Hội thảo tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã trao đổi, cung cấp thông tin về Thông tư số 09 của Bộ TT&TT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em; yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
|
Bà Trịnh Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Phát thanh, Truyền hình - Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử phổ biến nội dung của Thông tư số 09. |
Bên cạnh đó, BTC cũng cung cấp thông tin về Thông tư số 18 của Bộ TT&TT quy định về danh mục kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; Thông tư số 37 quy định về quy trình, thủ tục, trách nhiệm tổ chức thực hiện và công bố số liệu đo lường khán giả truyền hình phục vụ đánh giá hiệu quả nội dung truyền hình; Giới thiệu về Dự án đo lường định lượng khán giả truyền hình.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh: Đây là các thông tư có nội dung quan trọng, đối với Thông tư số 09, Bộ đã đưa ra những khuyến cáo rõ ràng đối với những loại chương trình cần cảnh báo nội dung không phù hợp cho trẻ em trên các loại hình báo chí. Nội dung này đã được các nước tiên tiến áp dụng thực hiện từ khá lâu.
|
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử phát biểu tại hội thảo. |
Một nội dung quan trọng thứ hai là về danh mục các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu và các quy định về số liệu đo lường khán giả truyền hình. Nội dung này phục vụ đánh giá tỉ lệ người xem truyền hình, từ đó kết luận về phương thức quảng cáo hiệu quả trên truyền hình.
Cũng trong chiều cùng ngày, BTC đã tập trung phổ biến riêng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin điện tử. Tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã trao đổi về Thông tư số 17 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động và Thông tư số 08 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư số 17 của Bộ TT&TT.
Thông tư này quy định về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động tại Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, doanh nghiệp viễn thông di động.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ: Mục đích của thông tư này là bảo vệ quyền lợi của người sử dụng bởi vì hiện nay rất nhiều các dịch vụ nội dung cung cấp tới khách hàng mà thuê bao không biết. Khi chúng tôi xây dựng thông tư 08 là đã cố gắng để làm sao hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin. Có những dịch vụ không hiện lên phần thông báo tra cước của nhà mạng và chỉ khi khách hàng kiểm tra trên hóa đơn của thuê bao trả sau thì mới phát hiện ra. Còn với trường hợp thuê bao trả trước thì chắc chắn sẽ không phát hiện ra.
Vì vậy thông tư này yêu cầu tất cả các nhà mạng phải thông báo cho người sử dụng rằng hiện nay họ đang đăng ký dịch vụ gì và khi thanh tra kiểm tra phát hiện nhà mạng có trừ tiền mà không thông báo cũng như không thực hiện các bước để thông báo cho đúng quy định thì sẽ bị xử lý.
|
Ngoài ra, Phó Cục trưởng, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, ông Lê Quang Tự Do cũng đã phổ biến, trao đổi về Thông tư số 38 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.
Thông tư này quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, các đơn vị này phải phối hợp với Bộ TT&TT để xử lý thông tin vi phạm theo quy định.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ TT&TT đã nhận rất nhiều đơn kêu cứu từ người dân về thông tin xúc phạm, bôi nhọ, đơn thư từ các doanh nghiệp về việc bị xuyên tạc. Theo thống kê mới nhất, có 53 triệu tài khoản facebook tại Việt Nam (khoảng 30-35 triệu người dân dùng facebook). Số lượng tài khoản YouTube cũng rất lớn. Phó cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cũng nhấn mạnh, những trang facebook hay website mang tên lãnh đạo Đảng, nhà nước hiện đều là giả mạo.
Về hành vi sai phạm trên mạng xã hội phổ biến nhất gồm: Tuyên truyền chống phá nhà nước của các thế lực thù địch; xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, của tổ chức khác; quảng cáo các mặt hàng, hành vi sai phạm.
Đặc biệt, ông Lê Quang Tự Do cũng nhấn mạnh: Người dân Việt Nam có quyền thừa hưởng mọi thành tựu công nghệ thông tin của nhân loại, nhưng phải đảm bảo rằng việc thụ hưởng đó phải an toàn và lành mạnh. Hiện nay có nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống chế độ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Chúng ta tìm mọi cách để ngăn chặn hành vi này chứ không phải ngăn chặn mạng xã hội.
Thanh Lan