Chủ tịch Đà Nẵng giải đáp nhiều vấn đề "nóng" trong họp báo quý I/2018 - Anh: N.K |
Cân đối, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp
Vấn đề được nhiều phóng viên báo chí quan tâm đặt ra tại buổi họp báo tiếp tục liên quan đến chủ trương xử lý nhà máy thép DaNa-Ý, DaNa-Úc , Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết quyết định ban đầu của Ban Thường vụ Thành ủy TP Đà Nẵng là di dời dân ra khỏi khu vực này.
Trách nhiệm của hai nhà máy là đóng góp, hỗ trợ kinh phí di dời dân và đóng cửa theo lộ trình.Tuy nhiên, do vướng vấn đề bố trí tái định cư với số lượng lô đất rất lớn, đồng thời lại có hiện tượng người dân đến mua đất, thực hiện tách thửa để đón đầu cơ hội đền bù giải tỏa ở khu vực này. Nên lãnh đạo thành phố phải xem xét lại quyết định di dời dân.
Sau đó, thành phố quyết định dừng hoạt động nhà máy. Việc này được thực hiện trên cơ sở bàn bạc, trao đổi kỹ với 2 doanh nghiệp và đúng theo quy định, nhằm giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp. TP để cho 2 nhà máy hoạt động thêm 6 tháng nhằm giải quyết nguyên liệu tồn dư, hợp đồng với các đơn vị khác và xử lý ô nhiễm . Việc cho hai nhà máy thép hoạt động trở lại cũng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho cả nhà máy và cho ngân sách TP", Chủ tịch nhấn mạnh.
Đồng thời, UBND TP cũng đã thành lập tổ công tác phối hợp với đại diện hai nhà máy để thương thảo giải quyết vấn đề việc làm, các quyền lợi liên quan cho 1.500 lao động khi hai nhà máy chấm dứt hoạt động. TP cũng có chủ trương đóng cửa một số cơ sở nấu luyện thép gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn.
Về xử lý hiện tượng người dân mua đất, tách thửa đất xung quanh hai nhà máy thép để đón đầu cơ hội đền bù giải tỏa, UBND TP đã chỉ đạo Thanh tra làm rõ vấn đề này để xử lý trách nhiệm quản lý đất đai.
Chia sẻ thông tin về dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Lancaster Nam Ô), Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết nhà đầu tư đã nộp tiền đất từ lâu, nhưng do giải tỏa chậm trong 10 năm qua nên xảy ra các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã đồng tình, ủng hộ việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch của TP.
Hiện nay, Sở Xây dựng và nhà đầu tư (Công ty CP Trung Thủy) đang tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch dự án theo hướng tạo điều kiện tối đa cho sự tham gia của cộng đồng như: Mở các lối xuống biển; trùng tu, tôn tạo các di tích; nghiên cứu phục hồi, mở rộng làng nghề nước mắm Nam Ô; cải tạo, nâng cấp các khu vực dân cư lân cận hiện để phát triển làng du lịch, ranh giới giữa khu du lịch và khu dân cư hiện trạng sẽ được mở rộng ra và không có che chắn...
Trả lời câu hỏi về việc thu hồi lô đất ở đường Hải Phòng mà Vinafor chậm bàn giao mặt bằng để TP Đà Nẵng tiến hành mở rộng Trung tâm Tim mạch, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh cho biết quận đã ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ để giao mặt bằng thi công. Tuy nhiên, Công ty CP Vinafor cam kết tự tháo dỡ. Đến cuối tuần này nếu không tháo dỡ, quận Hải Châu sẽ cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP khẳng định lại, trong tháng 4/2018, đơn vị sẽ bàn giao mặt bằng, nếu không TP sẽ có những biện pháp hành chính để xử lý đúng quy định.
"TP Đà Nẵng đã nhận được văn bản Công ty Vinafor đề nghị xem xét lại quyết định cưỡng chế, thu hồi và bố trí khu đất khác để doanh nghiệp chuyển sang. Nhưng sau khi xem xét, đơn vị này chỉ hợp đồng thuê hàng năm, nên thành phố chỉ bồi thường thiệt hại chứ không cấp lại lô đất khác như phía Vinafor yêu cầu". Thành phố cũng đã có đề xuất gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ xem xét giải quyết vấn đề này, làm sao vừa được việc cho TP vừa được cho doanh nghiệp", Chủ tịch cho biết.
Ngoài ra, tại cuộc họp báo, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng đã trả lời các vấn đề "nóng" mà nhiều phóng viên báo, đài đặt ra như: Việc trùng tu và bảo tồn di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia thành Điện Hải, Xử lý tình trạng xây dựng trái phép ở Liên Chiểu; Mở rộng công viên APEC, Quy hoạch các bãi đỗ xe trên địa bàn TP, tình trạng biển Đà Nẵng đang bị ô nhiễm mấy tuần qua...
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm biển, Chủ tịch chia sẻ: "Do mật độ đô thị ven biển tăng, dân số đông cùng lượng du khách nhiều nên việc xả thải ra biển tăng là không tránh khỏi. Nếu trời không mưa, việc thu gom bình thường, không thấy mùi hôi. Nhưng nếu mưa lớn liên tục (như 3 ngày 6 đến 8-4 vừa qua), lượng mưa lên đến 56mm, sẽ khiến nước thải xả ra môi trường lớn, các trạm bơm không thể bơm hết trữ lượng nước dâng cao trong cống và vượt qua ngưỡng tràn, chảy ra bãi biển.
Trước tình trạng này, thành phố đang chuẩn bị cải tạo, nâng cấp cùng lúc 3 tuyến thoát nước mưa và thu gom nước thải là: tuyến cống và đường ống lưu vực Mỹ Khê, Mỹ An; phía bắc đường Phạm Văn Đồng; phía nam đường Hồ Xuân Hương sử dụng nguồn vốn vay của WB và ngân sách TP.
Đồng thời, TP cũng sẽ chỉ đạo tiến hành nạo vét, súc, hút toàn bộ hệ thống cống thoát nước của thành phố và đầu tư lắp đặt 1 máy lược rác tự động cho mỗi tuyến cống.
Thu hút 9 dự án đầu tư trong Quý I/2018
Theo báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý I của TP Đà Nẵng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp quý I/2018 ước tăng 8%, tăng thấp so với cùng kỳ 2017 và kế hoạch đề ra (tăng 9%), trong đó: công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 7,7%, sản xuất và phân phối điện tăng 4,5%, cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 26,6%, khai khoáng tăng 6,1%. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, bên cạnh đó, một số dự án đầu tư mới đang bước vào giai đoạn khai thác phát huy công suất.
Từ đầu năm đến nay, TP đã thu hút được 9 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 312,8 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 62 triệu USD, lũy kế đến nay đã thu hút được 10 dự án vào Khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 249,5 triệu USD, trong đó có 3 dự án FDI 100% vốn Nhật Bản và 7 dự án trong nước. Hiện nay, tại Khu công nghệ cao đã có 2 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác (van điện từ, khuôn đúc) đi vào hoạt động sản xuất, giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỷ đồng; 2 dự án đang triển khai xây dựng và 02 dự án sẽ khởi công vào cuối tháng 3/2018.
Dịch vụ du lịch tiếp tục được chú trọng phát triển, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng quý I/2018 ước đạt 1.690,7 nghìn lượt, đạt 22,6% kế hoạch năm, tăng 34,7% so với cùng kỳ 2017 (KH tăng 13,2%); trong đó: khách quốc tế ước đạt 819,4 nghìn lượt, đạt 30,3% kế hoạch năm, tăng 58,9%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 5.853,7 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch năm, tăng 58,7% (KH tăng 16%), trong đó doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 4.352,1 tỷ đồng (kể cả các chi nhánh trên địa bàn), tăng 12,9%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2018 ước đạt 376 triệu USD, đạt 22,8% kế hoạch, tăng 12,1% so với cùng kỳ 2017 (KH tăng 12-13%). Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực duy trì mức tăng trưởng khá. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2018 ước đạt 310 triệu USD, đạt 21,8% kế hoạch năm, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2017.
Hoạt động bưu chính - thông tin - truyền thông phát triển khá. Doanh thu toàn ngành thông tin - truyền thông quý I/2018 ước đạt 5.163 tỷ đồng, đạt 21,6% kế hoạch năm, tăng 7,0% so với cùng kỳ 2017; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 16,678 triệu USD, đạt 21,7% kế hoạch năm, tăng 23,5%.
Tiếp tục vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử, triển khai chữ ký số chuyên dùng tại các đơn vị; tăng cường công tác quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội trên địa bàn thành phố; triển khai xây dựng Quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn, tiến hành xử lý, kiểm tra thường xuyên các trạm BTS và cáp thông tin... TP đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025 và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, in và phát hành. Các cơ quan báo chí đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí; tích cực thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, sự kiện lớn của TP.
Hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước được chú trọng. TP đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, lũy kế đến nay thành phố có 317 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 89.670 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, TP có 27 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký là 7,29 triệu USD, đạt 97% so với cùng kỳ 2017; 2 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 12,73 triệu USD, tăng 17 lần so với cùng kỳ 2017; 6 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua cổ phần, phần vốn góp và góp vốn vào tổ chức kinh tế với tổng vốn đăng ký 12,98 triệu USD, đạt 74% so với cùng kỳ 2017. Tổng vốn đầu tư FDI trong quý I/2018 TP thu hút được 33 triệu USD, tăng 128% so với cùng kỳ 2017. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 577 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,062 tỷ USD.
Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được tăng cường, thường xuyên tổ chức ra quân, tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm. Từ ngày 16/12/2017 đến 15/3/2018, trên địa bàn TP xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường bộ (giảm 10 vụ so với cùng kỳ 2017), làm chết 13 người (giảm 03 người), bị thương 18 người (giảm 02 người) và xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 1 người (tăng 1 vụ và 1 người chết).
Nguyên An