Chiều nay (26/5), tại Đà Nẵng, Thành uỷ Đà Nẵng, Bộ TT&TT đã phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề "Dữ liệu số - Thách thức và Định hướng", nhằm đánh giá, tiếp thu và chia sẻ những kinh nghiệm từ công tác chuyển đổi số tại các địa phương, bộ, ngành, để từ đó, góp phần định hướng chiến lược chuyển đổi số tại TP, nhất là góp phần xây dựng Đề án Chuyển đối số nói riêng và triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng nói chung.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - cho biết: Nhằm "Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN", TP Đà Nẵng đã xác định cách tiếp cận chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính: Hạ tầng - dữ liệu - ứng dụng thông minh. Trong đó, hạ tầng, dữ liệu là cơ sở, nền tảng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.
"Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chuyển đổi số là "động lực", là "chìa khóa" quan trọng để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới" - ông Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Cũng theo ông Triết, với sự nỗ lực vượt bậc, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP với tỷ lệ ngành công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của TP.
Xã hội số từng bước hình thành và phát triển, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân, góp phần đưa thành phố Đà Nẵng 2 năm liên tiếp xếp hạng nhất Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc"; 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; chứng nhận Cơ quan nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Diễn đàn Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam…
Ông Triết cho rằng so với mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra, công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn TP hiện nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực..., nhất là dữ liệu số hiện nay của TP còn rời rạc, chưa đảm bảo độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp; việc chia sẻ dữ liệu còn hạn chế.
Chính vì vậy, hội thảo là cơ hội để Đà Nẵng nhận diện cụ thể các rào cản; lắng nghe các ý tưởng, tư vấn, hiến kế và đề ra các định hướng, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giúp Đà Nẵng triển khai hiệu quả mô hình chuyển đổi số. Nhất là tìm ra giải pháp "khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới", để cơ sở dữ liệu thật sự là đầu vào của nền kinh tế số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như chủ đề chuyển đổi số năm 2023 của TP Đà Nẵng.
Chuyển đổi số là hành trình liên tục, lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển. Trên hành trình đó, để chuyển đổi số thành công, yêu cầu tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo. Quan trọng nhất là cần có sự tham gia, ủng hộ không chỉ từ hệ thống chính quyền Đà Nẵng, mà còn từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và người dân"- Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng chia sẻ.
Theo Ban tổ chức, năm 2023, Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số lựa chọn là "Năm Dữ liệu số quốc gia" và đã ban hành kế hoạch hoạt động chuyển đổi số. Trong đó, giao nhiệm vụ trực tiếp cho TP Đà Nẵng tổ chức mô hình TP chuyển đổi số điển hình đồng bộ, toàn diện trên 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
"Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới" là chủ đề chuyển đổi số năm 2023 của Đà Nẵng với Kế hoạch hành động cụ thể. Đà Nẵng đặt mục tiêu sẽ ban hành danh mục CSDL dùng chung TP; 100% sở, ngành, địa phương có danh mục CSDL chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý; có kế hoạch về dữ liệu mở, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở… Đặc biệt, 100% bệnh viện tuyến tỉnh trở lên triển khai giải pháp truyền tải dữ liệu hồ sơ sức khoẻ và dữ liệu khám, chữa bệnh của người dân tới Kho dữ liệu TP và Bộ Y tế.
Về mục tiêu Chính quyền số, năm 2023, Đà Nẵng sẽ đạt tỷ lệ 100% dịch vụ hành chính công đủ điều kiện mức độ 4; kinh tế số chiếm 20% trong tỷ trọng GRDP; công nghiệp ICT chiếm 14% GRDP; 100% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% hộ gia đình có internet băng thông rộng; 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng; 100% người dân có mã ID y tế và hồ sơ sức khoẻ điện tử; 5G phủ 20% TP…
Theo viettimes.vn