Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí làm Trưởng Đoàn, vừa trở về đất liền sau hải trình dài 10 ngày (từ ngày 20-29/5/2017), trên con tàu KN-491, với rất nhiều cung bậc cảm xúc, tự hào, phấn khởi, khâm phục, yêu thương, trân trọng…
Tham dự cùng đoàn công tác có cả các phóng viên, biên tập viên, Lãnh đạo các cơ quan truyền thông, báo chí của thành phố Đà Nẵng. Chính họ là những người đã bám sát mọi hoạt động của đoàn, để kịp thời gởi về đất liền những thông tin, hình ảnh chân thật, thiêng liêng, những khoảnh khắc thắm tình quân, dân từ biển đảo xa xôi.
Trường Sa gần lắm qua những trang báo
"Tháng Năm Trường Sa" là tên phóng sự ảnh đầy xúc động của tác giả Thái Hà, được đăng trên Trang thông tin điện tử Đảng bộ TP Đà Nẵng trong ngày đầu tháng 6 vừa qua.
Hơn 50 tấm hình như một thước phim quay chậm, ghi nhận trọn vẹn hải trình vượt trùng khơi đến với các điểm đảo của đoàn công tác, cũng như những khoảnh khắc gặp gỡ, sẻ chia nồng ấm tình quân dân và cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ngập tràn sức sống nơi biển đảo xa xôi.
|
Biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc hiện ra gần gụi và thân thương qua phóng sư ảnh "Tháng Năm Trường Sa". |
Nơi ấy, có nắng, có gió, có khói hương thiêng liêng, có vị mặn mòi của nụ cười lính đảo, có giọt nước mắt rưng rưng cảm phục của người dân đất liền, có cánh hải âu tung bay giữa trời, những vườn rau bé nhỏ đơn sơ xanh lên màu hy vọng, có lời ca, tiếng hát chân chất, mộc mạc, những phút giây lặng im vì nghẹn ngào ngập đầy trong tim người ở, người đến…
"Trước đây, luôn mơ ước được đặt chân đến Trường Sa để thoả mãn đam mê được dấn thân vào những nơi đầu sóng ngọn gió. Sau khi từ Trường Sa về, suy nghĩ hoàn toàn khác. Đi là để yêu Tổ quốc mình hơn, đi để cảm nhận những khó khăn, vất vả, sự kiên cường và bản lĩnh của những người lính đảo; đi để cảm nhận tình người nơi gian khó…", phóng viên Thái Hà chi sẻ sau chuyến đi.
Phóng sự "Tiếng hát qua sóng bộ đàm giữa biển trời Trường Sa" lại được phóng viên Sơn Trung của Báo Đà Nẵng thực hiện ngay trong những ngày lênh đênh trên biển cùng đoàn công tác. Mỗi dòng chữ, mỗi bức hình vì thế đều đong đầy cảm xúc, chạm đến trái tim người đọc bằng những cảm xúc chân thật, thiêng liêng nhất.
Câu chuyện kể về một hoạt động đáng nhớ trong chuyến đi, vào ngày 27/5/2017, tàu Kiểm ngư 491 đưa đoàn công tác thành phố Đà Nẵng cùng đoàn công tác số 15 của Trung ương đến Nhà giàn DK1/14 Tư Chính từ 4 giờ sáng.
Theo kế hoạch, sau lễ tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc, các thành viên trong đoàn sẽ được lên Nhà giàn DK1/14 thăm cán bộ, chiến sĩ của Vùng 2 Hải quân đang đóng giữ ở đây.
|
Những khoảnh khắc xúc động, thắm tình quân dân được ghi lại qua ống kính của phóng viên Báo Đà Nẵng. |
"Tuy nhiên, trời bỗng nổi dông gió làm biển động cấp 5, cấp 6 kéo dài cho đến tận 14 giờ chiều ngày cùng ngày. Với độ cao con sóng gần 2m, không an toàn cho việc đưa người lên nhà giàn dẫu từ chỗ neo tàu đến chân nhà giàn chỉ gần 1.000m, người 2 bên đều thấy nhau nhưng những con sóng đã làm cách trở cuộc gặp gỡ.
Trời dông gió đã ngăn đoàn công tác lên Nhà giàn, nhưng không ngăn được đoàn giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn qua sóng bộ đàm bằng những bài ca về tình yêu biển, đảo, về người lính và khát vọng tuổi trẻ.
Nước mắt đã rơi trên má những người cha, chú, người mẹ, chị và những người trẻ trong buổi giao lưu", phóng viên Sơn Trung bồi hồi nhớ lại giây phút đầy cảm động ấy.
Phóng viên Thái Hà cũng đã có những dòng chia sẻ nghẹn ngào trong nhật ký chuyến tác nghiệp của mình về khoảnh khắc này: "Sau bao nhiêu kiềm nén cảm xúc mỗi lần đặt chân lên các điểm đảo trong suốt hải trình để có thể tác nghiệp nhanh, cuối cùng vẫn phải bật khóc với hình ảnh giao lưu với những cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1 qua điện đàm trong cabin tàu KN 491, vì lý do thời tiết không thuận lợi, dù đoàn công tác đã ở rất gần các anh. Sẽ nhớ mãi từng khoảnh khắc quý giá của chuyến công tác đặc biệt về với Trường Sa…"
Xuyên suốt chuyến đi, với sự hỗ trợ của đội ngũ phóng viên, biên tập ở đất liền, vượt qua những khó khăn về điều kiện tác nghiệp, kết nối thông tin, những hình ảnh xúc động về lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc; đoàn công tác đến thăm cán bộ, chiến sĩ đảo chìm Đá Lát; hoạt động trao quà cho quân và dân đảo Trường Sa lớn…đều được đăng tải liên tục trên Báo Đà Nẵng, mang về đất liền hơi thở nóng hồi từ biển đảo xa xôi mà lại rất gần gũi, thân thương trong tâm tưởng, nghĩ suy của mỗi bạn đọc.
Bên cạnh những tác phẩm báo viết, Nhà báo Hồng Quang Năm, Phó Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng (DRT) và phóng viên Lâm Hữu Việt cũng đã tác nghiệp liên tục không ngừng nghỉ suốt chuyến đi để dựng nên một tác phẩm truyền hình dài kỳ mang tên "Ký sự Trường Sa".
"Chỉ khi vượt hàng trăm hải lý, chạm vào Trường Sa, và chỉ khi nghe Tiến quân ca cất lên trên đảo, ta mới thấu sự linh thiêng của hai từ Tổ Quốc", lời tựa cho ký sự ngắn gọn nhưng chất đầy cảm xúc của những phóng viên DRT trở về từ Trường Sa, và cả ê kíp dựng phim, biên tập cũng như toàn thể đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của Đài.
Ký sự được khởi phát trên chuyên mục "Chào ngày mới" của DRT từ ngày 31/5/2017, lần lượt kể với bạn đọc những câu chuyện ấm áp về Trường Sa thân yêu, những câu chuyện mà như nhà báo Hồng Quang Năm chia sẻ "Đó là sự khâm phục, là tình yêu thương, là những bất ngờ ngoài tưởng tượng với bất kỳ ai chưa một lần đặt chân đến những hòn đảo thiêng liêng, nơi đầu sóng ngọn gió".
|
Nhà báo Hồng Quang Năm cũng chính là người dẫn chuyện và trực tiếp phỏng vấn nhân vật xuyên suốt các tập của "Ký sự Trường Sa". |
"Ký sự Trường Sa" với mỗi tập là một câu chuyện về những điểm đảo, nơi đoàn công tác đến thăm và giao lưu trong suốt hải trình. Từ đảo Đá Lát, Trường Sa lớn, Trường Sa Đông đến đảo Đá Tây, Đá Đông, Tiên Nữ…Điểm đến nào cũng cũng tràn ngập tiếng hát, nụ cười, những cái nắm tay bịn rịn và cả những giọt nước mắt.
Đằng sau mỗi thước phim, mỗi câu chuyện, có thể cảm nhận rất rõ ràng tình yêu và tâm huyết của những người làm báo. Từng chi tiết nhỏ, từng khuôn hình đẹp được các anh nâng niu ghi nhận trọn vẹn dù thời gian ghé thăm mỗi điểm đảo rất hạn hẹp, lại tác nghiệp giữa biển khơi nhiều sóng và gió. Rồi những khi cả đoàn đã nghỉ ngơi sau một ngày dài thấm mệt, các anh vẫn chong đèn ngồi viết để kịp ghi lại tất cả những cảm xúc mà không dám bỏ lỡ một phút giây nào.
Có lẽ chính từ tâm huyết, tinh thần tác nghiệp hết mình ấy, mà từng tập của Ký sự khi đến với khán giả truyền hình đều còn nguyên hương vị mặn mòi, thấm đẫm chân tình của biển cả và những người lính đảo ngày đêm canh gác cho Tổ quốc, truyền đi rất nhiều cảm hứng và động lực, khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tin vào cuộc sống trong biết bao người.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, cũng là một thành viên của đoàn công tác đến với Trường Sa lần này, đã bày tỏ sự khâm phục dành cho các phóng viên khi trực tiếp chứng kiến quá trình tác nghiệp của họ tại Trường Sa.
|
Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm tại - Ảnh: Thái Hà |
"Giữa muôn vàn khó khăn về điều kiện thời tiết, sinh hoạt, đi lại, mạng viễn thông – cầu nối quan trọng để đội ngũ phóng viên truyền tin về đất liền cũng chập chờn, không ổn định, song mỗi phóng viên đều ý thức rất cao về nhiệm vụ của mình, và hơn hết từ tình yêu dành cho biển đảo quê hương, đã làm việc hết sức mình, hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt hải trình dài và dừng chân tại rất nhiều điểm đảo.
Đặc biệt, trong đoàn có nhiều phóng viên là nữ, song với tinh thần "Vì Hoàng sa, Trường sa thân yêu", họ vẫn là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, không một chút yếu đuối, e sợ trước sóng gió biển khơi", ông Nguyễn Quang Thanh chia sẻ.
|
"Tháng Sáu, có nỗi nhớ gửi lại nơi đảo xa. Nhớ những ngày nắng mang mùi biển mặn. |
An Bình thực hiện
Bài viết có sử dụng tư liệu và hình ảnh từ Báo Đà Nẵng,
Trang thông tin điện tử Đảng bộ TP Đà Nẵng, DRT