng điện tử, thuộc độ tuổi từ 30 đến 50.
Nằm trong nhóm người từng sử dụng DVCTT, chị Lê Thị Bình (36 tuổi, phường Hải Châu 2) cho biết chị vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhập thông tin và gửi hồ sơ: "Ở bước kê khai thông tin vào các mục trong hồ sơ tôi đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của cán bộ phụ trách vì không biết chính xác mục đó cần kê khai những gì".
|
Đa phần người dân vẫn chọn cách đến trực tiếp tại UBND các phường, quận để làm trực tiếp các thủ tục. |
Còn với các lĩnh vực yêu cầu nhiều hồ sơ và kê khai nhiều hơn thì đa phần họ mất khá nhiều thời gian để trao đổi và chỉnh sửa lại hồ sơ với cán bộ hướng dẫn. Ở mức 3, người dân vẫn phải mang giấy tờ hồ sơ gốc đến các cơ quan để tiến hành xác nhận và nộp lệ phí. Cho nên, độ hiệu quả mang lại vẫn chưa cao và chưa thực sự thiết thực.
Vì vậy, đa phần người dân vẫn ưu tiên đến trực tiếp tại các cơ quan chức năng để làm thủ tục. Bởi tại đây, họ nhận được sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ, dễ dàng điều chỉnh khi sai sót và bổ sung hồ sơ bị thiếu. Hơn hết là không phải thực hiện scan hồ sơ thành bản mềm để nộp trên hệ thống điện tử – một trong những bước mà người dân có tâm lý e ngại nhất.
Bà Lê Thị Ty (tổ 18, phường Tam Thuận) cho biết: "Tôi cũng được các cán bộ tại phường nhiệt tình hướng dẫn tạo tài khoản công dân điện tử để sử dụng các DVCTT, nhưng bản thân đã lớn tuổi, lại sống một mình nên không có máy tính nối mạng và tài khoản ngân hàng. Nghe các cô chú nói thì mình cũng ghi nhận, nhưng khi cần thì sự lựa chọn tốt nhất vẫn là lên thẳng phường hoặc quận để làm, có người hướng dẫn và thực hiện trực tiếp tiện lợi hơn hẳn".
Còn ở mức 4, hiện đang có rất ít các dịch vụ được triển khai trên các lĩnh vực, chủ yếu tập trung các dịch vụ ở sở Công thương, Sở TT&TT và Sở Lao động, Thương binh & Xã hội. Tại mức này, người dân thấy được sự tiện lợi và hiệu quả thực tế mang lại hơn mức 3, tuy nhiên về mặt thanh toán chi phí làm hồ sơ và chi phí chuyển phát trả kết quả qua đường bưu điện vẫn còn bất cập bởi hệ thống các ngân hàng liên kết và mức phí cước vận chuyển chưa phù hợp.
Đối với 36 người còn lại không biết đến DVCTT, đa số họ là người lao động, kinh doanh mua bán nhỏ lẻ, ít tiếp xúc với internet và truyền thông. Sau khi được giới thiệu và có cơ hội tìm hiểu về DVCTT thì phần đông nhóm này mong muốn được hiểu sâu hơn và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên phần lớn họ thừa nhận không biết sử dụng tin học, không có máy tính hay kết nối internet và không có tài khoản thẻ ATM tại các ngân hàng. Điều này là rào cản lớn nhất khiến cho họ không thể tiếp cận và sử dụng DVCTT.
Có thể thấy, hiện tại, đối tượng sử dụng dịch vụ chủ yếu là người làm việc văn phòng, những người thường xuyên tiếp xúc với internet và báo chí. Ngay cả các đối tượng người dân là công chức, viên chức Nhà nước cũng chỉ có một bộ phận sử dụng DVCTT bởi đã quá quen với cách làm việc trực tiếp tại UBND các phường và quận. Đồng thời, các DVCTT được người dân sử dụng chủ yếu vẫn là các dịch vụ có thủ tục hồ sơ đơn giản, không liên quan đến các sơ đồ bản vẽ và cần nhiều xác nhận của cơ quan chức năng.
Còn nhiều khó khăn trong việc triển khai DVCTT đến với người dân
Theo chia sẻ của anh Võ Huy Hoàng, Trưởng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả dịch vụ UBND quận Thanh Khê thì hiện nay, cơ sở dữ liệu công dân trên hệ thống vẫn chưa hoàn toàn chính xác. Tình trạng trùng và sai số CMND khá phổ biến dẫn đến việc đăng kí mã công dân điện tử bị chồng lên nhau, gây nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Đôi lúc đường truyền mạng không ổn định làm thời gian thực hiện và xử lý kéo dài khiến người dân phải chờ đợi.
"Hệ thống quản lý hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như chưa có đủ những chức năng cần thiết để công tác tiếp nhận và xử lý của cán bộ phụ trách được thuận tiện hơn. Trong khi lại có nhiều chức năng không thực tế. Ví dụ, hệ thống nên có chức năng chỉnh sửa khi nhập dữ liệu công dân tránh trường hợp nhập sai phải xóa viết lại lại gây ra tình trạng chồng hồ sơ. Hay cần đơn giản hóa các mục đăng kí mã công dân để người dân dễ dàng thực hiện và chủ động quản lý dữ liệu. Tránh trường hợp mất nhiều thời gian và có một bộ phận không hợp tác do quy trình thực hiện phức tạp", anh Hoàng cho biết.
Chưa kể, tại UBND quận hiện chỉ có 1 cán bộ phụ trách việc quản lý và tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến vì lý do cắt giảm biên chế. Cán bộ này đảm nhiệm nhiều công việc khác của cơ quan, đồng thời không chuyên sâu về hệ thống điện tử nên khi xảy ra sự cố lớn thì không thể giải quyết triệt để mà cần đến sự hỗ trợ, phối hợp từ nhiều phía.
|
UBND các phường, quận không ngừng tuyên truyền, phổ biến về DVCTT đến công dân dưới nhiều hình thức. |
Thành ra, thực tế hiện nay tỉ lệ người dân sử dụng DVCTT mức 3 vẫn còn thấp dẫn đến nhiều khó khăn trong việc triển khai mức 4.
Vì vậy, UBND các quận vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về thời gian và công tác triển khai thực hiện dù đã đăng kí với UBND TP. Trước mắt, các quận vẫn sẽ tiến hành rà soát và cho thực hiện thí điểm ở một số lĩnh vực khả thi, đơn giản như an toàn thực phẩm, đăng kí giấy phép kinh doanh. Sau khi thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục các điểm còn hạn chế sẽ tiến hành triển khai ở các lĩnh vực khác.
"Việc triển khai, mở rộng các DVCTT mức 3 và 4 cần sự hỗ trợ rất nhiều của Sở TT&TT, các bộ phận có liên quan để phối hợp, nhanh chóng tháo gỡ các bất cập đang tồn tại và thực hiện nâng cấp dịch vụ", anh Hoàng đề nghị.
Có thể nói, việc triển khai DVCTT mức 3, mức 4 hiện nay vẫn còn là một thách thức đối với TP nói chung và từng địa phương nói riêng. Không chỉ đầu tư, phát triển và đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nhanh chóng khắc phục những bất cập phát sinh mà còn là cả một quá trình phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn dài hơi để dân biết, dân hiểu, dân thấy được hiệu quả… từ đó thay đổi và hình thành thói quen sử dụng DVCTT trong nhân dân, tạo tiền đề phát triển bền vững chính quyền điện tử và hướng đến xây dựng TP thông minh.
Theo Xuân Dương (ICTdanang)