Khái niệm truyền thông
Truyền thông ra đời cùng quá trình xuất hiện và phát triển của xã hội loài người và trở thành hiện tượng xã hội phổ biến, có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội, tác động và chi phối đến mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong tiếng Anh, truyền thông (communication) có nghĩa là sự truyền đạt, thông tin, thông báo, giao tiếp, trao đổi, liên lạc. Về thực chất, đó chính là quá trình trao đổi, tương tác thông tin với nhau giữa các cá nhân/nhóm/xã hội về các vấn đề của đời sống, qua đó tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau giữa cá nhân và xã hội.
Truyền thông đại chúng
Truyền thông đại chúng có thể được hiểu là hệ thống hoặc mạng lưới các phương tiện truyền thông hướng tác động vào đông đảo công chúng xã hội (đại chúng) để thông tin, chia sẻ, nhằm mục đích lôi kéo và tập hợp, giáo dục thuyết phục, tổ chức đông đảo công chúng xã hội và nhân dân nói chung tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội đã và đang đặt ra.
Trong truyền thông đại chúng, báo chí với các loại hình báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử là những kênh truyền thông có vai trò quyết định tới sức mạnh, tính chất và khuynh hướng của truyền thông.
Truyền thông xã hội
Nếu như trước đây khi nói đến truyền thông, chúng ta chỉ có khái niệm "truyền thông đại chúng", thì trong 10 năm gần đây, trong kỷ nguyên công nghệ, thuật ngữ "truyền thông xã hội" ngày càng trở nên phổ biến. Dù vậy ở các trường đại học khoa học xã hội nhân văn, môn học này vẫn là môn học rất mới mẻ, thâm chí chưa có trong chương trình giảng dạy. Điều này chứng tỏ về mặt lý luận truyền thông xã hội tại Việt Nam mới chỉ sơ khai đúc kết từ thực tiễn rất sinh động của truyền thông xã hội đang diễn ra hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ.
Truyền thông xã hội, trong tiếng Anh (Social media) là cách thức truyền thông kiểu mới trên nền tảng các dịch vụ trực tuyến với mục đích là tập trung các thông tin có giá trị của những người tham gia. Tuy truyền thông xã hội có rất nhiều hình thức nhưng có thể chia thành 2 nhóm đặc trưng là: mạng xã hội chia sẻ thông tin cá nhân (như Facebook, Twitter, MySpace) và mạng chia sẻ tài nguyên ( như Youtube, Flickj..).
Đặc điểm nổi bật của truyền thông xã hội là tính tương tác giữa các thành viên trong cùng một dịch vụ và sức mạnh của số đông từ sự tương tác đó. Trong môi trường truyền thông xã hội, tất cả mọi người đều có thể chia sẻ thông tin một cách dễ dàng từ văn bản, hình ảnh, đoạn nhạc cho tới những đoạn phim. Tương tác số đông giúp thông tin được lan truyền rất nhanh và hiệu quả.
1. Giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về truyền thông, báo chí
1.1. Thay đổi cơ chế để hoàn thiện thể chế quản lý báo chí
Nếu như các ngành khác chỉ có một cơ quan chủ quản thì báo chí có tới 3 cơ quan cùng chịu trách nhiệm: Ngoài cơ quan chủ quản nhân sự (con người) còn có cơ quan chỉ đạo (định hướng) là Ban tuyên giáo, cơ quản quản lý nhà nước về báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông). Mối quan hệ giữa 3 cơ quan này chưa được rõ ràng, còn chồng chéo. Cơ quan chủ quản lại thường không có chuyên môn báo chí nên để cho báo chí hoạt động như một mảng độc lập, thiếu quan tâm; Phần lớn cơ quan chủ quản buông lỏng vai trò quản lý, làm cho tờ báo xa rời tôn chỉ, mục đích, không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cũng do cơ quan chủ quản không có chuyên môn báo chí và không phát huy hết trách nhiệm của mình nên việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí còn thiếu chặt chẽ nếu không nói là khá dễ dãi. Không ít cơ quan chủ quản đã bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được một số cơ quan chủ quản coi trọng nên dẫn đến việc một số cá nhân ở cơ quan báo chí phản ứng, thậm chí có khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan chủ quản. Đặc biệt, có trường hợp người đứng đầu cơ quan báo chí mất uy tín lãnh đạo trầm trọng, nhưng cơ quan chủ quản vẫn không có phương án thay thế, nên để nội bộ cơ quan báo chí mất đoàn kết kéo dài.
Việc cho các hội đoàn thể xã hội nghề nghiệp được hoạt động báo chí trong một thời gian dài đã làm phình ra hàng nghìn đầu báo hoạt động vô tội vạ, biến cơ quan báo chí thành tổ chức kinh doanh, những bài viết có nội dung thấp kém, thậm chí là độc hại, như: khai thác những chuyện giật gân, moi móc đời tư, đưa những hình ảnh thiếu thẩm mỹ, lành mạnh, đi vào những chi tiết, đề tài bạo lực, tình dục… nhằm câu khách, kích thích trí tò mò của công chúng có thị hiếu tầm thường và mục đích cuối cùng là kiếm tiền, thu lợi nhuận. Dư luận xã hội vô cùng bức xúc nhưng lại không biết phản ánh cho ai.
Cũng do chồng chéo trong quản lý, buông lỏng quản lý, nên tình trạng báo chí lợi dụng vị thế của "cơ quan quyền lực thứ tư" đi vòi vĩnh, tống tiền, làm công cụ "đánh hội đồng" thế nhưng cơ quan chủ quản không hay biết. Việc chấn chỉnh, xử lý những sai phạm của cơ quan báo chí trong rất nhiều trường hợp còn thiếu kiên quyết, nể nang.
Báo chí cách mạng là một hoạt động đặc biệt đi đầu trên mặt trận tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố sự thống nhất ý chí trong Đảng, báo chí là diễn đàn dân chủ của nhân dân, có trách nhiệm nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, tăng cường sự đồng thuận của xã hội.
Tuy nhiên, báo chí còn để xảy ra quá nhiều bất cập, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu trên lĩnh vực chính trị-xã hội. Nguyên nhân cơ bản: Đất nước đã chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường gần nửa thế kỷ nên cơ chế tổ chức và quản lý báo chí cũng đã lỗi thời. Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, do đó nhiều quy định của Luật Báo chí hiện hành đã không còn phù hợp, tạo nên những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về báo chí.
1.2. Xây dựng văn hóa truyền thông
- Phát triển văn hóa truyền thông "thích ứng": Trong truyền thông hiện đại, sự phân biệt giữa thông tin thật và thông tin giả rất khỏ khăn, ranh giới giữa các quốc gia trong cung cấp thông tin cũng bị xóa nhòa, tạo nên thách thức rất lớn đối với việc đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài, do đó cần phải có sự đồng thuận quan điểm của tất cả các bên liên quan về chấp nhận, quản lý, kiểm soát, tận dụng và phát triển truyền thông hiện đại. Từ đó xây dựng các tiêu chí về quyền, trách nhiệm của các bên liên quan về tiếp cận và tận dụng truyền thông hiện đại. Đây thực chất là vấn đề nhận thức về truyền thông hiện đại và cách tiếp cận vào văn hóa truyền thông. Cần phải có những quy định của pháp luật về đảm bảo những tiêu chí, giá trị chung về văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử, văn hóa bảo vệ lợi ích cộng đồng và xã hội giữa các quốc gia, khu vực.
- Quản lý văn hóa của người truyền bá: Với tư cách là chủ thể sáng tạo nên những sản phẩm truyền thông để thông tin tới công chúng, trước hết người tham gia hoạt động truyền thông phải ý thức được vai trò của mình đối với công chúng và xã hội. Những người làm truyền thông, báo chí, cần có lập trường tư tưởng vững vàng và đúng đắn, được trang bị những kiến thức cần thiết và có phông văn hóa chuẩn mực và ý thức được hoạt động của mình là hoạt động văn hóa, từ đó cần có thái độ và cách ứng xử phù hợp, kể cả "nhà báo công dân", những người cung cấp thông tin trên mạng xã hội cũng cần thực hành theo những giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội để truyền thông. Trong cơn lốc thông tin của mạng xã hội, một nguy cơ không thể phủ nhận là người đọc có xu hướng ưa thích và chia sẻ tin giả, đó là sự xấu xí của truyền thông cả thế giới phải đối mặt. Ranh giới giữa tin thật và tin giả rất mong manh và sự phân biệt cũng khó khăn, khó nhận diện ý đồ làm dụng truyền thông hiện đại. Rất nhiều người chia sẻ thông tin giả để cho vui hoặc để bày tỏ ý kiến, thái độ với một vấn đề của xã hội, của đất nước. Chỉ có điều, dư luận thường vội vàng và cảm tính, không ít người chia sẻ mà không cần kiểm chứng, không cần xem cặn kẽ. Với tư cách là những chủ thể sáng tạo nên những sản phẩm truyền thông để thông tin tới công chúng, trước hết người truyền thông phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với công chúng và xã hội. Xử lý việc này, bên cạnh xử lý hành chính, cần thiết nâng lên xử lý hình sự, đi đôi với giải pháp này, vai trò của những người làm báo đáng tin cậy sẽ trở nên quan trọng hơn báo giờ hết. Xã hội cần sự cung cấp thông tin nhanh và chủ động của nhà báo để kiểm chứng và xã hội cần truyền thông thông điệp văn hóa "chia sẻ có trách nhiệm". Do đó, vai trò của việc định hướng truyền thông ngày càng quan trọng để xây dựng văn hóa truyền thông lành mạnh, trách nhiệm, đạo đức của các bên liên quan. Việc dán nhãn chất lượng cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, theo tôi là cần thiết để xây dựng môi môi trường truyền thông văn hóa.
- Định vị lại cách tiếp cận trong hoạt động báo chí, truyền thông: Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông xã hội, quyền tự do biểu đạt của công dân không thể đánh đồng với việc truyền thông bất chấp hậu quả hay cố ý phát tán thông tin giả. Những nhà truyền thông xã hội có thể và có quyền tham gia góp ý kiến nhằm hướng tới xây dựng xã hội ít bức xúc và bớt phức tạp hơn. Khi những ràng buộc về pháp lý chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ hoặc chưa theo kịp thực tiễn thì khả năng tự cân nhắc và ràng buộc bản thân về đạo đức trong truyền thông là rất cần thiết. Thông tin không chỉ là mục đích chính yếu mà nhà truyền thông cần đạt được sự hài hòa, cân bằng giữa mục tiêu phản ánh sự thật và phục vụ lợi ích xã hội. Báo chí, truyền thông có vai trò kiến tạo xã hội và chính trị. Vai trò này đang đứng trước thách thức rất lớn khi định hướng thương mại của truyền thông ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, không chỉ báo chí mà truyền thông xã hội cũng cần định vị lại mục tiêu phục vụ xã hội và những giá trị tốt đẹp của cộng đồng. Lý thuyết truyền thông dựa trên xung đột phổ biến của Phương Tây có xu hướng tập trung vào vấn đề, sự kiện và những hệ lụy kéo theo. Lý thuyết đưa tin sự kiện giật gân là biểu hiện của xu hướng này cần phải được đấu tranh phản bác. Nhà truyền thông phải đào sâu vào sự kiện, hiểu đúng bản chất của vấn đề, không đánh lừa công chúng về bản chất vấn đề; nhìn nhận xung đột nhưng không phản ánh nó theo lối giật gân mà hướng tới giải pháp phù hợp để không làm gia tăng căng thẳng xã hội, tạo bức xúc, ức chế tâm lý xã hội. Giải pháp mang tính giáo dục và định hướng này không phải là chìa khóa vạn năng nhưng nó cũng thắp lên hy vọng về một văn hóa truyền thông mới gắn với những giá trị đạo đức của con người.
2. Quản lý các hoạt động trên không gian mạng
Ngày nay, nhu cầu truy cập Internet, dùng mạng xã hội đã trở nên cần thiết, không thể thiếu trong đời sống con người. Đó là các nhu cầu như giao lưu, kết nối, trao đổi, giải trí, truy cập để bắt nắm thông tin, tiếp cận thị trường, sử dụng trong nghiên cứu, làm việc. Có người lấy đó để biết thông tin kinh tế – đời sống, nắm bắt thị trường để phát triển kinh tế xã hội. Về ý nghĩa quốc gia, không gian mạng còn được ví như "lãnh thổ đặc biệt" trong việc bày tỏ quan điểm, "tự do thông tin", bảo vệ dân tộc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập 4.0 với sự bùng nổ nhanh mạnh của công nghệ số, không gian mạng cũng đa dạng và đối tượng tham gia cũng ngày càng phức tạp hơn, đã đưa đến tình trạng "lợi bất cập hại". Thời gian qua, các thế lực thù địch lợi dụng Internet và mạng xã hội để xuyên tạc cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng; lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối; phát tán tài liệu, kêu gọi tuần hành, biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hiện tượng lợi dụng không gian mạng để "bóc phốt" nói xấu, công kích nhau thời gian gần đây cũng khá phổ biến làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục. Những livestream xuất hiện với tần suất dày đặc của một nữ doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh cũng giới nghệ sĩ, showbiz và có cả hai nhà báo, luật sư đã tạo hiệu ứng xấu trong dư luận xã hội. Với đặc tính không biên giới, tốc độ truyền thông tin nhanh, phạm vi chia sẻ rộng rãi, khả năng tương tác cao, không gian mạng ngày càng có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, vấn đề bảo vệ an ninh mạng được đặt ra vô cùng quan trọng với mỗi quốc gia. Thực tế đã cho thấy ngày càng phát sinh hiện tượng thiếu lành mạnh trên không gian mạng, nên rất cần một giải pháp tổng thể như sau:
2.1. Giải pháp về quản lý Nhà nước
- Vận dụng triệt để Luật An ninh mạng để đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm.
- Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông việc quán triệt nhận thức, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý báo chí và xuất bản. Cán bộ thanh tra ngoài trau dồi kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn tạo vỏ bọc "xã hội dân sự", "diễn đàn dân chủ",… để chống phá; các website giả mạo, các trang mạng có nhiều nội dung thông tin xấu, độc, còn cần nắm chắc các thủ đoạn tấn công mạng như đánh sập các website; cài gắm vào máy tính cá nhân hoặc lấy tài khoản và mật khẩu; đánh cắp dữ liệu cá nhân (hình ảnh, video); tấn công bằng mã độc (theo tệp đính kèm trong email hoặc ẩn trong quảng cáo Skype); tấn công ẩn danh bằng những phần mềm độc hại (phần mềm diệt virus, các trình duyệt); tấn công qua USB, đĩa CD… Song song với đó là việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền trong gia đình, người thân, bạn bè và nhân dân nơi cư trú các quy định của Luật An ninh mạng để mọi người nắm, hiểu và không thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh mạng, góp phần xây dựng "không gian mạng lành mạnh từ cơ sở".
- Cơ quan quản lý nhà nước cần, cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm đến vấn đề văn hóa "đen" trên mạng, phải quyết tâm xử lý văn hóa "đen", "rác bẩn" trên không gian mạng. Địa phương nào quyết liệt, chú trọng trong việc thu thập, chuyển hóa, xử lý tới nơi tới chốn sẽ giảm thiểu hiện tượng này. Thực tế có những trường hợp tương tự nhau nhưng có địa phương thì xử lý, có địa phương ngần ngừ, không xử lý. Tức chúng ta có công cụ, luật pháp để xử lý nhưng vận dụng đôi khi, có lúc, có nơi chưa triệt để.
- Tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, trong đó càn chủ động rà soát, kiên quyết xử lý các kênh livestream và nhóm chat có nội dung phản cảm, phạm pháp.
- Để chấm dứt hiện tượng phóng viên "hai mặt" dùng MXH để xâm phạm lợi ích của các tổ chức, cá nhân, ngànhThông tin Truyền thông đã tăng cường kiểm tra, đi sâu vào các trang mạng, trang thông tin điện tử của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, chống tình trạng báo chí hóa tạp chí, báo chí hoạt đông không đúng tôn chỉ, mục đích để lập lại trật tự kỷ cương.
- Bộ Thông tin và Truyền thông cần có một chế tài đủ mạnh, nâng mức phạt nặng đối với tội vu khống, xúc phạm nhân phẩm danh dự cá nhân, tổ chức. Đối với những người làm báo, không chỉ thu hồi thẻ nhà báo mà còn bổ sung hình thức cấm hoạt động báo chí trong 3 năm. Như thế mới đủ sức răn đe.
- Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động, phát huy vai trò quản lý, thường xuyên cảnh báo, vì nếu chỉ dừng ở việc xử lý, giáo dục đơn thuần sẽ rất khó dẹp bỏ triệt để hiện tượng này.
2.2. Giải pháp về hàng rào kỹ thuật để ngăn thông tin tiêu cực
- Cùng với việc chủ động nắm tình hình trên không gian mạng, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tăng cường triển khai các kế hoạch bảo đảm an ninh hệ thống thông tin, trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tập đoàn kinh tế, tài chính trọng yếu… Chủ động phát hiện và phối hợp khắc phục các lỗ hổng bảo mật, virus, mã độc xâm nhập, chiếm đoạt thông tin bí mật Nhà nước, thông tin bộ qua môi trường mạng, ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam; quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.
- Luật pháp cần quy định để kiểm soát các các nhà cung cấp mạng thực hiện tốt việc ngăn chặn thông tin tiêu cực, thu thập, rao bán thông tin cá nhân; yêu cầu các nhà mạng nước ngoài phải tuân thủ, vận dụng luật pháp quốc tế phù hợp với luật pháp Việt Nam, buộc họ chủ động trong việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật để các thông tin độc hại không phát tán, lan truyền./.
Ths. Nguyễn Thu Phương - PGĐ Sở TT&TT