Nhưng công nghiệp phần mềm Đà Nẵng bao giờ mới là ngành kinh tế mũi nhọn? Ngành công nghiệp này thời gian qua đã phát triển như thế nào? và đang gặp những cản ngại nào?
Đó là câu hỏi mà dư luận luôn quan tâm bởi Đà Nẵng liên tục 10 năm (2009-2018) dẫn đầu các địa phương trong cả nước về chỉ số về sự sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông (ICT Index), là địa phương được đánh giá có môi trường, điều kiện và ưu thế thu hút đầu tư, trong đó, có đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin.
ICTDanang chia sẻ đến độc giả loạt bài viết nhiều kỳ với kỳ vọng góp phần trả lời câu hỏi "Cần gì, làm gì và bao giờ công nghiệp phần mềm Đà Nẵng thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn ?"
|
Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đến thăm một doanh nghiệp phần mềm nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam và dành thời gian trò chuyện cùng kỹ sư trẻ. -Ảnh: T.N |
Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng: Nhận diện tầm vóc phát triển
Nhìn nhận về ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng, lâu nay nhiều ý kiến vẫn thiên về góc nhìn "chỉ mới gia công, nhận lại đơn hàng".
Điều này có cơ sở khi lĩnh vực gia công phần mềm (OutSourcing) tại Đà Nẵng, dù đang phát triển mạnh, nhưng đa phần là nhờ liên kết thông qua các Tập đoàn, công ty lớn. Doanh nghiệp nhỏ (chiếm số nhiều), chủ yếu thực hiện gia công lại, rất ít đơn vị đủ năng lực để hợp tác trực tiếp, hay nhận trực tiếp đơn hàng lớn với các công ty, tập đoàn mạnh trong nước, hay nước ngoài.
Tuy nhiên, sau nhiều năm "nỗ lực khẳng định mình", các doanh nghiệp phần mềm trên địa bàn Đà Nẵng từ chỗ chưa cung ứng cho thị trường nội địa nhiều sản phẩm vượt trội, tính cạnh tranh còn yếu; thì gần đây, đã có những doanh nghiệp bền bỉ với nỗ lực phát triển để "không thua chị, kém anh".
|
Tòa nhà số 2 Quang Trung (Công viên phần mềm Đà Nẵng đầu tiên được xây dựng) nhanh chóng được lấp đầy, kín diện tích, minh chứng cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng. -Ảnh: T.Ngọc. |
Thêm vào đó, làn sóng đầu tư mới, mở rộng địa bàn hoạt động từ những doanh nghiệp đã thành đạt ở địa phương bạn,…nay "hội tụ về Đà Nẵng – địa bàn còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm" – để cùng phát triển,… Ít nhiều đã làm nên diện mạo mới, khẳng định "thương hiệu phần mềm Đà Nẵng". Kết quả này cần được nhìn nhận và ghi nhận.
Nói đến các doanh nghiệp nhỏ, thì đến nay, "Phần mềm Kế toán Việt Đà (VietDa Accounting) là sản phẩm đã vươn ra phân phối toàn quốc. Ưu thế của VietDa Accounting là nhỏ gọn, rất dễ cài đặt, nhưng phù hợp với mọi lĩnh vực kinh doanh, dễ dàng tích hợp thêm các chức năng mở rộng theo yêu cầu quản lý từng đơn vị. Giá cả cũng hợp lý cho mọi doanh nghiệp.
Một ưu thế nữa là phần mềm này cho phép tạo và làm việc với nhiều dữ liệu, rất hiệu quả cho kế toán dịch vụ. Đặc biệt, VietDa Accounting phù hợp khi áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Phần mềm này hiện được sử dụng phổ biến ở miền Trung và bắc miền Trung (địa bàn có rất đông doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Chúng tôi còn phân phối và tích hợp miễn phí tất cả các loại hóa đơn điện tử vào phần mềm Việt Đà.
Khách hàng tùy ý lựa chọn giải pháp hóa đơn điện tử với các nhà cung cấp khác nhau. Phần mềm Việt Đà sẵn sàng thực hiện tích hợp miễn phí, cũng như liên thông dữ liệu với hệ thống hóa đơn điện tử.
Đây cũng là cách chúng tôi hỗ trợ thêm cho khách hàng sử dụng dịch vụ của Việt Đà, góp phần phát triển ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng.
Và sản phẩm này đã "có sức" cạnh tranh được với các đơn vị phần mềm lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh".– ông Nguyễn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Phần Mềm Việt Đà cho biết.
Ngoài phần mềm kế toán, Việt Đà còn có "Phần mềm Quản trị doanh nghiệp toàn diện Việt Đà (VietDa ERP); Phần mềm Bệnh viện điện tử Việt Đà (VietDa eHospital). Và một "sản phẩm rất cạnh tranh" là gói sản phẩm hóa đơn điện tử.
|
Ông Nguyễn Hậu nhận Giấy Chứng nhận Hội viên từ ông Phạm Kim Sơn - Chủ tịch DSA. |
-Ảnh: T.N. |
Trong số những doanh nghiệp là hội viên mới của Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng (DSA), đại diện Novaio cho biết, họ đang phát triển một số ứng dụng cho doanh nghiệp trong nước, nhất là yêu cầu chuyển đổi số.
Ở góc độ phát triển ứng dụng khác, Công ty TNHH MTV CNTT Thiết Kế Toàn Cầu (cũng là hội viên mới của DSA) lại đang triển khai một số ứng dụng (trên nền tảng web) hỗ trợ cho người khiếm thính, khiếm thị. Nổi bật nữa là ứng dụng Chatbot cho các cơ quan công quyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có thể trò chuyện với "viên chức ảo" bất kỳ lúc nào. Hiện doanh nghiệp đang tập trung (ứng dụng can thiệp trí tuệ nhân tạo – AI) trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Trong khí đó, Công ty TNHH MTV Tư vấn giải pháp công nghệ thông tin Toàn Cầu Xanh (sau đây gọi tắt là Toàn Cầu Xanh) lại đang đảm nhận (song song với các dự cho thị trường nội địa) khâu "tư vấn và triển khai các dự án Startup".
|
Sản xuất phần mềm tại Toàn cầu Xanh. |
-Ảnh: Hiếu Nguyễn. |
Theo ông Lê Trí Hải – Giám đốc Toàn Cầu Xanh, điều này giúp "chúng tôi có những kinh nghiệm để triển khai các startup của chính Toàn cầu Xanh tại Việt Nam, sau đó nhân rộng thêm mô hình".
Các sản phẩm tư vấn và triển khai mang "made in Đà Nẵng" của Toàn Cầu Xanh đang vươn ra thị trường thế giới có thể kể đến dự án về "AI nhận dạng" (đang hợp tác nghiên cứu và phát triển với đối tác Nhật Bản để triển khai cho nhiều khách hàng lớn tại Nhật Bản); "Dự án Roomi" – dự án khởi nghiệp với ý tưởng "dịch vụ tìm người ở cùng phòng/căn hộ". Roomi đã gọi vốn được 17 triệu USD và được xem là bước khởi đầu rất thành công ở New York.
Ngoài ra, còn có dự án cung cấp dịch vụ làm đẹp/salon về tóc (Swivel) hay Xây dựng và phát triển một mạng xã hội về ý tưởng (dự án Ideapod). 2 dự án này vẫn đang trong giai đoạn tư vấn, phát triển….
Thương hiệu phần mềm Đà Nẵng gắn với ứng dụng Chính quyền điện tử
Đà Nẵng là địa phương đi tiên phong trong xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển nhiều ứng dụng và công cụ trực tuyến để đưa dịch vụ công (ở nhiều cấp độ khác nhau) đến với tổ chức, doanh nghiệp và công dân chỉ qua những thao tác bấm chuột đơn giản.
Toàn Cầu Xanh - trên cơ sở là đơn vị triển khai thành công nhiều ứng dụng công nghệ thông tin cho chính quyền thành phố Đà Nẵng – 2 năm qua đã tập trung nguồn lực để nghiên cứu và xây dựng bộ giải pháp Chính quyền điện tử bao gồm các hợp phần về LGSP *, E-office (văn phòng điện tử) và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
"Hiện ngoài việc tiếp tục triển khai các dự án liên quan đến tích hợp và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho Chính quyền Đà Nẵng; Toàn Cầu Xanh chúng tôi chính thức là đơn vị triển khai hệ thống LGSP, E-office và 8 cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho các đơn vị thuộc tỉnh Quảng Nam và nhiều dự án tại Quảng Ngãi, Kon Kum. Sắp tới, Toàn Cầu Xanh tiếp tục tự hào là thương hiệu phần mềm Đà Nẵng đã vươn đến với Phú Yên, Hải Dương..." - ông Lê Trí Hải chia sẻ.
|
Ông Lê Trí Hải – Giám đốc Toàn Cầu Xanh, đón nhận lẵng hoa chúc mừng nhân Ngày Doanh nhân Việt nam từ Phó Giám đốc thường trực Sở Thông tin - Truyền thông Đà Nẵng, ông Trần Ngọc Thạch.. |
-Ảnh: Hiếu Nguyễn. |
Đúng là niềm tự hào lớn nhất, đáng hãnh diện nhất của ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng cho đến nay, chính là các ứng dụng dành cho Chính quyền điện tử.
Ở góc nhìn toàn cảnh, nhiều doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã có những sản phẩm/giải pháp ứng dụng Chính quyền/Chính phủ điện tử được sử dụng khá rộng rãi tai nhiều tỉnh thành trong cả nước. Có thể kể đến: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, Phần mềm Một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến,.. của Công ty cổ phần Tâm Hợp Nhất - Unitech; Nhóm Phần mềm Một cửa điện tử; Phần mềm Dịch vụ công trực tuyến; Phần mềm Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; Phần mềm Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và Phần mềm đánh giá cải cách hành chính và khảo sát mức độ hài lòng của Trung tâm công nghệ thông tin – Truyền thông Đà Nẵng (DNICT).
|
Đà Nẵng là địa phương đi tiên phong trong xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử,lấy Công dân - Doanh nghiệp và Tổ chức làm đối tượng trung tâm phục vụ. |
Trước sự phát triển nhanh chóng của nhiều dịch vụ trực tuyến, do các doanh nghiệp trên địa bàn cung cấp, phục vụ hệ thống thông tin Chính quyền điện tử; nhằm bảo đảm cho mọi giao dịch trực tuyến của Công dân - Doanh nghiệp và Tổ chức với cơ quan công quyền, Sờ Thông tin - Truyền thành phố đẩy mạnh bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Ảnh: Lãnh đạo Sở chính thức ký kết hợp tác với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng) bảo đảm ứng cứu sự cố thông tin và hệ thống trong mọi tình huống. -Ảnh: T.N. |
Đặc biệt các doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng ( trong đó có Chi nhánh DTT tại Đà Nẵng, hay Unitech,..) còn tiên phong phát triển "Phần mềm lõi Chính phủ điện tử trên nền nguồn mở ( Open eGov Platform)". Chính "Phần mềm lõi" này đã góp phần quan trọng , hình thành một cách bài bản "Hệ thống thống thông tin Chính quyền điện tử cho Đà Nẵng", từ năm 2013 và một số tỉnh thành trong cả nước tiếp theo sau đó.
"Cần khẳng định rằng, nhờ phát triển các ứng dụng Chính phủ/Chính quyền điện tử, một số doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã có chỗ đứng khá vững trên thị trường và đóng góp tích cực vào việc cung cấp các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước nhiều địa phương trên cả nước.
Và đây cũng là lực lượng nòng cốt giúp cho Đà Nẵng phát triển nhanh chóng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử của mình. Có thể dẫn chứng con số gần 900 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và mức 4 trong những năm qua" – ông Phạm Kim Sơn, nguyên Thành ủy viên, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Ứng dụng CNTT thành phố Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng nhấn mạnh.
Trần Ngọc
* LGSP: Là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh/thành phố (trực thuộc TƯ), chứa các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu, giữa các hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi một Bộ, ngành, địa phương; đồng thời, đóng vai trò trung gian phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ của Bộ, ngành, địa phương với các hệ thống bên ngoài; mô hình kết nối của LGSP theo kiến trúc Chính phủ điện tử của cơ quan cấp Bộ chủ quản hoặc kiến trúc chính quyền điện tử của cơ quan cấp tỉnh chủ quản phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.