Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Navigation Menu

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Chi tiết
Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng: Xứng đáng là ngành kinh tế quan trọng, ngành đặc thù trong công tác chính trị, tư tưởng
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 31/01/2019 Lượt xem: 125

Chiều ngày 25/1, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai kế hoạch và nhiệm vụ năm 2019.


Đến dự có đại diện lãnh đạo Cơ quan đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tại Đà Nẵng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; lãnh đạo và cán bộ các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã; đại biểu các doanh nghiệp Ngành, Hiệp hội; các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chi nhánh các nhà xuất bản trên địa bàn…

 

Thừa ủy nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh trao Huân chương lao động hạng Ba đến Ban Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng).
 -Ảnh trong bài: T.N.



Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, năm 2018, Ngành Thông tin và Truyền thông vẫn duy trì tốc độ phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm tiếp tục tăng trưởng với 78 triệu USD, đạt 102% so với kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017.

Một điểm sáng khác là đẩy mạnh có tính đồng bộ và nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực, theo hướng ưu tiên tập trung vừa phục vụ quản lý nhà nước, vừa phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm qua, Sở đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt đầu tư hơn 50 chương trình, dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin liên quan đến mục tiêu vừa nêu.

Năm 2018, Đà Nẵng có 275 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 được triển khai xây dựng mới, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến lên 847 dịch vụ, chiếm 66% thủ tục hành chính hiện có; số lượng hồ sơ (công dân, tổ chức và doanh nghiệp) nộp và được xử lý bằng hình thức trực tuyến chiếm 44%.

Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành liên thông năm 2018 đã triển khai thêm 30 đơn vị sự nghiệp. Đến nay, có tổng cộng 260 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố sử dụng Hệ thống.

Đà Nẵng cũng đã kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia của Văn phòng Chính phủ và gửi liên thông đến các Bộ, ngành Trung ương, cũng như địa phương khác; cho phép các cơ quan nhà nước tại thành phố Đà Nẵng chia sẻ dữ liệu, bảo đảm băng thông, an toàn, tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành hệ thống.

Trong năm 2018, có 628.055 lượt văn bản được gửi/nhận liên thông điện tử thay cho văn bản giấy giữa các cơ quan, góp phần đáng kể trong việc tiết kiệm chi phí in ấn văn bản, gửi Bưu điện (khoảng 800 triệu đồng) và tiết kiệm thời gian gửi văn bản (khoảng 1.200.000 ngày).

"Chúng tôi tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng Góp ý và Đường dây nóng thống nhất 1022. Năm 2018, đã tiếp nhận hơn 9.125 lượt ý kiến phản ánh, góp ý (trong đó có 4.299 lượt ý kiến qua đường dây nóng 1022, 4.826 lượt ý kiến góp ý qua Cổng Góp ý); điều phối các cơ quan, đơn vị xử lý, phản hồi 8.952 ý kiến (đạt 98,1%). Chúng tôi cũng đã tổ chức cơ sở dữ liệu và dịch vụ nhắn tin tra cứu các cơ sở đạt chuẩn an toàn thực phẩm, hành trình xe buýt thành phố, thông tin xe vi phạm giao thông, giá đất thành phố, trạm BTS, số điện thoại vi phạm quảng cáo, rao vặt" – ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở cho biết thêm.
 
Mở rộng thêm khả năng phục vụ tổ chức, công dân và doanh nghiệp; Sở Thông tin và Truyền thông thành phố còn phối hợp với Sở Nội vụ, tạo điều kiện để Bưu điện Đà Nẵng được tham gia vào khâu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính (tại Bàn tư vấn Bộ phận một cửa Trung tâm hành chính thành phố. Quầy dành cho Bộ phận Tư vấn 1022). Từ ngày 12/6/2018 Bưu điện Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngay tại Trung tâm Hành chính thành phố.

 

Lãnh đạo thành phố khen thưởng cá nhân và tập thể có đóng góp tiêu biểu, duy trì thành tích 10 năm đứng đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT Index). 
 

Chấn chỉnh nghiêm khắc các sai phạm thông tin điện tử


Trên lĩnh vực Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở đã ban hành 4 văn bản triển khai công tác quản lý hoạt động các Trang Thông tin điện tử; ban hành 13 văn bản phối hợp, quản lý Trang Thông tin điện tử, mạng xã hội.

Đến cuối năm 2018, Sở hoàn thành rà soát cơ bản số liệu về tên miền, Trang Thông tin điện tử đăng ký năm 2017 (với 3.456 tên miền, trong đó: 1.784/3.233 tên miền tổ chức cá nhân; 115/223 tên miền quốc tế hoạt động); phối hợp và kết hợp chấn chỉnh nghiêm khắc hoạt động của Trang Thông tin điện tử tổng hợp , sàng lọc làm rõ các đối tượng có dấu hiệu vi phạm quy định về Trang Thông tin điện tử.

Liên quan đến mạng xã hội, đơn vị chức năng của Sở đã phối hợp với cơ quan đơn vị liên quan, rà soát, ngăn chặn và xử lý các thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Trong đó, đã làm việc với các đối tượng sử dụng trang mạng xã hội (Facebook) đăng tải các nội dung xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bôi nhọ và nói xấu người khác, gây bức xúc, bất bình trong dư luận, xâm hại quyền con người, gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự, uy tín công dân.

 

 

Khen thưởng doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển của ngành 2018.


Không để xảy ra điểm nóng khiếu kiện về "An toàn đối với Trạm BTS"

Về quản lý trụ ăng-ten, trạm BTS: Tham mưu và được UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm BTS trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch.

Cấp giấy xác nhận thỏa nhận vị trí đối với 65 vị trí trạm BTS thân thiện môi trường; cấp phép 6 trạm BTS cồng kềnh xã hội hóa; hạ độ cao 11 trạm BTS cồng kềnh; kiểm tra xử lý, giải đáp 8 trường hợp phản ánh của cử tri, công dân về xây dựng, hoạt động của trạm BTS; các doanh nghiệp viễn thông triển khai công nghệ 4G tại khoảng 1.150 vị trí trạm BTS (chiếm khoảng 80% vị trí trạm).

Phải khẳng định vị trí của một Ngành đặc thù "vừa là khoa học công nghệ nền tảng – vừa phải bảo đảm chính trị tư tưởng"

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh: Có thể khẳng định, năm 2018, ngành Thông tin và Truyền thông đã có những đóng góp và khẳng định rằng, là ngành kinh tế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Với tổng doanh thu toàn ngành 2018 đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017; trong đó doanh thu công nghệ thông tin đạt 16.130 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 78 triệu USD, tăng 15% so với năm 2017.

Toàn ngành nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2018 (ước khoảng) 341 tỷ đồng. 

Nhiều doanh nghiệp như VNPT Đà Nẵng; Viettel chi nhánh Đà Nẵng; Bưu điện Đà Nẵng; Bưu chính Viettel Đà Nẵng; FPT miền Trung; ASNET; ASIAN TECH; Sioux; Công ty Phát hành sách Phương Nam Chi nhánh Đà Nẵng; Công ty Công nghệ Tin học Phi Long,... có tăng trưởng rất tốt trong năm 2018, với 2 chữ số;  rất đáng ghi nhận nữa là một số doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng, đóng góp cho phát triển chung của thành phố Đà Nẵng.

Về quản lý nhà nước, trong 7 nhiệm vụ chính, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã thực hiện tốt và góp phần lớn vào việc giúp Đà Nẵng năm thứ 10 liên tiếp (từ năm 2009 đến năm 2018) dẫn đầu Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam; được Thủ tướng Chính phủ giao tham gia mạng lưới Thành phố thông minh Asean; được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn thí điểm xây dựng đô thị thông minh theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018.

Bên cạnh những kết quả lớn đạt được như trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cũng lưu ý: Ngành Thông tin và Truyền thông vẫn còn một số khó khăn, hạn chế; cũng như yêu cầu cao hơn nữa trong quá trình phát triển.

Đó là tuy đóng góp của ngành vào quy mô phát triển kinh tế, xã hội của thành phố; đặc biệt là đóng góp 7,24% vào GRDP thành phố là khá lớn, so với một số ngành khác; tuy nhiên, thực tế, vẫn chưa khai thác hết dư địa, tiềm năng.

Vấn đề mặt bằng làm việc cho doanh nghiệp công nghiệp phần mềm nói riêng, doanh nghiệp công nghệ thông tin nói chung thiếu trầm trọng. Và vấn đề này đã được góp ý, phản ảnh, kiến nghị nhiều lần.

"Thông tin và Truyền thông ngành vừa là ngành kinh tế quan trọng, vừa là ngành cơ bản, liên quan đến tất cả các lĩnh của đời sống xã hội; vừa có yếu tố khoa học công nghệ; vừa có yếu tố chính trị tư tưởng" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh.

Trong năm 2019, cùng với các ngành hữu quan, các cơ quan chức năng, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tập trung hoàn thành các thủ tục để triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng "Dự án Khu công viên phần mềm Đà Nẵng mở rộng" tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ; Khu Công viên phần mềm số 2; Khu CNTT tập trung.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng cần tiếp thu các ý kiến góp ý, ghi nhận kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đưa vào chương trình công tác năm 2019, đồng thời tổng hợp báo cáo và đề xuất UBND thành phố hướng xử lý.

Công tác hỗ trợ quản lý đô thị của ngành còn nhiều vấn đề phải tiếp tục xử lý, nhất là việc chỉnh trang, sắp xếp lại cáp thông tin trên các tuyến đường. 

Năm 2019, phải tổ chức triển khai ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng một cách kiên quyết, hiệu quả.

Và nổi cộm lên, đáng quan tâm, là công tác nắm bắt, thông tin xấu, độc trên môi trường mạng đã chưa chủ động, kịp thời; còn lúng túng hoặc chậm trong hướng xử lý.

"Đây là một vấn đề rất phức tạp, có liên quan đến ý thức của chủ thể tham gia đưa thông tin lên các mạng xã hội và có các nhân tố liên quan khác, gây tác động tiêu cực, nên cá nhân tôi vừa lưu ý, vừa chia sẻ, cảm thông được câu chuyện này của Ngành, của Sở....

Tuy nhiên do đặc thù của một Ngành, vừa phải đảm bảo được sự phát triển tự thân, vừa đảm bảo nhiệm vụ nền tảng cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời cũng đảm bảo được sự ổn định trong chính trị, tư tưởng; Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cần có biện pháp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ thông tin để quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu, độc trên môi trường mạng; hạn chế, ngăn chặn kịp thời việc các trang thông tin điện tử đăng tải thông tin vi phạm pháp luật, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.– ông Lê Trung Chinh nói.   

Về tình hình và nhiệm vụ 2019, Phó Chù tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phân tích thêm: 

Hiện nay, Thông tin và Truyền thông ngành vừa là ngành kinh tế quan trọng, vừa là ngành cơ bản, liên quan đến tất cả các lĩnh của đời sống xã hội; vừa có yếu tố khoa học công nghệ; vừa có yếu tố chính trị tư tưởng.

Năm 2019 là năm bản lề thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020; là năm thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư; lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cần tập trung nguồn lực, phát huy trí tuệ và sáng tạo để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng.

 

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông khen thưởng thành tích xuất sắc của các cá nhân trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ Ngành 2018.


Trong đó, tập trung cao độ trong công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ tốt hơn nữa đến các doanh nghiệp Ngành, để toàn Ngành đạt được chỉ tiêu doanh thu và mức độ tăng trưởng đã đề ra. Phấn đấu tăng tỉ lệ đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 8- 9% hay tăng điểm đóng góp GRDP của thành phố thêm 1-2%.

Tiếp tục vận hành Hệ thống Chính quyền điện tử hoạt động thông suốt, an toàn, góp phần vào cải cách hành chính và tạo điều kiện cho người dân sử dụng dịch vụ công một cách thuận lợi.

Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong hệ thống chính trị; góp phần vào việc tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao hiệu lực hoạt động của các cơ quan theo Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6, BCH TW khóa XII.

"Thực tế vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay của chúng ta vẫn chưa đồng bộ, vẫn có một bộ phận còn "viết bằng tay" trong xử lý công việc, trong khi đó, chúng ta đã có chính quyền điện tử ... Rồi bây giờ chúng ta hướng đến Thành phố thông minh, muốn có Thành phố thông minh, điều kiện tiên quyết là phai đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng cả công nghệ thông tin và truyền thông. Nếu tất cả đơn vị, địa phương, tổ chức đều triệt để và đồng bộ trong ứng dụng, tôi cho rằng, hiệu quả sẽ rất cao" – Phó Chủ tịch nhắc nhở thêm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu triển khai quy hoạch và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của thành phố (hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng truyền thông; hạ tầng các khu công nghệ thông tin) một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế số, vận hành chính quyền điện tử, xây dựng Thành phố thông minh; tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó cần lưu ý phối hợp với Bưu điện Đà Nẵng và ơ quan chức năng, xây dựng "Bản đồ số Đà Nẵng". Tích hợp dữ liệu lên bản đồ này. Từ cơ sở dữ liệu này nhiều ngành sẽ sử dụng chung.
  
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh hoan nghênh các doanh nghiệp đã có ý kiến góp ý cho quá trình xây dựng các chính sách, cũng như góp ý cải tiến hoạt động quản lý nhà nước tại diễn đàn hội nghị. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục nỗ lực, giữ ổn định thị phần, phát triển sản phẩm mới đặc biệt là sản phẩm riêng, độc quyền, tìm tòi hướng xuất khẩu để ngày càng mở rộng và vững mạnh hơn nữa.

Theo T.Ngọc (ICTdanang.vn)


Chuyên mục, tin tức liên quan:

chuyên mục tổng hợp

Quản lý nội dung HTML

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Trụ sở: Tầng 24, tòa nhà Trung tâm Hành chính, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3840123 - Email: stttt@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: Số 37/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 17/01/2017