Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành cho biết, năm 2022 được đánh giá là năm tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, dẫn đến nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong. Mặc dù vậy, nhìn chung các đơn vị xuất bản đã rất nỗ lực giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh, biến thách thức thành động lực để triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng. Nhờ đó, năm 2022, ngành xuất bản đã đạt được những thành tựu nhất định.
Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.994 tỷ đồng (tăng 33,3% so với năm 2021). Trong đó có 5 NXB có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng, gồm: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật (110,8 tỷ đồng), NXB Kim Đồng (493,5 tỷ đồng), NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam (161 tỷ đồng), NXB Giáo dục Việt Nam (2.433 tỷ đồng) và NXB Trẻ (150 tỷ đồng).
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm trao bằng khen tại Hội nghị
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, tất cả các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của ngành xuất bản năm 2022 đều tăng. Đặc biệt, lần đầu tiên, ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm (trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập, giáo viên; 2,98 bản là các loại sách khác).
Một số cuốn sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay được đã tái bản nhiều lần, in hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: Đắc nhân tâm (750.500 bản), Trên đường băng (590.000 bản), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (410.000 bản), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (331.000 bản), Mắt biếc (299.000 bản), Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu (365.000 bản), Đọc vị bất kỳ ai: Để không bị lừa dối và lợi dụng (205.200 bản).
Ở lĩnh vực phát hành, theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành và báo cáo của các Sở TT-TT, tính thời điểm hiện nay, cả nước có 2.050 cơ sở phát hành sách (tăng 1,23%), trong đó có 550 cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành và Sở TT-TT các tỉnh, thành phố xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm; 1.477 nhà sách, hộ kinh doanh; 24 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm và gần 13.500 điểm phát hành xuất bản phẩm.
Trong năm 2022, toàn ngành phát hành trên 519.000.000 xuất bản phẩm (tăng 33%); doanh thu đạt khoảng 4.500 tỷ đồng (tăng 28,7%) so với năm 2021. Số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành đạt 300.000 bản (tăng 12,7%); số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đạt 16,1 triệu bản (tương đương với năm 2021). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm đạt 17,5 triệu USD (tăng 10%) trong đó, kim ngạch xuất khẩu 1,5 triệu USD (tăng 15,4%); kim ngạch nhập khẩu đạt 16 triệu USD (tăng 16,8%).
Chia sẻ về định hướng trong năm 2023, ông Nguyễn Nguyên cho biết, trong năm nay, dự báo tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những thách thức mới do suy giảm kinh tế toàn cầu gây ra, vì vậy, đòi hỏi toàn ngành cần phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa nhằm phát huy kết quả đã đạt được năm 2022. Đồng thời nghiêm túc nhìn nhận, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đưa ngành xuất bản vững bước, phát triển trong giai đoạn tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe 7 tham luận xung quanh những vấn đề nổi cộm hiện nay của xuất bản và phát hành. Trong chiều 17-2 sẽ diễn ra Hội nghị triển khai công tác ngành in năm 2023./.
Theo https://ttbc-hcm.gov.vn