Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Navigation Menu

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Chi tiết
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về chuyển đổi số trong ngành Tòa án
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 19/07/2021 Lượt xem: 63

Sáng ngày 14/7/2021, tại Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” được kết nối trực tuyến với gần 800 điểm cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các Tòa án quân sự, các Sở TT&TT trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu về chuyển đổi số trong ngành Tòa án. Cổng TTĐT Bộ TT&TT xin trân trọng gửi đến độc giả toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng.


BT-TAND.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Logic thông thường là chúng ta kém thì chúng ta phải đi sau. Nếu vậy thì chúng ta sẽ mãi mãi là người đi sau. Vậy nên, logic đúng phải là, chúng ta kém và do vậy, chúng ta phải đi trước. Sẽ không nhất thiết phải đuổi kịp, đi cùng rồi vượt lên nữa mà đi đầu ngay từ đầu. Các nước phát triển thì đang yên ấm trong cái cũ nên sẽ không mặn mà với cái mới. Các nước đang phát triển thì đói khát hơn, nhiều vấn đề hơn, và do vậy, khát khao hơn, nhanh hơn với cái mới, với công nghệ mới. Chỉ có đi trước các nước đã phát triển về cái mới thì chúng ta mới có hy vọng thay đổi thứ hạng quốc gia. Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư là cuộc cách mạng về ai dám đi đầu.

Các cuộc CMCN trước đây như cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá thì càng dùng nhiều càng đắt, người sử dụng càng mua nhiều thì công ty sản xuất càng giầu có và công nghệ của họ càng phát triển. Công nghệ số thì ngược lại, càng dùng nhiều thì sẽ càng rẻ, chi phí trên đầu người sẽ tiệm cận 0. Công nghệ số, nền tảng số càng dùng nhiều thì càng thông minh vì dữ liệu nhiều lên. Người dùng quyết định sự phát triển công nghệ nhiều hơn là người sáng tạo ra công nghệ. Bởi vậy, nếu Tòa án đi đầu về ứng dụng công nghệ mới, đi đầu về sử dụng các nền tảng số mới thì Tòa án sẽ thông minh hơn, các công nghệ sẽ được hoàn thiện tại Tòa án thay vì tại các nước sinh ra công nghệ gốc. Trong lịch sử phát triển của nhân loại thì đây là lần đầu tiên người sử dụng công nghệ lại góp phần chính trong phát triển công nghệ.

Khi một cuộc CMCN mới xảy ra thì rất nhiều việc khó lại dễ làm. Bây giờ thì việc khó lại dễ làm, việc dễ lại khó làm. Việc khó thì phải tìm cách tiếp cận mới, phải dùng công nghệ mới và vì vậy mà dễ làm. Việc dễ thì vẫn theo cách cũ và vì vậy mà lại khó làm. Thời kỳ CMCN 4.0 và công nghệ số thì người lãnh đạo nào hơi mơ mộng, khát vọng lớn và ‘máu me' thì sẽ có cơ hội thành công lớn hơn.

Người lãnh đạo tập trung vào việc đặt ra mục tiêu, đặt ra bài toán, tức là nói rõ mình muốn gì, nói rõ với số tiền chi ra thế này thì giá trị mang về phải là gì. Không cần quan tâm nhiều đến việc làm như thế nào. Làm như thế nào, công nghệ gì, giải pháp nào là việc của doanh nghiệp. Giao việc cho doanh nghiệp là giúp doanh nghiệp phát triển. Giải được bài toán của Tòa án một cách hiệu quả là giúp Tòa án phát triển. Cả Tòa án và doanh nghiệp đều phát triển. Nhưng đầu tiên vẫn phải là xuất phát từ tầm nhìn của lãnh đạo Tòa án, từ việc lãnh đạo Tòa án đặt ra bài toán đúng.

Kỷ nguyên số hoá đã bước vào giai đoạn ba. Giai đoạn một là số hoá thông tin. Thí dụ của nó là văn bản giấy thì được số hoá và lưu trữ, xử lý trên máy tính. Giai đoạn hai là số hoá qui trình, số hoá từng chức năng theo chiều dọc, còn gọi là ứng dụng CNTT. Thí dụ của nó là phần mềm quản trị nhân lực. Giai đoạn ba là số hoá tổ chức, là số hoá theo chiều ngang, là đưa toàn bộ hoạt động của tổ chức lên môi trường số, là thay đổi cách vận hành của tổ chức, còn gọi là chuyển đổi số. Thí dụ của nó là không còn việc cấp dưới báo cáo cấp trên, cấp trên muốn có thông tin gì, phân tích gì thì dùng phần mềm để khai thác kho dữ liệu của tổ chức.

CĐS ở Việt Nam có sự khác biệt. Vì nhiều việc của giai đoạn một, giai đoạn hai vẫn chưa xong. Nhưng không nhất thiết phải xong giai đoạn một mới đến hai rồi mới đến ba, mà là ba trong một luôn. Đặc điểm lớn nhất của CĐS ở Việt Nam là ba trong một. Thực hiện CĐS cả tổ chức cùng với việc số hoá dữ liệu (thí dụ như số hoá các án lệ), cùng với việc số hoá qui trình (thí dụ như số hoá công tác tổ chức cán bộ, tài chính kế toán). Ba trong một cùng với việc sử dụng những công nghệ số mới nhất sẽ giúp cho công cuộc CĐS nhanh hơn và rẻ hơn. Cái may mắn của Toà án là giai đoạn một và hai chưa làm được nhiều và vì vậy mà có cơ hội ứng dụng những nền tảng số hiện đại nhất để đẩy nhanh CĐS.

CĐS thì 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo Toà án, là tri thức của hệ thống Toà án. Công nghệ chỉ chiếm 30%. CĐS là máy tính thay lao động trí óc. Chúng ta phải dạy cho máy tính trước về tri thức của chúng ta rồi máy tính sẽ tự học tiếp dựa trên dữ liệu mới. Có nghĩa là sự thông minh của máy tính thì đầu tiên là do tri thức của Toà án. Những người xuất sắc nhất của Toà án sẽ phải tham gia cùng với những người làm công nghệ để đưa tri thức vào hệ thống. Và tiếp theo, Toà án càng dùng nhiều thì hệ thống sẽ càng thông minh lên. Tóm lại là: Lãnh đạo thì quyết tâm làm; chuyên viên thì chuyển giao tri thức; doanh nghiệp công nghệ thì tạo ra nền tảng số; cán bộ công chức thì làm việc trên nền tảng số.

CĐS là để giải quyết bài toán rất nan giải hiện nay là: Chúng ta vẫn làm việc hybrid, tức là nửa trên máy tính, nửa ngoài máy tính. Và vì vậy rất khó kiểm soát hoạt động của nhân viên. Nếu làm bằng giấy cả 100% thì dễ kiểm soát hơn là nửa này nửa kia. Và vì vậy, nhiệm vụ của CĐS là đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Nhân viên sẽ làm việc chỉ trên một môi trường duy nhất, kết thúc giai đoạn hàng chục năm qua là nửa này nửa kia.

Giai đoạn 2, giai đoạn ứng dụng CNTT, là số hoá các qui trình. Trong một tổ chức thì có qui trình đã số hoá, có qui trình chưa, các qui trình đã số hoá hết thì lại chưa có liên kết ngang. Và vì vậy mà dẫn đến nửa này nửa kia. CĐS là để kết thúc giai đoạn hybrid này. Sứ mệnh của nó là vậy.

Chúng ta đang chuyển từ thế giới thực vào thế giới online. Những gì chúng ta đang làm trong thế giới thực thì sẽ có một phiên bản như vậy trên môi trường số. Việc đầu tiên sẽ là toà án online. Việc này thì không khó vì nhiều nước đã làm, thời gian xử lý vụ án giảm được 50%, vì không tiếp xúc nên cơ hội đưa, nhận hối lộ cũng giảm. Toà án có thể bắt đầu bằng việc thí điểm. Nền tảng số để phục vụ cho việc này thì doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể phát triển.

Người Việt chúng ta thì ứng biến nhanh nhưng kiến thức nền tảng thì ít chú ý. Các quyết định nhiều khi là trực quan, ít dựa trên sở cứ và dữ liệu. Vậy có cách nào khắc phục không? Nếu mỗi chúng ta đều có một trợ lý am hiểu luật pháp, làm việc 24/7 và lúc nào cũng bên cạnh ta, thì các tai nạn pháp lý, nghiệp vụ sẽ giảm thiểu đáng kể. Đó là trợ lý ảo nhưng giao diện với chúng ta là bằng ngôn ngữ nói tự nhiên, thông qua điện thoại di động. Đây là một trợ lý chuyên ngành hẹp về toà án nên rất dễ làm cho nó thật thông minh. Và cũng chỉ trong vòng 3 tháng là trợ lý ảo sẽ được đưa vào sử dụng. Càng dùng nhiều thì trợ lý này sẽ càng thông minh và trợ giúp càng đắc lực. 16.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cả hệ thống toà án sẽ được bổ sung thêm 16.000 lao động nữa, mà lại là lao động có chuyên môn và chuyên nghiệp. Chất lượng công việc tăng lên và chất lượng cuộc sống cũng tăng lên. Chuyển đổi số thường là cách tốt nhất để giải các mục tiêu kép.

Có một khó khăn khác nữa của bất kỳ tổ chức nào là đào tạo qui trình làm việc. Con người bây giờ có quá nhiều mối quan tâm và vì thế rất khó chú tâm vào một việc. Học thì nhanh quên. Và lại có quá nhiều thứ phải học. Cứ mỗi lần có thay đổi gì, về qui định mới hay qui trình làm việc mới, là lại phải đào tạo, huấn luyện hàng chục, hàng trăm ngàn người. Vậy có cách nào không đào tạo mà vẫn là đào tạo không?

Nếu như mọi người đều làm việc trên một nền tảng số, các qui định và qui trình làm việc đều đã được tích hợp vào trong nền tảng này, mọi hoạt động đều diễn ra trên nền tảng này, tách ra khỏi nền tảng là không làm việc được, các bước đã được lập trình và con người chỉ phải ra quyết định Yes or No ở từng bước thì cái hay quên nhất, dễ nhầm nhất là qui trình sẽ không bao giờ bị sai vì máy đã nhớ hộ con người. Và khi có một thay đổi mới, một qui trình mới thì chỉ cần lập trình lại nền tảng, và ngày hôm sau thì trăm ngàn người sẽ làm việc theo qui trình mới giống nhau như một, như là đã qua cả năm đào tạo, đó là vì không theo qui trình mới thì máy tính không chạy.

Công việc của con người là ra các quyết định để đạt mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu của chúng ta không phải là qui trình. Nhưng qui trình thì phải tuân thủ. Nếu không có sự trợ giúp để làm đúng qui trình thì mọi chú ý của con người sẽ tập trung vào qui trình và khi đó qui trình sẽ trở thành mục tiêu. Máy tính và công nghệ số sẽ giúp chúng ta quay về với giá trị đích thực của con người là ra các quyết định đúng để đạt mục tiêu chứ không phải là tuân thủ các qui trình.

Đào tạo tri thức chuyên môn sẽ là một khó khăn nữa đối với bất kỳ tổ chức nào. Tổ chức đào tạo tập trung thì tốn kém và cán bộ công chức bận việc cũng rất khó tìm được thời gian đi học. Cán bộ lãnh đạo thì còn ít thời gian hơn nữa để đi học. Và kết quả là cán bộ của ta ít được cập nhật kiến thức, làm việc theo kinh nghiệm. Nhưng nếu có một nền tảng đào tạo online, đưa nội dung đào tạo lên nền tảng, mọi người có thể tự học, tự thi lúc rảnh rỗi thì vấn đề sẽ được giải quyết. Mỗi quí có thể yêu cầu mỗi cán bộ công chức học một khoá ngắn và phải thi đạt yêu cầu. Nội dung gì thì do Toà án quyết định. Có bộ phận thiết kế nội dung cho sinh động. Nền tảng đã có sẵn các công cụ hỗ trợ thiết kế nội dung nên công việc làm nội dung cũng đơn giản đi nhiều. Nền tảng cũng hỗ trợ việc thi online. Một quí 90 ngày, ai muốn học, muốn kiểm tra bất kỳ lúc nào cũng được. Linh hoạt như vậy thì cán bộ công chức sẽ rất vui vẻ để học. Toà án cần có một nền tảng đào tạo trực tuyến.

CĐS thì phải luôn hướng tới người dân. Chúng ta đã nói đến các nền tảng số cho hệ thống Toà án. Chúng ta có nên phát triển các nền tảng số để hỗ trợ người dân không? Người dân luôn là mục tiêu cuối cùng của chúng ta. Hỗ trợ người dân tốt thì cũng sẽ giảm tải cho cả hệ thống Toà án. Bởi vậy, việc xây dựng các nền tảng hỗ trợ người dân nên được coi là công việc của Toà án. CĐS Toà án thì nội dung quan trọng là CĐS đối tượng phục vụ của mình. Công khai án và án lệ để người dân có thể truy cập qua mạng là bước đầu tiên. Một trợ lý ảo để người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý là bước tiếp theo. Một nhà tư vấn ảo, người dân đưa vào các thông tin để hỏi nhà tư vấn này xem xác suất thắng kiện là bao nhiêu %, là CĐS mức cao. Tất cả những nội dung này nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thực tế triển khai thì không phức tạp và có thể mang lại giá trị thực tiễn rất lớn cho người dân.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các nền tảng này. Vấn đề còn lại là Tòa án phải thay đổi, điều chỉnh thể chế để chấp nhận các mô hình vận hành mới trên không gian mạng. Bởi vậy mà nhiều người nói, CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.

Tại sao nhiều dự án CNTT không thành công, không mang lại hiệu quả như mong muốn? Không phải do CNTT khó mà lại là do CNTT dễ. Để viết được một sản phẩm CNTT 4-5 điểm, tức là chạy được, thì rất nhiều người làm được, nhà nhà làm được. Nhưng sản phẩm CNTT 4-5 điểm mà đưa vào sử dụng thì bất tiện hơn là không có và vì vậy, không được đón nhận. Chỉ có sản phẩm CNTT xuất sắc thì mới thay thế được cách làm cũ. Nhưng một sản phẩm CNTT xuất sắc thì lại rất không dễ, số người có thể làm được giảm xuống rất đáng kể. Bởi vậy mà việc chọn đúng người làm có ý nghĩa quyết định thành công của một dự án CNTT.

Một trong những yếu tố quyết định thành công và hiệu quả của ứng dụng CNTT là hãy biến nó thành một nền tảng làm việc của toàn bộ tổ chức, của toàn bộ gần 800 Tòa án các cấp, nếu không vào nền tảng này là không làm việc được, mọi hoạt động của công viên chức phải được thực hiện trên nền tảng, không còn công việc nào diễn ra ngoài nền tảng. Và cũng vì vậy mà có thể giao việc cho từng người trên nền tảng, theo dõi kết quả công việc theo thời gian thực, đánh giá tự động kết quả công việc của từng đơn vị cũng như của từng người. Quản trị thực thi sẽ không thể thực hiện được nếu như mọi người không làm việc trên một nền tảng số dùng chung.

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông


Chuyên mục, tin tức liên quan:

chuyên mục tổng hợp

Quản lý nội dung HTML

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Trụ sở: Tầng 24, tòa nhà Trung tâm Hành chính, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3840123 - Email: stttt@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: Số 37/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 17/01/2017