Điều có ý nghĩa đặc biệt đối với Quận Liên Chiểu, địa bàn được chọn thí điểm ứng dụng nhiều mô hình TP Thông minh hơn, là từ các ứng dụng này, Liên Chiểu sẽ có cơ hội phát triển ngang bằng với các Quận khác trên địa bàn TP.
Chiều ngày 31/5, Phó Chủ tịch thường trực UBNDTP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có buổi kiểm tra tại Trung tâm Y tế Quận Liên Chiểu, liên quan đến công tác sẵn sàng số hóa đồng bộ thông tin khám chữa bệnh từ 0giờ ngày 1/6/2017.
|
Phó Chủ tịch thường trực UBNDTP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng rất quan tâm đến các tham số thông tin nhập liệu. Ông cho rằng vấn đề quan trọng là chọn các dữ liệu thực sự cần thiết, để sau đó, tiếp tục sử dụng, phục vụ điều trị tích cực hơn cho người bệnh. |
Như ICT Đà Nẵng đã thông tin, cùng với Trung tâm Y tế Quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Y tế Quận Liên Chiểu, sẽ áp dụng (từ 1/6/2017), một phần mềm quản lý tích hợp nhiều tính năng đáp ứng nghiệp vụ khám chữa bệnh ở quy mô Trung tâm Y tế cấp Quận, huyện và Bệnh viện (tuyến Quận, huyện) như: Nhập hồ sơ, quản lý hồ sơ khám và chữa bệnh nội trú, ngoại trú; Quản lý các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; Quản lý Dược; Nghiệp vụ quản lý hành chính (khoa, phòng, nhân viên..), cho phép thực hiện thanh toán và liên thông thông tin BHYT, thanh toán viện phí; Quản lý báo cáo, thống kê;...
Là đơn vị đưa vào ứng dụng sau Trung tâm Y tế Quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Y tế Quận Liên Chiểu đã đề nghị Tập đoàn Viettel bổ sung thêm 38 chức năng ưu tiên trong phần mềm, bảo đảm phần mềm mới sẽ giúp Trung tâm làm tốt công tác quản lý nghiệp vụ, nhất là phục vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
"Chúng ta phải đi từng bước. Bắt đầu là hồ sơ khám chữa bệnh điện tử, sau đó là Trung tâm Y tế điện tử, rồi Trung tâm Y tế thông minh, có như vậy, mới tiến đến thông minh hơn. Làm gì thì làm cũng phải ưu tiên hàng đầu là chúng ta sẽ khám chữa bệnh tốt hơn, hiệu quả hơn đối với người bệnh và nâng cao năng lực quản lý của Trung tâm, góp phần chia sẻ, liên thông thông tin, dữ liệu đến các đơn vị trong ngành. Và việc chia sẻ này cũng chỉ để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân" - Phó Chủ tịch thường trực UBNDTP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
|
Từ 0g ngày 1/6/2017, các Y Bác sỹ và nhân viên điều dưỡng làm việc tại Trung tâm Y tế Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng sẽ giảm dần việc ghi tay vào hồ sơ như thế này ... |
Một trong những ưu tiên của việc số hóa đồng bộ thông tin khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng là thí điểm nghiệp vụ quản lý ID bệnh nhân. Theo đó, khi vào viện, người khám-chữa bệnh xuất trình Thẻ Bảo hiểm y tế; nhân viên sẽ dùng thiết bị quét mã vạch trên Thẻ và ghi nhận cùng với Số Thẻ. Số Thẻ chính là ID khi có nhu cầu khám chữa bệnh suốt đời của người bệnh (trừ trường hợp có điều chỉnh).
Việc sử dụng ID mang theo nhiều tiện ích như thuận tiện trong liên thông thông tin (phục vụ theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị); quản lý được việc khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế (tránh được tình trạng lợi dụng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã xảy ra ở một số địa phương; trong đó trường hợp cá biệt vừa được phát hiện và công bố trên báo chí: 1 người trong 6 tháng đi khám bảo hiểm y tế... 319 lần - T.N), …
Hết lòng hỗ trợ để Trung tâm Y tế Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, sớm đưa phần mềm ứng dụng chuyên ngành vào khai thác đúng tiến độ mà UBND TP đã duyệt; Sở Thông tin và Truyền thông TP đã trang bị "nóng" 12 máy tính cho đơn vị, trong lúc chờ quy trình và kết quả đấu thầu mua sắm.
"Nhìn chung, tính đến ngày hôm qua, 30/5/2017; về cơ bản, phần mềm HIS.ONE của Viettel đã đáp ứng luồng nghiệp vụ chính tại đơn vị chúng tôi, bảo đảm rằng, từ 0giờ ngày 1/6/2017, Trung tâm Y tế Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng bắt đầu thực hiện số hóa đồng bộ thông tin khám chữa bệnh" – Bác sỹ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Được biết, với sự hỗ trợ từ phía Viettel, Trung tâm Y tế Quận Liên Chiểu cũng đã nhập liệu được 30% hồ sơ khám chữa bệnh song song vào 2 hệ thống (gồm HIS.ONE của Viettel và hệ thống đơn vị đã sử dụng trước đó). Kể từ 0giờ ngày 1/6/2017, công tác số hóa đồng bộ dữ liệu, thông tin sẽ chính thức diễn ra trên hệ thống mới và tiếp tục kế thừa dữ liệu trước đó đã nhập vào.
Từ mô hình của 2 Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu, các ứng dụng này sẽ được triển khai lan tỏa khắp các Trung tâm Y tế còn lại của TP Đà Nẵng, và đây là cơ sở dữ liệu nền tảng rất quan trọng của Ngành Y tế TP, khởi đầu cho các ứng dụng nâng cao trong giai đoạn kế tiếp.
Quyết tâm triển khai thành công Tuyển sinh trực tuyến năm đầu tiên tại địa bàn Liên Chiểu
|
|
|
*Trước đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có buổi kiểm tra kết quả triển khai "Phần mềm tuyển sinh trực tuyến", lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn Liên Chiểu và áp dụng ngày cho công tác tuyển sinh vào tháng 6 đến (sau khi Hội đồng tuyển sinh Quận thống nhất kế hoạch, tiêu chí, các quy định liên quan).
Báo cáo với lãnh đạo TP, chuyên viên phụ trách xây dựng Phần mềm nói trên của Tập đoàn Viettel cho biết, phần mềm đáp ứng được các chức năng cơ bản như giúp phụ huynh chọn Trường đúng tuyến cho con em mình; cấp định danh cho học sinh hỗ trợ cho công tác theo dõi suốt quá trình học tập của các em, kể cả khi các em phải chuyển trường, việc quản lý, theo dõi kế thừa cũng rất dễ dàng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chỉ đạo, cần nâng cấp bổ sung thêm chức năng tự động xếp lớp sau khi các cháu học sinh đủ điều kiện và được tuyển vào Trường. Điều này thể hiện tính khách quan và cũng tránh tình trạng "chạy lớp, xin vào lớp này, lớp kia" gây khó xử và khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, Viettel phải tiếp tục cùng Phòng Giáo dục-Đào tạo Quận và các Trường đưa ra các tình huống giả định để tiên lượng tình hình năm đầu tuyển sinh trực tuyến, có ngay biện pháp, giải pháp cho từng tình huống.
Ví dụ vấn đề xử lý hồ sơ: Nội dung đăng ký trực tuyến không khớp với bản gốc, thì cập nhật sửa chữa như thế nào ? Phải làm nhịp nhàng để vừa bảo đảm quyền lợi cho các cháu, vừa đúng với kế hoạch tuyển sinh.
|
Hiệu trưởng các trường đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, để công tác tuyển sinh trực tuyến năm đầu thực hiện tại Liên Chiểu hiệu quả như mong đợi. |
|
Đặc biệt, đây là năm đầu tiên triển khai tuyển sinh trực tuyến tại địa bàn Liên Chiểu, nên UBND Quận phải tổ chức tuyên truyền rộng khắp để nhân dân biết và phải tạo điều kiện tốt nhất để phụ huynh thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho con em mình. Nếu tuyển sinh trực tuyến mà trục trặc, khó khăn hơn so với tuyển sinh như trước, thì chắc chắn, người dân, các bậc phụ huynh sẽ không mặn mà.
Và hai việc mà UBND Quận, Phòng Giáo dục-Đào tạo Quận cùng làm ngay làm sớm, đó là: Tổ chức Hội nghị chuyên đề tuyển sinh, quyết định các tiêu chí cụ thể về địa bàn (phường, tổ dân phố) nào thì vào học đúng tuyến (đúng là ở Trường nào) ; quy mô tuyển sinh cho phép (của Trường …..) cụ thể là bao nhiêu ? số lượng đúng tuyến nhưng dôi dư vì không đủ chỗ tính toán như thế nào là phù hợp ?
Muốn vậy, mỗi trường phải thành lập 1 Tổ Công tác chuyên trách về vấn đề này, điều động thêm các thầy, cô giáo tham gia. Năm nay, năm đầu tiên sẽ khá vất vả, nhưng năm sau thì chắc chắn là ổn. UBND TP khi chọn địa bàn Liên Chiểu để từng bước áp dụng các mô hình của TP Thông minh là có ý muốn đưa Liên Chiểu phát triển ngang bằng với các Quận, huyện khác trên địa bàn.
UBND Quận, Phòng Giáo dục - Đào tạo Quận và Hiệu trưởng các Trường cần hết sức cố gắng cho lần đầu tiên, triển khai cách làm mới trong tuyển sinh tại địa bàn Quận nhà.
T.Ngọc thực hiện