Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Navigation Menu

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Chi tiết
Quản lý truyền thông…cũng là chuyện “làm dâu trăm họ”
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 22/02/2018 Lượt xem: 375

Đà Nẵng đã trở thành Trung tâm báo chí thứ ba của cả nước với 110 cơ quan báo chí hoạt động tại địa bàn. Trong đó, có 8 cơ quan báo chí địa phương, 102 cơ quan báo chí Trung ương (TƯ), bộ/ngành, hội, đoàn thể và địa phương khác có tòa soạn, đặt văn phòng đại diện (VPĐD), hoặc cử phóng viên thường trú.


Cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương sẽ "quản lý" như thế nào đối với các cơ quan báo chí Trung ương, bộ/ngành, hội, đoàn thể và địa phương bạn hoạt động tại địa bàn? Đã có ý kiến cho rằng, Sở "không đủ quyền" để quản lý VPĐD cơ quan báo chí TƯ, và ngay cả VPĐD cơ quan báo chí bộ/ngành, hội, đoàn thể và địa phương khác, cũng cần có sự thay đổi, điều chỉnh lại nội dung "quản lý" báo chí.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Trung tâm báo chí lưu động phục vụ Lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.

-Ảnh: T.N.


Chúng tôi đã trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng về một vấn đề cũng "rất thời sự báo chí": Quản lý báo chí như thế nào là "được phép" và theo xu thế phát triển ?

* Thưa ông, nhiều cơ quan báo chí TƯ có VPĐD tại Đà Nẵng là cơ quan ngang Bộ và trực thuộc Chính phủ (Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân và Truyền hình Quốc phòng..) hoặc thuộc TƯ Đảng (báo Nhân dân, kênh Truyền hình Nhân dân), thuộc Quốc hội (Kênh truyền hình Quốc hội). Các VPĐD khác hay Phóng viên thường trú có tòa soạn và cơ quan chủ quản ở địa phương khác; hay thuộc ngành, hội, đoàn thể ngoài Đà Nẵng. Vậy việc quản lý sẽ như thế nào là phù hợp thưa ông ?

Ông Nguyễn Quang Thanh:

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay có gần 1.000 người làm báo, trong đó, đã được cấp Thẻ Nhà báo gần 450 người (chiếm 45%), với số lượng VPĐD, phóng viên thường trú khá lớn.

Vấn đề được đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí của Đà Nẵng, là làm sao để báo chí là kênh thông tin bảo đảm sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp hiệu quả; báo chí là kênh truyền thông quảng bá hình ảnh phát triển của thành phố đến bạn bè quốc tế và người dân. Và báo chí, cũng là kênh thông tin phản ánh mọi mặt đời sống xã hội để người dân đồng hành cùng với những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển.
  
Do vậy, phải nhất quán với nhau rằng, cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn cũng như cơ quan quản lý nhà nước đều cùng thực hiện tốt các nội dung mà luật pháp đã quy định, cụ thể ở đây là Luật Báo chí năm 2016.

Đối với VPĐD, phóng viên thường trú của cơ quan Báo chí, điều 22 của Luật này cũng đã nêu rõ các quy đinh, yêu cầu về trụ sở, con người. Ở khoản 4 của điều 22 nêu rõ: "UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện hoạt động của VPĐD; trường hợp không đủ điều kiện, UBND cấp tỉnh  có văn bản yêu cầu cơ quan báo chí chấm dứt hoạt động của VPĐD và xử lý theo quy định của pháp luật".

Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về báo chí. Điều 6 của Luật Báo chí đã thể hiện rõ nội dung về quản lý nhà nước ở lĩnh vực báo chí; còn khoản 3 và 6 của điều 6 thì nêu rõ yêu cầu "Tổ chức thông tin cho báo chí"; "Quản lý thông tin của báo chí và cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động báo chí và Thẻ Nhà báo".

Nhìn chung, thời gian qua, việc quản lý báo chí trên địa bàn thành phố nói chung, trong đó có các VPĐD, phóng viên thường trú đã có sự phối hợp tốt trong công tác cung cấp thông tin hoạt động định kỳ như báo cáo về tổ chức hoạt động, con người, thay đổi địa điểm hoạt động của VPĐD, phóng viên thường trú …

Không riêng gì Đà Nẵng, bất kỳ địa phương nào trên cả nước cũng thực hiện chức năng quản lý như thế. Đơn cử dễ thấy nhất là một cơ quan báo chí muốn đặt VPĐD, VP liên lạc hay cử Phóng viên thường trú, thì đều phải thực hiện các yêu cầu thủ tục tại địa bàn đó mà luật pháp đã quy định.

Ngoài ra, trong quản lý nhà nước về báo chí chúng tôi cũng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Đây là quy định (thuộc điều 58 Luật Báo chí), không những thế, việc thanh tra còn nhằm hiện thực chủ trương tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, của UBND thành phố Đà Nẵng.

Năm 2017 Sở thực hiện thanh tra 3 cơ quan báo chí địa phương; rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các VPĐD, phóng viên thường trú; trong đó tham gia cùng Cục Báo chí của Bộ kiểm tra hoạt động của 10 VPĐD báo chí trên địa bàn thành phố.

Triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, năm 2017 vừa qua, Sở đã hướng dẫn, nhắc nhở và đảm bảo được rằng, "có hơn 92% các cơ quan báo chí" tuân thủ những quy định về hoạt động VPĐD. Sở cũng phối hợp đề xuất xử lý 4 trường hợp báo chí thông tin sai lệch; ban hành 6 văn bản đề nghị 9 cơ quan báo chí có VPĐD tại Đà Nẵng đảm bảo tuân thủ Luật Báo chí 2016 về điều kiện hoạt động của VPĐD.

 

Ông Nguyễn Quang Thanh phát biểu tại buổi làm việc của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông với cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí về hoạt động của VPĐD và Phóng viên thường trú độc lập của cơ quan báo chí (30/1/2018 tại Hà Nội).

- Ảnh: Xuân Lộc-Vietnamnet


* Sở đã và đang làm đúng theo luật định, tuy nhiên, từ phía các cơ quan báo chí, đang cộm lên vấn đề "Sở phải đổi mới quản lý nhà nước về báo chí", ông có "bắt mạch" được yêu cầu này xuất phát từ đâu và "đổi mới" là "đổi mới cái gì ?", thưa ông ?

Ông Nguyễn Quang Thanh:

Tôi hiểu vấn đề vừa qua có ý kiến đề nghị "xem lại nội dung quản lý và đổi mới phương thức quản lý", chính là muốn nói về "quản lý nội dung tin bài". Liệu Sở có thẩm quyền đề nghị, hay yêu cầu cơ quan báo chí đăng nội dung này, thông tin kia; hoặc "không nên đưa - không nên đăng" ; hoặc yêu cầu phải cải chính, đính chính,…

Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng không hề có sự áp đặt nào đối với các cơ quan báo chí. Chúng tôi phát hành khá nhiều văn bản thực thi vai trò quản lý nhà nước về báo chí, nhưng những văn bản này mang tính đề nghị hợp tác, hỗ trợ truyền thông; làm rõ những thông tin báo chí cần mang tính khách quan hơn; hoặc những vấn đề liên quan đến thành phố Đà Nẵng, rất cần bảo đảm tính chuẩn xác, cũng như phải rộng đường dư luận.

Ngoài những văn bản hành chính thì trong năm 2017 với tư cách là Thường trực Tổ Công tác thông tin báo chí thành phố, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố và phối hợp các sở, ngành, địa phương đã truyền đạt, chia sẻ công khai 80 lượt thông tin, thông cáo (liên quan nhiều lĩnh vực về kinh tế - xã hội của thành phố và các vấn đề dư luận quan tâm), đến các cơ quan báo chí trên địa bàn, góp phần giúp các cơ quan báo chí có thông tin kịp thời.

Tôi cho rằng đây là những thông tin hữu ích có giá trị. Chí ít các cơ quan báo chí cũng có nguồn tin tham khảo tin cậy hay những gợi ý cần thiết để hoạch định nội dung tin, bài.

Cũng có lúc chúng tôi rất thuận lợi và nhận được sự phối hợp để có ngay một thông cáo báo chí hay thông tin bước đầu. Nhưng nhiều thông tin cung cấp đến các cơ quan báo chí là cả một quy trình đề nghị, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan liên quan khác.

Chúng tôi cũng theo dõi thông tin báo nêu thông qua công tác Điểm báo hằng ngày. Qua đó, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị kịp thời phản hồi thông tin báo nêu. Và cũng qua công tác Điểm báo, đã kịp thời tham mưu xử lý nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố. 

Năm 2017, chúng tôi đã xử lý 7 trường hợp các phóng viên của VPĐD, phóng viên thường trú có liên quan đã vi phạm quy định thông tin trên báo chí.

Quan điểm của chúng tôi là không phân biệt báo TƯ hay báo địa phương, nếu thông tin đăng phát không chính xác, tác động không tốt đến nhận thức, thậm chí mở đường cho suy diễn sai lệch, bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm công dân, thì chúng tôi xử lý hoặc đề xuất xử lý.

Và như đã nói, trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, không riêng gì Đà Nẵng, nơi nào cũng vậy thôi, mọi hoạt động quản lý đều tuân thủ theo quy định của pháp luật để thực hiện, và mọi hoạt động quản lý cũng nhằm để báo chí đi đúng hoạt động với chức năng, tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.

 


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh (người ngồi bên trái, trên bàn chủ tọa) tham gia chủ tọa đoàn Hội thảo "Đạo đức Nhà Báo trong bối cảnh truyền thông hiện nay (trong dịp 21 tháng 6 năm 2017). Người đang phát biểu trên bục là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, ông Bùi Xuân.

-Ảnh: T.N


* Nhiều lần tại các cuộc họp, gặp gỡ, ông thường nói quản lý phục vụ phát triển, quản lý để tạo môi trường phát triển, điều này hiểu thế nào là đầy đủ nhất ?

Ông Nguyễn Quang Thanh:

Như tôi đã nói, chia sẻ thông tin, hỗ trợ cung cấp thông tin kịp thời và đa lĩnh vực cũng là một cách cơ quan quản lý từng bước tạo nên một môi trường chia sẻ thông tin nhanh nhạy, tính tương tác cũng đa chiều. Đó là quản lý theo xu thế tạo môi trường phát triển. Tính tương tác đa chiều ở đây rất cụ thể.

Năm 2017, từ công tác điểm báo, chúng tôi đã phát hiện các vấn đề được báo chí nêu (về thành phố Đà Nẵng) và được dư luận quan tâm. Từ đó, Sở đã kịp thời tham mưu UBND thành phố ban hành 40 công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị phản hồi thông tin báo nêu và đề nghị, phối hợp với các cơ quan phản hồi khoảng 650 lượt các vấn đề báo nêu.

Như vậy, Sở đã tạo kênh tương tác giữa cơ quan báo chí với cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng; khi cơ quan thẩm quyền, cơ quan chức năng trả lời cho cơ quan báo chí, cũng là trả lời cho độc giả, cho cử tri quan tâm. Nhiều sở, ngành, UBND quận huyện đã chủ động hơn trong cung cấp thông tin báo chí, từng bước cải thiện tình hình từ "đi sau vấn đề báo chí nêu", đến "đồng hành cùng báo chí". 

Sở cũng theo dõi sát các hoạt động, các sự kiện vừa cung cấp thông tin cho phóng viên, vừa phối hợp cấp thẻ, tham gia công tác quản lý và đã hỗ trợ gần 900 lượt phóng viên báo chí tác nghiệp tại 11 sự kiện mang tính chất quốc tế. Tổ chức thành công 3 giải báo chí về 3 chủ đề: APEC 2017, Thành phố 4 an, Thành phố môi trường. Sở cũng làm tròn trách nhiệm tham mưu tổ chức giao ban báo chí định kỳ; gặp mặt các cơ quan báo chí nhân Ngày 21 tháng 6, nhân dịp Tết cổ truyền,…

Qua phát động các Giải Báo chí năm 2017, (gồm: Giải báo chí tuyên truyền về chủ đề "Đà Nẵng – Thành phố Môi trường"; Giải bình chọn tác phẩm báo chí tiêu biểu về "Đà Nẵng - Thành phố 4 AN" và chủ đề "APEC - Đà Nẵng 2017"); chúng tôi đã nhận được 260 tác phẩm (bao gồm tác phẩm đơn và tác phẩm nhiều kỳ) tham gia dự thi.

Đông đảo anh chị em phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn thành phố cũng đã tham gia với đủ các thể loại, thể tài báo chí. Điều đó cũng cho thấy sự đồng hành, hưởng ứng của cơ quan báo chí trên địa bàn với cơ quan quản lý nhà nước trong một hoạt động có ý nghĩa đối với tạo môi trường, tạo sân chơi cho hoạt động báo chí. Một khi cùng chia sẻ, hưởng ứng và cùng đồng hành, cũng đồng nghĩa rằng chúng ta đã tạo dựng một môi trường tương tác lành mạnh, từ đó mỗi phía đều tìm thấy cơ hội phát triển của mình.

Năm 2018 này, Sở vẫn duy trì tổ chức các giải báo chí, các cuộc thi bình chọn tác phẩm báo chí tuyên truyền các chủ đề, chủ điểm lớn của thành phố đẩy mạnh chất lượng nội dung tuyên truyền trên báo chí.

 

 

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí (thứ ba, từ phải sang); Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam TP Đà Nẵng Mai Đức Lộc (thứ ba từ trái sang) trao giải Nhất và chụp ảnh lư niệm cùng các tác giả (ảnh chụp tại Lễ kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Trao Giải Báo chí TP Đà Nẵng 2016).

-Ảnh: T.Ngọc.


* Như vậy theo ông, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng không có gì phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về báo chí ?

Ông Nguyễn Quang Thanh:

Chưa bao giờ chúng tôi cho phép mình nghĩ như vậy. Trong nhiều lần đánh giá công tác quản lý về báo chí nói chung, lãnh đạo các cấp đều đánh giá: công tác quản lý báo chí chưa đáp ứng với thực tế hoạt động của báo chí hiện nay. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi lắng nghe, tiếp thu và đã sớm nhận thức rằng cần phải chỉnh sửa, đổi mới cho phù hợp.

Vừa qua, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo than phiền về tình trạng "đạo bài, đạo tin, đạo ảnh" của các Trang Thông tin điện tử (TTĐT); trích dẫn, sử dụng lại mà không xin phép cơ quan báo chí hay tác giả; có tình trạng Trang TTĐT hoạt động lập lờ như một cơ quan báo chí, nhìn vào thấy tràn ngập tin, bài, hình ảnh như một tờ báo nhưng thực ra, toàn là tin, bài hình ảnh dẫn lại, sao lại mà không hề được sự đồng ý, chấp thuận của bất kỳ ai.

Từ phản ảnh trên, chúng tôi đã rà soát (và hoàn tất công tác rà soát, thẩm định) hơn 8.500 Trang TTĐT của các tổ chức, cá nhân và Trang TTĐT có tên miền quốc tế trên địa bàn thành phố; phối hợp kiểm tra các Trang TTĐT có dấu hiệu vi phạm. Qua đó nhắc nhở 30 đơn vị chủ quản Trang TTĐT tổng hợp chưa có giấy phép hoạt động, đề nghị Cục Phát thanh - Truyền hình và TTĐT phối hợp xử lý tên miền vi phạm "yeudanang.org".

Sở cũng hướng dẫn các quy định của pháp luật về hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng; trình UBND thành phố ban hành Quyết định thành lập Tổ thẩm định nội dung trên trang TTĐT.

Năm nay, chúng tôi tiếp tục có đề xuất giải pháp cụ thể và phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý trang TTĐT và mạng xã hội trên địa bàn thành phố, nhằm bảo đảm 80% các trang TTĐT tổng hợp của cơ quan, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các quy định theo Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Song song, đẩy mạnh hơn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thông tin - Báo chí - Xuất bản; đảm bảo các cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Tôi cho rằng, điều này cũng góp phần tạo nên một môi trường phát triển bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh thông tin cao, mà cuối cùng là độc giả, là người dân được lợi. Nếu để một môi trường "bát nháo, lộn xộn" báo không ra báo, Trang TTĐT không ra Trang TTĐT; cơ quan báo chí không quản được phóng viên, không biết VPĐD của mình hoạt động như thế nào, thì sự nhiễu loạn ấy tác hại rất tiêu cực.

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết công tác 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018, tiếp thu ý kiến của đại diện cơ quan báo chí; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã giao Sở tham mưu và trình UBND thành phố ban hành nội dung đổi mới thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác báo chí. Sở đã và đang triển khai chỉ đạo này.

Điều tôi muốn nhấn mạnh và nhắc lại: Nếu cơ quan báo chí đưa thông tin không chính xác, sai lệch, suy diễn thiếu căn cứ và gây tác động xấu đến tư tưởng, tình cảm, thì dù là báo chí cấp nào đi chăng nữa, cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước công luận. Không có vùng cấm đối sai phạm, vi phạm trong lĩnh vực báo chí – truyền thông.

Xin cảm ơn ông.

 

Trần Ngọc thực hiện


Chuyên mục, tin tức liên quan:

chuyên mục tổng hợp

Quản lý nội dung HTML

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Trụ sở: Tầng 24, tòa nhà Trung tâm Hành chính, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3840123 - Email: stttt@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: Số 37/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 17/01/2017