Chỉ số SIPAS và PAR INDEX 2022 đều đạt trên 80%
Theo báo cáo, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, luôn coi CCHC là nhiệm vụ đột phá chiến lược; thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) đạt trên 80%.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được chú trọng và đẩy mạnh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.100 quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh.
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55.000 doanh nghiệp tham gia.
Bộ Công an đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 03 doanh nghiệp viễn thông và EVN bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống".
Các cơ quan đã xử lý quyết liệt tình trạng SIM rác, tiếp nhận 95,6 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao, trong đó làm sạch, đồng bộ trên 78 triệu thông tin (81,6%).
Đơn giản hóa TTHC nội bộ gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được quan tâm, chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phân cấp 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực thi phương án phân cấp 81 TTHC tại 15 văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực.
Việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa báo cáo được đẩy mạnh. Đã có hơn 21 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trung bình xử lý 550.000 văn bản/tháng (tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm).
Đà Nẵng phải là một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương và cảm ơn người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng, đạt kết quả quan trọng, tích cực trong thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thấm nhuần quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan. Luôn bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm "trên, dưới, dọc, ngang thông suốt" vì lợi ích chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian tới, các thành viên của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC tại bộ, ngành, địa phương mình theo kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo, coi đây là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện, hoàn thành trong tháng 6-2023.
Xây dựng quy trình, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp, nhất là cấp xã. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC bảo đảm từ ngày 01/6/2023 người dân không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền.
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền. Thúc đẩy tiến độ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành trong tháng 6-2023.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, năm 2025 đạt trên 90%, năm 2023 đạt trên 85%; tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại các trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải đạt 50%.
"Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cần phải đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Sau cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo danang.gov.vn.