Tính đến ngày 26/11, đã có 690/763 dịch vụ công (DVC) phát sinh hồ sơ trực tuyến, chiếm tỷ lệ 90,43% trong tổng số DVC có phát sinh hồ sơ DVC. Tỷ lệ này tăng 4,68% so với cuối tháng 10/2022 và vượt mục tiêu tối thiểu 85% của Thành phố vào cuối năm 2022.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tính chung toàn thành phố đạt tỷ lệ 71%, tăng 4% so với tháng 10/2022 và vượt mục tiêu tối thiểu 65% vào cuối năm 2022. Có 31/43 cơ quan có tỷ lệ hồ sơ DVCTT trên 65%, đặc biệt có 16 Sở đạt 100%.
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết, để thúc đẩy cung cấp, sử dụng DVCTT, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả DVCTT.
Thời gian qua, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản giao chỉ tiêu DVCTT gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến, giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.
Bên cạnh đó, Thành phố đã triển khai chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng DVCTT, điển hình là Nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng.
Với nền tảng này, mỗi người dân thành phố có một tài khoản công dân số và Kho dữ liệu trên Hệ thống để sử dụng DVC, tiện ích của chính quyền, giúp giảm thành phần hồ sơ. Hồ sơ công dân số do người dân đăng ký và được hệ thống cấp phát tài khoản nhằm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ trong quá trình sử dụng DVC. Tài khoản công dân số do công dân quản lý để sử dụng các dịch vụ, không phải khai báo lại hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có; sử dụng thông tin, dữ liệu, kết quả thủ thục hành chính số của mình để nộp hồ DVC các lần sau. Ngoài ra, mỗi người dân có 01 mã QR duy nhất theo chuẩn quốc gia các thông tin được mã hóa để sử dụng trong các giao dịch DVC như: dịch vụ với chính quyền, doanh nghiệp: điện, nước, môi trường, y tế, giáo dục, ngân hàng; kiểm soát vào/ra...
Thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã triển khai Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) số. Đây là Hệ thống cho phép tự động tiếp nhận kết quả giải quyết hồ sơ TTHC được ký số từ Phần mềm Một cửa điện tử sau khi hồ sơ được xác nhận hoàn thành, đồng thời, cho phép tổ chức/công dân, cán bộ công chức tải tài liệu ký số lên Kho để lưu trữ.
Ngoài ra, Thành phố cũng thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy như xây dựng CSDL địa chính, trong đó có số hóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; triển khai Hệ thống quản lý nhân hộ khẩu và tổ chức thí điểm sử dụng dữ liệu nhân, hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính, trong đó cập nhật, bổ sung thông tin CMND vào Hệ thống để thực hiện tra cứu; triển khai thí điểm bỏ thành phần hồ sơ là bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các hồ sơ đã thực hiện tra cứu trên cơ sở dữ liệu doanh nghiệp.
Đặc biệt, từ ngày 29/11/2022, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã đưa vào sử dụng Trợ lý ảo tự động giải đáp, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT. Trợ lý ảo sẽ hướng dẫn tổ chức, công dân tra cứu tự động các thông tin như: các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực được quan tâm nhiều, văn bản quy phạm pháp luật của thành phố Đà Nẵng, các thông tin kinh tế - xã hội phổ biến…
Với những định hướng và giải pháp phù hợp, Đà Nẵng đã tạo được niềm tin, hướng người dân đến việc sử dụng DVCTT ngày càng hiệu quả.