Toàn cảnh hội nghị tại Đà Nẵng
Trong thời gian qua, Đề án 06 được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, thể hiện bằng 6 Chỉ thị, 21 Nghị quyết, 4 Công điện. Tổ Công tác triển khai Đề án của Chính phủ phát huy vai trò thường trực, duy trì giao ban hàng tháng và trực tiếp làm việc với từng bộ, ngành để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn, bảo mật, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; làm việc với Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để thúc đẩy chuyển đổi số tại 19 Tập đoàn, Tổng Công ty.
Năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương đạt 58,2%, tại các bộ, ngành đạt 31,7%. Nhiều thủ tục hành chính có tỷ lệ người dân trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (97%), Đăng ký cấp biển số xe ô tô lần đầu (80,5%); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (75,6%); Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (73%); Đăng ký tạm trú (87,33%); Cấp hộ chiếu phổ thông (90,28%).
Việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước 2.505 tỷ đồng, thu hút người dân tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Các bộ ngành, địa phương đã vận động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; thực hiện các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí phù hợp.
Về sử dụng hóa đơn điện tử, đến nay, đã có 37.542 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công.
Nhiều lĩnh vực tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, như: an sinh xã hội (đã có 51/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho 340.177 người với số tiền hơn 674,3 tỷ đồng); lĩnh vực bảo hiểm (64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 3% so với năm 2022); lĩnh vực Y tế (có 87.9% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt); lĩnh vực Tài chính (tỷ lệ thu ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 99,84%).
Người dân bước đầu được hưởng các tiện ích: Vay tín chấp Ngân hàng phục vụ tiêu dùng thông qua giải pháp chấm điểm khả tín từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần phòng ngừa "tín dụng đen"; khám sức khỏe bằng số sức khỏe điện tử.
Tuy nhiên, trong quá trình quản trị vận hành và đảm bảo an ninh, an toàn, các đơn vị chưa phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, đánh giá lại hệ thống khi có sự thay đổi dẫn đến nguy cơ phát sinh lỗ hổng, điểm yếu bảo mật; chưa thực hiện đầy đủ các công tác bảo đảm an ninh, an toàn, xây dựng ban hành các quy trình, quy chế theo quy định. Do đó đã xảy ra nhiều vụ việc mất dữ liệu thời gian qua.
Bên cạnh đó, 11/22 Bộ, ngành chưa bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống cổng dịch vụ công hoặc chưa hoàn thành hệ thống.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 với những biến động nhanh, phức tạp, có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ - cũng là năm của quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, với nhiều thành tựu trong các lĩnh vực của đất nước, trong đó có công tác chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Đề án 06.
Chính phủ đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; phê duyệt Đề án 06 (ngày 06/1/2022) và đã triển khai thực hiện với 7 quan điểm chỉ đạo, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình triển khai cụ thể tại các bộ ngành, địa phương.
"Chuyển đổi số góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng vặt, tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số," Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Theo danang.gov.vn