Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Navigation Menu

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Chi tiết
Bí thư Trương Quang Nghĩa: Đà Nẵng không được chủ quan trong việc xây dựng chính quyền điện tử
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 03/08/2018 Lượt xem: 181

Sáng 2/8, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về công tác xây dựng Đảng và tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến. Trong đó, ông Nghĩa nhấn mạnh: "Đà Nẵng đang đứng trước áp lực lớn về sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương khác trong xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Chỉ cần chủ quan, chúng sẽ nhanh chóng bị tụt lại đằng sau".


Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018,  ngành đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, trong đó tiếp tục tập trung vào việc xây dựng TP thông minh, CQĐT, phát triển Công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), các công tác bưu chính - viễn thông, quản lý thông tin – báo chí – xuất bản trên địa bàn…

 
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT báo cáo tại buổi làm việc.


Đẩy nhanh triển khai các ứng dụng của TP thông minh

Với định hướng xây dựng TP thông minh dựa trên một nền tảng, một hạ tầng, một chính sách theo tinh thần đa đối tác, đa ứng dụng, Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng thí điểm về TP thông minh và dựa trên kết quả này để hoàn thiện Khung kiến trúc. Hiện Sở TT& TT vẫn đang trong quá trình phối hợp với các đơn vị xây dựng Lộ trình và các Chương trình trong Đề án TP thông minh, đề xuất thí điểm về mô hình trong giai đoạn 2019 - 2020.

"Sở TT&TT đã phối hợp với Tập đoàn Viettel xây dựng Kiến trúc TP thông minh nhằm tạo cơ sở nền tảng cho việc triển khai xây dựng TP thông minh trên địa bàn. Đây là bộ tài liệu hoàn chỉnh về kiến trúc, công nghệ... theo tiêu chuẩn của thế giới và phù hợp với hiện trạng CNTT và kinh tế - xã hội của Đà Nẵng; bảo đảm việc triển khai đồng bộ, tương thích, hiệu quả và tiết kiệm", ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết.

Đồng thời, Sở TT&TT cũng đã cụ thể hóa Kiến trúc trên qua việc xây dựng và tham mưu UBND TP ban hành 2 Kiến trúc cho ngành y tế và giáo dục với các ứng dụng thông minh đang được sử dụng hiệu quả. Cụ thể, đã có 56/56 Trung tâm y tế xã, phường; 2 Trung tâm y tế cấp quận; hình thành hồ sơ sức khỏe và mã (ID) bệnh nhân thí điểm tại quận Liên Chiểu; hình thành CSDL và Cổng giao tiếp ngành y tế phục vụ cán bộ ngành y tế và người dân tra cứu. Đối với ngành Giáo dục, Sở cũng đã triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp (lớp 1, 6) và CSDL giáo dục và Cổng giao tiếp giáo dục phục vụ làm việc của cán bộ giáo viên và tra cứu của phụ huynh học sinh.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, cùng đồng hành với các nhà cung cấp giải pháp, Sở TT&TT còn có Trung tâm vi mạch (CENTIC) là đơn vị nghiên cứu, phối hợp với đối tác để đề xuất các giải pháp tích hợp như: Hệ thống đo mưa; Hệ thống nhận dạng lỗi vi phạm giao thông, nhận dạng phương tiện đường thủy cho âu thuyền Thọ Quang; hệ thống đo ô nhiễm ao hồ…; những kết quả đã góp phần tạo ra những kết quả bước đầu đã tạo ra những sản phẩm Made in DaNang làm nền tảng, cơ sở để chính thức triển khai Đề án, mô hình TP thông minh tại Đà Nẵng từ năm 2018.

Đồng thời cũng phối hợp với các sở ngành nghiên cứu và triển khai các ứng dụng giám sát, cảnh báo sớm như: giám sát chất lượng nước ở ao hồ; camera giao thông thông minh; thí điểm giám sát cháy rừng Hải Vân; quản lý tàu ra vào Âu thuyền Thọ Quang; giám sát hành trình xe buýt; giám sát điều khiển trạm bơm nước thải; CSDL an toàn thực phẩm; camera an ninh trật tự; thu phí đỗ xe thông minh tại tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú.

Triển khai CQĐT nên tập trung vào một số cơ quan mũi nhọn

Trong thời gian qua, việc được đầu tư và đưa vào sử dụng hạ tầng cho CQĐT TP bao gồm Trung tâm dữ liệu; Mạng đô thị; Hệ thống Wifi công cộng; Trung tâm Thông tin dịch vụ công; Trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng… bước đầu đã hỗ trợ tốt cho các hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, hệ thống thông tin CQĐT bao gồm nền tảng và các ứng dụng CQĐT dùng chung, có tên miền egov.danang.gov.vn cho CBCCVC và người dân TP sử dụng (hiện có 12.000 tài khoản của CBCCVC sử dụng thường xuyên và khoảng 86.000 tài khoản "công dân điện tử"). Các ứng dụng dùng chung gồm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thư điện tử, Hệ thống một cửa điện tử, Hệ thống quản lý cán bộ công chức, viên chức, Hệ thống góp ý,… được sử dụng thường xuyên, đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác xử lý văn bản, trao đổi thông tin và giải quyết thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành tại các cơ quan, địa phương.

Được biết, tổng số DVCTT mức độ 3,4 của TP hiện có là 555 dịch vụ/1.177 thủ tục hành chính (đạt 47,2%), được tích hợp và cung cấp tập trung trên Hệ thống thông tin CQĐT TP.

Trong đó, số hồ sơ được nộp và xử lý trực tuyến năm 2017 là 77.389/204.163 hồ sơ (đạt 38%) (năm 2016 giá trị này là 19,3%). Số hồ sơ được nộp và xử lý trực tuyến 6 tháng đầu năm 2018 là 23.842/62.742 hồ sơ (đạt 38%).

Ông Nguyễn Quang Thanh cho biết: "Để thúc đẩy việc sử dụng DVCTT, ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân trực tiếp và qua các phương tiện truyền thông, Sở TT&TT đã phối hợp với Bưu điện triển khai việc nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, đặc biệt là triển khai hình thức Đại lý DVCTT; phối hợp với VietinBank triển khai Cổng thanh toán trực tuyến để nộp phí, lệ phí DVCTT qua mạng".

Lưu ý về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu, trong thời gian đến, Sở TT&TT cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ chọn triển khai tập trung DVCTT tại một số đơn vị như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường. Nhanh chóng đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công mức 3, 4 tại các đơn vị này vì đây là các cơ quan có lượng giao dịch dịch vụ công nhiều.

"Đà Nẵng đang đứng trước áp lực lớn về sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương khác trong xây dựng CQĐT và triển khai DVCTT. Chỉ cần chủ quan, chúng sẽ nhanh chóng bị tụt lại đằng sau. Vì vậy, chúng ta cần có một kế hoạch rà soát toàn diện, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai một cách quyết liệt, nhanh chóng". - ông Nghĩa nhấn mạnh.

 
"Đà Nẵng đang đứng trước áp lực lớn về sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương khác trong xây dựng CQĐT và triển khai DVCTT. 
Chỉ cần chủ quan, chúng sẽ nhanh chóng bị tụt lại đằng sau", Bí thư Thành Ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.


Có chính sách phù hợp để phát triển Công nghiệp công nghệ cao

Công nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển của Đà Nẵng trong thời gian đến. Hiện tại, TP đang khai thác hiệu quả Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng (Khu CVPM số 1); đã hoàn thành thẩm định hồ sơ Đề án thành lập Khu CNTT tập trung - Khu CNTT Đà Nẵng và đang trong quá trình hỗ trợ Tập đoàn Sembcorp xây dựng Đề án thành lập Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm số 2.

Và các doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực gia công, xuất khẩu phần mềm, thiết kế vi mạch, xây dựng các sản phẩm phục vụ CQĐT, gia công dữ liệu số theo quy trình doanh nghiệp (BPO), kiểm thử phần mềm, trò chơi trực tuyến...

Liên quan đến phát triển công nghiệp phần mềm, ông Thái Bá Cảnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất: "Sở TT&TT nên chủ động làm việc với các trường đại học để định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu. Hiện tại, chúng ta đang rất thiếu nhân lực trong ngành kỹ sư kiến trúc CNTT. Đồng thời, khi xây dựng CVPM phải dành không gian cho sáng tạo – khởi nghiệp, khẩn trương tham mưu các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sáng tạo, sản xuất phần mềm, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm… nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp phần mềm trên địa bàn".

 
Đại diện từ các sở ban ngành khác tham gia góp ý và đề xuất tại buổi làm việc.


Đồng ý với đề xuất của Sở Khoa học - Công nghệ, ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: "Chúng ta phải có những chính sách và hướng đi phù hợp để giảm việc gia công, hướng đến sản xuất được phần mềm. Mục đích chúng ta xây dựng TP đáng sống là để thu hút được nhân lực sáng tạo hơn, tinh túy hơn cho nên phải tăng cường phối hợp, hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo hợp tác với tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài để cập nhật, đổi mới chương trình; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT; đặc biệt nhân lực thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật; phải có những chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất phần mềm".

"Không được sợ mạng xã hội"

Trong lĩnh vực quản lý thông tin - báo chí - xuất bản, tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 109 cơ quan báo chí và 701 người làm báo đang hoạt động, 10.000 trang TTĐT, 750 ngàn tài khoản mạng xã hội facebook, 600 tài khoản mạng xã hội zalo.

Trao đổi về lĩnh vực này, 
ông Bùi Xuân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết: "Với mục tiêu chung là phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm báo chí lớn thứ 3 trên cả nước, tôi đề nghị Sở TT&TT cần có một đợt khảo sát quy mô về các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, tình hình phóng viên trên địa bàn để quản lý chặt chẽ. Đồng thời phối hợp với Ban tuyên giáo tham mưu TP xử lý các vi phạm về báo chí, nhất là trên mặt trận tư tưởng".

Đặc biệt ông Bùi Xuân cũng đề xuất thành lập một tổ quản lý mạng xã hội nhằm chủ động đối phó với các thông tin lan truyền ảnh hưởng đến TP và tăng cường công tác tuyên truyền trên lĩnh vực này. Bởi với sự phát triển như vũ bão của CNTT, các thế lực thù địch nhanh chóng nương theo đó để tấn công chúng ta về mặt tư tưởng, đặc biệt ở tầng lớp thanh thiếu niên nên chúng ta cần chủ động tìm một giải pháp đảm bảo.

Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Sở TT&TT cần nắm rõ và theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các phóng viên trên địa bàn. Đồng thời, chúng ta phải nhận thức được báo chí là lực lượng tuyên truyền mạnh mẽ của TP trên tất cả các lĩnh vực, là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên, công tác quản lý phải tinh tế, đúng mức. Không có báo chí lề phải – lề trái, tất cả báo chí đang hoạt động đều đã được cấp phép và quản lý đúng mực.

Công tác tuyên truyền phải kịp thời, đúng lúc, phù hợp thời lượng và đối tượng; không có vùng cấm thông tin và mỗi phóng viên, tờ báo phải chịu trách nhiệm về nội dung của mình. Đặc biệt, phải nêu cao chủ trương minh bạch, công khai, trách nhiệm và có tính xây dựng trong báo chí.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, TP cần chủ động và linh hoạt hơn nữa trong công tác quản lý mạng xã hội. Không phải vì tình hình mạng xã hội phức tạp mà chúng ta sợ nó. Ngược lại, ta phải tận dụng nó như một công cụ quản lý nhà nước hiệu quả, một kênh thông tin hữu ích để lắng nghe nhân dân.

Ông Nghĩa cho rằng việc khai thác triệt để những lợi ích và chủ động đối phó với những vấn đề tiêu cực trên các trang mạng xã hội còn cho thấy trình độ và bản lĩnh của một người Đảng viên, một người làm công tác quản lý nhà nước.

 
Chương trình Tọa đàm với chủ đề "Mạng xã hội và đời sống xã hội" do Sở TT&TT Đà Nẵng phối hợp với Da Nang TV thực hiện 
ghi nhận những trao đổi, chia sẻ sôi nổi, thẳng thắn của các vị khách mời và các bạn trẻ, hướng đến mục tiêu xây dựng mạng xã hội 
văn minh và người sử dụng thông thái. 
 


Đồng thời, ông cũng yêu cầu Sở TT&TT quản lý chặt chẽ các dịch vụ photocopy trong việc in ấn, phát hành những ấn phẩm, tài liệu ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung của TP và có hình thức xử lý vi phạm phù hợp.
 

Xuân Dương


Chuyên mục, tin tức liên quan:

chuyên mục tổng hợp

Quản lý nội dung HTML

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Trụ sở: Tầng 24, tòa nhà Trung tâm Hành chính, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3840123 - Email: stttt@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: Số 37/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 17/01/2017