Năm qua, thị trường xuất bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong hoàn cảnh đó, cơ quan chức năng cùng các đơn vị trong ngành sách đã chung tay thực hiện nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy văn hóa đọc. NXB Đà Nẵng đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và tập trung xuất bản được các xuất bản phẩm, tài liệu bám sát các sự kiện chính trị trọng tâm của đất nước, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Công tác tổ chức bản thảo gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là sách trợ giá, sách đặt hàng; nguồn bản thảo có giá trị về nội dung đã khai thác và xuất bản, không còn nhiều và đa dạng như trước đây. Công tác phát hành xuất bản phẩm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thị trường sách điện tử, mạng internet phát triển mạnh mẽ đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm in giấy truyền thống hiện nay. Sách trợ giá NXB bản in phát hành cũng gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh.
Sở TT&TT Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP nhiều giải pháp để tạo môi trường, cơ hội hỗ trợ NXB họa động và chúng tôi thấy rằng trong giai đoạn hiện nay việc tăng cường liên kết hay nói cách khác việc quan tâm của cơ quan chủ quản đến NXB vẫn là điều kiện hết sức quan trọng để bảo đảm NXB địa phương hoàn thành nhiệm vụ của mình và đây cũng là thuộc trách nhiệm của mình theo luật định.
Sự liên kết giữa cơ quan chủ quản và NXB địa phương ngoài việc tạo điều kiện cơ sở vật chất, thăm hỏi, gặp mặt làm việc, trao đổi, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, quan tâm đến công tác nhân sự chủ chốt, thi đua, khen thưởng, thì chúng tôi còn nghĩ đến các giải pháp khác để hỗ trợ NXB ổn định và phát triển.
Chúng tôi cho rằng nguồn lực đặt hàng và trợ giá của TP luôn có hạn dù có tăng tỷ lệ hàng năm, vì vậy cần có các giải pháp khác để tăng cường sự liên kết và hỗ trợ của cơ quan chủ quản đối NXB địa phương.
Giải pháp thứ nhất, Sở TT&TT thành phố tham mưu làm thể nào để xây dựng văn hóa đọc, chỉ có môi trường văn hóa đọc phát triển thì mới tạo ra giải pháp căn cơ để các nhà xuất bản phát triển.
Để phát triển văn hóa đọc, Đà Nẵng có các giải pháp riêng đã và đang được nghiên cứu để triển khai, ví dụ xây dựng một thư viện khoa học tổng hợp đủ tiêu chuẩn số hóa, liên kết với các trường đại học, thí điểm và sẽ nhân rộng mô hình thư viện quận, huyện khi có nguồn lực. Trong thư viện Khó học tổng hợp có riêng Tủ sách Đà Nẵng phục vụ công tác nghiên cứu, nơi có đầy đủ bộ sách về danh nhân văn hóa, lịch sử Đà Nẵng, các công trình khoa học của Đà Nẵng, đây là mục tiêu đặt ra và vẫn đang trong quá trình thực hiện, là cơ hội để NXB địa phương có nguồn đề tài tìm bản thảo. Thậm chí chúng tôi còn đưa ra ý tưởng tiêu chí xây dựng và công nhận gia đình văn hóa của Đà Nẵng là mỗi gia đình đều có 1 tủ sách. Tiến tới, chúng tôi tham mưu mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị một phòng truyền thống, trong đó có tủ sách pháp luật, lý luận chính trị, lịch sử, văn hóa địa phương, truyền thống ngành… Hàng loạt các hoạt động của các hội sách địa phương, trường học hàng năm với những cách làm mới, sáng tạo cũng là điều kiện xây dựng văn hóa đọc và NXB giới thiệu sách. Trong tình hình hiện nay cần thay đổi các hội sách trực tuyến để phát triển văn hóa đọc. Sách của NXB Đà Nẵng cần được quan tâm đưa lên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn.
Chúng tôi mong muốn hình thành đường sách tại Đà Nẵng. Việc này đã có chủ trương và đang trong quá trình tìm kiếm mô hình, địa điểm, đối tác để triển khai thực hiện. Nếu NXB Đà Nẵng có để án, phương án khả thi thì được quan tâm ưu tiên.
Giải pháp thứ hai, chúng tôi cũng phối hợp với Hội Khoa học lịch sử thành phố bước đầu làm bộ sách giáo dục lịch sử địa phương đưa vào trường học và tiến tới tham mưu đề xuất làm bộ sách giáo dục văn hóa, truyền thống địa phương. Đây cũng là dư địa mới cho NXB địa phương.
Giải pháp thứ ba, chúng tôi tham mưu tăng cường sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản trong việc thực hiện chuyển đổi số của NXB Đà Nẵng, chuẩn bị những nền tảng cần thiết cho việc phát triển hoạt động xuất bản điện tử. Không chỉ NXB mà phải phát triển cơ sở vật chất phục vụ số hóa thư viện ở các trường học thì mới tạo sự đồng bộ phát triển và đáp ứng nhu cầu thay đổi thói quen đọc sách hiện nay. Đồng thời đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục có các giải pháp khuyến khích phát triển văn hóa đọc ngày từ bậc tiểu học, kêu gọi xã hội hóa nguồn sách cho học sinh tiểu học như là một hoạt động xã hội khuyến học.
Giải pháp thứ tư, năm 2022 chúng tôi tập trung tham mưu UBND TP phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy đề đặt hàng số hóa các tài liệu lư trữ của Đảng bộ. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách vì nhiều tài liệu quan trọng sẽ có nguy cơ bị hỏng bởi thời gian. Và việc số hóa các tài liệu này chắc chắn cũng sẽ mất nhiều năm mới hoàn thành.
Giải pháp thứ năm về truyền thông, hàng năm chúng tôi đặt hàng Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng chương trình "Mỗi tuần một cuốn sách" để giới thiệu tất cả các tác phẩm mới của các nhà xuất bản trên địa bàn thành phố có quan tâm phối hợp.
Một điểm nhấn khác, trong năm qua, UBND TP Đà Nẵng đã chủ động bổ sung vốn, đầu tư cơ sở vật chất cho nhà xuất bản trực thuộc, chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên nhưng cần tiếp tục chú trọng đầu tư cho NXB trong ứng dụng công nghệ vào quy trình xuất bản hiện đại. Đây là một trong những điều kiện cơ bản, quan trọng để đảm bảo điều kiện hoạt động và phát triển của NXB phát triển ổn định trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Điều cuối cùng vừa là giải pháp và vừa là đề xuất của TP Đà Nẵng là việc thống nhất mô hình hoạt động cho các xuất bản địa phương hiện nay theo hướng thuận lợi, hiệu quả nhất và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Chúng tôi mong muốn có sự quan tâm đặc biệt của Bộ TT&TTT và Ban Tuyên giáo Trung ương để các NXB có một tâm thế ổn định, từ đó mới có chiến lược, đề án phát triển chứ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch phát triển từng năm một như hiện nay. Đồng thời đối với các Đề án sách quốc gia cần quan tâm phân bổ cho các nhà xuất bản địa phương, ngành theo đặc thù ngành, vùng miền./.
Ths. Nguyễn Thu Phương - PGĐ Sở TT&TT