Đầu tư phòng Lab hàng chục tỉ đồng
Đến cuối tháng 2.2024, phòng thực hành thứ 2 cho sinh viên điện tử, vi mạch tại Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng sắp hoàn thành. Phòng Lab được Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Nam Long đầu tư 25 tỉ đồng sẽ hỗ trợ việc nghiên cứu công nghệ mới thuộc các lĩnh vực thiết kế vi mạch, IoT, GIS, Cloud, Robotics và 5G.
Trước đó, nhà trường đã có bước chuẩn bị dài hơi hơn khi từ năm 2020 đã đưa nội dung đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn trong đề xuất dự án ODA Hàn Quốc. Năm 2022, trường khởi công phòng Lab thiết kế vi mạch trị giá 10 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.
Cũng trong đầu năm 2024, Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức Lễ khánh thành Phòng thực hành thiết kế vi mạch (IC Design Lab) được đầu tư trang thiết bị với hệ thống máy tính cài đặt bộ công cụ thiết kế vi mạch chuẩn công nghiệp phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.
Trước mắt, phòng lab sẽ được sử dụng cho các khoá đào tạo ngắn hạn thiết kế vật lý vi mạch bán dẫn (VLSI) dự kiến khai giảng vào cuối tháng 2.2024 và đào tạo cho sinh viên các ngành gần có liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn.
Hợp tác cùng doanh nghiệp trong đào tạo
Vi mạch bán dẫn đang trở thành ngành công nghiệp hàng tỉ USD được Chính phủ và TP Đà Nẵng quan tâm nhưng lại là ngành đào tạo mới, kén người học và chưa có nguồn giảng viên. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, các trường đại học cũng đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ việc đào tạo.
Ngay sau khi công bố việc tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn cuối năm 2023, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đã ký kết hợp tác các đơn vị như Công ty FPT Software miền Trung sẽ hợp tác cùng nhà trường trong tuyển dụng, thực tập thực tế dành cho sinh viên theo học thiết kế vi mạch bán dẫn.
Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hợp tác đào tạo và nghiên cứu chương trình đào tạo kỹ sư và sau đại học về vi mạch bán dẫn. Viện Tích hợp hệ thống, Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn sẽ hợp tác triển khai đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn.
Để đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư ngành vi mạch trong tương lai cho TP Đà Nẵng, không chỉ có các trường đại học công lập mà đại học tư thục cũng sẽ tham gia tuyển sinh.
Đầu năm 2024, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa với Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu và Đại học Duy Tân.
Theo bản ghi nhớ, các bên sẽ cùng hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn cho TP Đà Nẵng, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao này cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Các bên sẽ phối hợp tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là các giảng viên, cán bộ quản lý về thiết kế vi mạch bán dẫn tại thành phố; tổ chức chương trình đào tạo sinh viên kỹ thuật trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn.
Đại học Duy Tân Đà Nẵng cũng đã được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Đại học Duy Tân.
Tham dự và phát biểu tại sự kiện này cuối tháng 1.2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, một trong những cản trở lớn nhất với Việt Nam để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn là chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, bộ hoan nghênh sự hợp tác đào tạo thiết kế vi mạch giữa các đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường để triển khai hoạt động đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn trên địa bàn TP Đà Nẵng.
"Hoạt động hợp tác 3 bên được ký kết sẽ mang lại nhiều lợi ích chung cho Đà Nẵng, đất nước và thực tiễn triển khai hoạt động đào tạo nhân lực này sẽ cung cấp thêm các luận cứ phục vụ hoạt động hoàn thiện thể chế đầu tư công nghệ cao nói chung, công nghệ vi mạch bán dẫn nói riêng" - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Theo laodong.vn