Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Datetime

 

Navigation Menu

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Chi tiết
Công nghệ số là hoàn hảo để thích ứng an toàn với Covid
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 20/10/2021 Lượt xem: 39

Quốc gia nào thích ứng nhanh nhất với Covid-19 thì quốc gia đó sẽ hồi phục và phát triển nhanh. Với Việt Nam chúng ta thì đó là thích ứng an toàn. Công nghệ số là hoàn hảo để thích ứng an toàn với Covid.


Đó là phát biểu của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tại Lễ trao giải cuộc thi Viet Solutions 2021. Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu tới Quý độc giả toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng.

20211018-m21.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ trao giải cuộc thi Viet Solutions 2021 diễn ra sáng 18/10/2021 tại Hà Nội

Nói về sự thích nghi, Charles Darwin đã từng có một phát biểu rằng: "Không phải loài khỏe mạnh nhất hay thông minh nhất sẽ sống sót, mà là loài thích ứng tốt nhất với sự thay đổi."

Quốc gia nào thích ứng nhanh nhất với Covid-19 thì quốc gia đó sẽ hồi phục và phát triển nhanh. Với Việt Nam chúng ta thì đó là thích ứng an toàn. Công nghệ số là hoàn hảo để thích ứng an toàn với Covid. Vì Covid lây lan chủ yếu là qua tiếp xúc. Công nghệ số thì không tiếp xúc. Làm việc từ xa, họp hành qua cầu truyền hình, thẻ xanh đi lại được kiểm tra không cần giấy tờ mà là qua màn hình điện thoại di động, hỗ trợ khó khăn Covid-19 bằng tiền của Chính phủ cho hàng chục triệu người dân thì chuyển thẳng vào tài khoản mobile money mà không cần đến ủy ban làm thủ tục, và v.v...

Sự tiến hoá theo học thuyết Darwin là sức mạnh của sự thay đổi liên tục, diễn ra chậm nhưng không ngừng trong một thời gian dài. Ngược lại, có quan điểm cho rằng quá trình tiến hoá là do những đột biến. Đột biến thường xuất hiện để phản ứng lại một biến cố lớn gây chấn động môi trường. Nếu chúng ta coi Covid-19 là một đột biến thì cơ hội của chúng ta sẽ là một sự phát triển đột phá. Và chúng ta rất nên có cách tiếp cận này để Việt Nam bứt phá vươn lên.

Thí dụ, ngành viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ số coi Covid là cú huých trăm năm là với hàm ý đây là đột phá. Sự phát triển của một tháng có thể bằng cả chục năm. Tại Việt Nam, sau 1 tháng Covid thì tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công phát sinh trực tuyến tăng từ 12% lên 24%. Trước Covid, để đạt tỷ lệ 12% chúng ta mất 10 năm.

Tôi nói những điều này để gợi ý với các bạn, 2 năm Covid vừa qua có thể cho Viet Solutions những cách tiếp cận mới.

Chữ Việt trong Viet Solutions là tính toàn dân. Ở Việt Nam chúng ta, cái gì là toàn dân thì sẽ thành công. Viet Solutions đã huy động được nhiều người, nhiều doanh nghiệp, nhiều bộ ngành và nhiều địa phương chưa?

Chữ Solutions trong Viet Solutions là lời giải cho các bài toán, các vấn đề để Việt Nam bứt phá vươn lên. Vậy Viet Solutions đã tập hợp các bài toán Việt Nam chưa? Các Solution của Viet Solutions đã giúp gì cho Việt Nam phát triển? Viet Solutions sẽ chỉ tập trung vài các bài toán nhỏ hay cả các bài toán lớn mang tầm thay đổi quốc gia?

Viet Solutions là tìm các giải pháp cho chuyển đổi số Việt Nam. Vậy, các vấn đề của chuyển đổi số Việt Nam đã trên bàn nghị sự của Viet Solutions chưa?

Thời đại này, câu hỏi đúng thì quan trọng hơn câu trả lời, bài toán tường minh thì quan trọng hơn lời giải. Việc khó với mình thì có thể là không khó với một ai đấy ngoài kia. Bởi vậy mà cách tốt nhất để phát triển là công khai bài toán của mình, công khai vấn đề của mình. Thay thì sợ lộ vấn đề thì hãy làm cho nó lộ ra. Vậy, Viet Solutions ngoài vinh danh các lời giải thì có vinh danh các bài toán làm thay đổi đất nước, thay đổi nhân loại không?

Viet Solutions khi công bố bài toán thì có kèm theo thông tin bài toán này nếu giải được thì sẽ có thị trường là bao nhiêu trăm tỷ, ngàn tỷ đồng không? Không kèm theo những thông tin này thì bài toán sẽ không chỉ thiếu đi động lực mà còn thiếu đi nguồn lực dành cho nó.

Cuộc thi thu hút sự tham gia của cộng động các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Cuộc thi cũng đã có sự tham gia từ sinh viên ở một số trường Đại học. Trong đó Đại học Bách Khoa đã gửi tới gần 15 giải pháp. Tuy chưa lọt được đến vòng chung kết nhưng đây chính là một sân chơi thúc đẩy sức sáng tạo trong sinh viên, giúp các em trưởng thành hơn. Người ta nói rằng, muốn xem tương lai của một quốc gia có hứa hẹn hay không, hãy nhìn vào triển vọng hiện tại của thế hệ trẻ quốc gia đó. Chúng ta hãy trao cho các em lòng tin, trao cho các em cơ hội. Với các em, có lẽ việc phấn đấu biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn sẽ là một trong những trải nghiệm giá trị nhất trong đời. Một thế hệ mới, với một cuộc cách mạng công nghiệp mới, cả hai hãy cùng chuyển động. Và vì vậy, Bộ TTTT cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều trường Đại học khác cùng tham gia vào sân chơi Viet Solutions.

Trong 3 năm qua, chúng ta cũng đã nhìn thấy mô hình vườn ươm cho các ý tưởng sáng tạo, các doanh nghiệp công nghệ non trẻ, các sản phẩm công nghệ mới. Đó là sự tham gia và cộng hưởng của 3 thành phần: Nhà nước, tập đoàn lớn và các doanh nghiệp công nghệ. Mô hình này cho thấy sự ưu việt và tính hiệu quả khi mỗi bên đều phát huy được sức mạnh của mình và góp phần mang lại giá trị chung. Nhà nước thì phải mạnh ở chỗ nhìn xa, trông rộng, ban hành chiến lược, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, đưa ra các bài toán quy mô quốc gia, đầu tư cho nghiên cứu dài hạn. Tập đoàn lớn có sức mạnh về tài chính, thị trường và các yêu cầu khắt khe của hệ thống lớn. Doanh nghiệp công nghệ thì có ý tưởng, sự sáng tạo và nhanh nhạy.

Sự cộng hưởng này sẽ góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, tạo ra thị trường để khích lệ các công ty công nghệ non trẻ, hướng tới mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào năm 2025. Sự cộng hưởng này cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam vì sẽ có những giải pháp có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống. Sự cộng hưởng này cũng sẽ góp phần xây dựng những sản phẩm, giải pháp công nghệ ưu việt, quy mô lớn và vươn ra toàn cầu.

Tôi nhiệt liệt chúc mừng các cá nhân và tổ chức nhận giải ngày hôm nay! Và cũng xin chúc mừng tất cả các cá nhân và tổ chức đã tham gia giải! Sự tham gia luôn là bước đầu tiên quan trọng nhất. Đi rồi sẽ đến! Và trong không ít trường hợp, trải nghiệm trong lúc đi có giá trị quan trọng nhất.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc, đặt ra mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao sau 25 năm nữa, chỉ ra con đường đi đến đích là bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bằng công nghệ số và chuyển đổi số.

Chúng tôi kêu gọi các kỹ sư công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, các trường đại học, các doanh nghiệp, các cá nhân kinh doanh, các tổ chức, các địa phương, các bộ ngành và người dân hãy tham gia Viet Solutions, người thì đặt bài toán, người thì nêu vấn đề của mình, người thì giải bài toán. Có bài toán nhỏ và có bài toán lớn. Có doanh nghiệp nhỏ và có doanh nghiệp lớn. Có các cá nhân và các tổ chức. Có trong nước và nước ngoài. Và người đứng ra tổ chức quá trình này là Bộ TTTT.

Hãy tưởng tượng những điều chưa từng có và hỏi tại sao không?

Giải được những bài toán ấy một cách hiệu quả bằng công nghệ số, đó chính là quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Với tinh thần ấy, tôi phát động Viet Solutions 2022!

Viet Solutions 2022 là 12 tháng!

Viet Solutions 2022 là 365 ngày!

Viet Solutions 2022 là 8.760 giờ!

Viet Solutions 2022 là 525.600 phút!

Chúng ta có quá nhiều thời gian để làm được rất nhiều việc trong năm 2022! Nhưng với điều kiện là mỗi phút trong cuộc sống của mình chúng ta luôn có Viet Solutions. Chứ không phải là gần đến ngày trao giải thì chấm giải và tổ chức sự kiện như hôm nay.

Tôi mong Viet Solutions 2022 sẽ có đổi mới mạnh mẽ và giải được nhiều bài toán Việt Nam để giúp Việt Nam phát triển bứt phá!

Chúc Viet Soluions ngày một lớn hơn và rộng hơn. Lớn như Việt Nam 100 triệu dân. Lớn như khát vọng Việt Nam. Rộng như không gian sống của tất cả chúng ta. Rộng như thị trường Việt Nam và thị trường toàn cầu.

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông


Chuyên mục, tin tức liên quan:

chuyên mục tổng hợp

Quản lý nội dung HTML

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Trụ sở: Tầng 24, tòa nhà Trung tâm Hành chính, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (+84) 236 3840123 - Email: stttt@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: Số 37/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 17/01/2017