TP Đà Nẵng sẽ có trên 300 điểm/nút giao thông lắp đặt camera thông minh, gồm 200 điểm mới + hơn 100 điểm hiện tại; hệ thống điều khiển giao thông cũng sẽ được mở rộng, nâng cấp. - Ảnh: T.N |
Trao đổi với ictdanang, Giám đốc Viettel Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành Chung cho biết như trên.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội – Viettel – cũng là doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin quốc phòng đầu tiên, chính thức ký kết hợp tác với UBNDTP Đà Nẵng trong xây dựng Thành phố thông minh, và đến nay, những nội dung hợp tác trong giai đoạn 1, đã được Viettel triển khai, hoàn thành đúng với tiến độ.
"Chúng tôi đã bắt đầu những nội dung của giai đoạn 2. Lợi thế lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực của Viettel, chúng tôi đang có gần 5.000 cán bộ-kỹ sư-chuyên viên bậc cao CNTT-Viễn thông. Đội ngũ này có khả năng giải quyết những vấn đề mà Đà Nẵng đặt ra trong bài toán Thành phố Thông minh" – ông Chung nói thêm.
Phó Giám đốc thường trực Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, ông Trần Ngọc Thạch cũng khẳng định: Trong giai đoạn 2, nội dung xây dựng "Thành phố Thông minh" của Đà Nẵng sẽ hướng đến xây dựng các kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành cho các ngành/lĩnh vực, đặc biệt sẽ triển khai sớm cho giao thông, du lịch, môi trường, nông nghiệp,..
Về Giao thông, UBND TP đã thống nhất nguyên tắc triển khai mở rộng hệ thống điều khiển giao thông và camera thông minh. Nâng tổng số điểm lên trên 300 (hơn 200 điểm mới + hơn 100 điểm hiện tại).
Đối với hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên đường phố; sẽ hiệu chỉnh tạo ra 7 "làn sóng xanh".
|
"Làn sóng xanh" là tại các nút đèn liền kề trên cùng 1 tuyến đường, người tham gia giao thông khi gặp một nút đèn đỏ (đầu tiên), song sau đó, có thể đi qua cùng lúc 3 nút đèn xanh kế tiếp. - Ảnh minh họa: T.N. |
Ông Trần Ngọc Thạch cũng cho biết, Đà Nẵng sẽ thành lập Trung tâm điều hành, giám sát Thành phố thông minh (dựa trên một số ứng dụng, hệ thống đang có: camera giám sát giao thông, camera giám sát an ninh, giám sát môi trường, Trung tâm thông tin dịch vụ công, an toàn thông tin, ...).
Trung tâm sẽ kịp thời ghi nhận, tổng hợp và luôn có thông tin/dữ liệu hiện trạng, đưa ra dự báo sớm về các chỉ số của đô thị (môi trường, thiên tai,..) , kinh tế -xã hội cũng như có giải pháp hỗ trợ xử lý khi cần thiết.
Hiện, ngành chức năng Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động Cổng An toàn vệ sinh thực phẩm TP (http://egov.danang.gov.vn/vsattp) hỗ trợ tra cứu diện rộng cho nhiều đối tượng: Cán bộ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP; các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các Chi cục và UBND các Quận, huyện; và Người dân.
Về môi trường, "Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm môi trường nước" trong năm 2018 đã nhân rộng thêm cho 4 hồ (29 tháng 3, Phước Lý, Bàu Tràm, Đò Xu) và đã có kế hoạch triển khai cho 4 hồ khác (Phú Lộc (Thanh Khê), Nguyễn Phước Tần (Cẩm Lệ), E2 (Cẩm Lệ), Xuân Hà A (Thanh Khê). Năm 2017, lắp đặt quan trắc thí điểm tại hồ Thạc Gián.
Đây là sản phẩm do Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC - đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) phát triển, làm chủ công nghệ và giá thành; phù hợp với môi trường tại Đà Nẵng.
Hệ thống thu thập các dữ liệu, giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm các chỉ số độ PH, độ oxy hòa tan, độ đục, nhiệt độ... và truyền dữ liệu về Trung tâm. Nếu xuất hiện ô nhiễm sẽ xử lý kịp thời, giảm thiểu khủng hoảng về ô nhiễm môi trường lan ra diện rộng.
"Quan điểm chủ đạo của Lãnh đạo TP Đà Nẵng về "Thành phố Thông minh" là: Mô hình quản lý đô thị, trong đó Công nghệ thông tin – Truyền thông được sử dụng như một công cụ, tham gia đắc lực nhằm giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại, dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý". Với Đà Nẵng, xây dựng Thành phố Thông minh là bước tiếp theo của xây dựng Chính quyền điện tử đã được triển khai thành công, hiệu quả" – ông Trần Ngọc Thạch phân tích thêm.
T.Ngọc